“KỲ NGHỈ DÀI” CỦA LƯU HẠO NHIÊN – PHỎNG VẤN LƯU HẠO NHIÊN TRÊN TẠP CHÍ T MAGAZINE CHINA SỐ THÁNG 2/2023

Link bài viết gốc: https://mp.weixin.qq.com/s/H8ttJ-3rIowmDtMqhOf4ZA

Dịch sang tiếng Việt bởi Lục Hương @ Hạo Nhiên Chi Khí


Đây là lần thứ hai Lưu Hạo Nhiên là gương mặt trang bìa của tạp chí T Magazine China (lần đầu là số tháng 9 năm 2019, bản dịch phỏng vấn đọc ở đây: https://haonhienchikhi.com/2022/08/05/ngoai-20-tuoi-cau-hoi-da-thay-doi-phong-van-luu-hao-nhien-tren-t-magazine-china-so-thang-9-2019/). Câu chuyện trang bìa (Cover Story) lần này theo mình là rất thú vị, ai yêu mến và quan tâm đến Lưu Hạo Nhiên rất nên đọc. Câu chuyện trang bìa lần này chủ yếu là bài tự sự của Lưu Hạo Nhiên về những gì cậu ấy đã trải qua và suy ngẫm trong năm 2022. Lưu Hạo Nhiên thể hiện một cách hấp dẫn trí tuệ, sự sâu sắc và khả năng viết của cậu ấy trong bài tự sự này.

Bên cạnh câu chuyện trang bìa thì bộ ảnh lần này mình cũng khá ưng, vẫn thể hiện được phong thái nửa trưởng thành, nửa thiếu niên của Lưu Hạo Nhiên.


Trong phòng thay đồ, Lưu Hạo Nhiên đang chải đầu, anh ấy cố gắng hết sức để quay đầu sang một bên – mắt anh ấy đang nhìn chúng tôi và những người khác trong phòng. Trong tấm gương ngay trước mặt, khuôn mặt của chàng thanh niên 25 tuổi này cũng theo đó mà thay đổi, có lúc mở to mắt, có lúc cười hoặc cau mày. Khi nói, anh ấy bắt chéo chân và vẫy cẳng tay để làm các cử chỉ, truyền đạt cảm xúc của mình cho mọi người có mặt ở đó.

Nói nhiều, tự tin và năng động, đây là Lưu Hạo Nhiên vào đầu năm 2023.

Đây cũng là bản ngã mà anh ấy đã tìm lại sau gần 1 năm cô đơn. Vào năm 2022, anh ấy vô tình rơi vào một “kỳ nghỉ dài”: công việc bị ngừng lại, thiên hạ bên ngoài bình luận về “một cú ấn nút tắt tiếng”, và người duy nhất ở bên cạnh anh là chính bản thân anh – Lưu Hạo Nhiên.

Để hòa nhập với thế giới bất định và để “tìm vui” cho bản thân, anh ấy đã đọc rất nhiều tin tức, bán rượu bên sông Lương Mã ở Bắc Kinh, bằng lòng với niềm vui “không ai nhận ra mình”, và cũng hoàn toàn nắm lấy quyền tự do khi mời bạn bè bằng hữu.

Trong 3 năm qua, anh có kỳ vọng, có hưởng thụ, có lo lắng, có hoang mang khi gặp thời điểm mấu chốt. Bây giờ anh ấy đã bình tĩnh lại, “Sẽ không còn những suy nghĩ điên rồ muốn chứng tỏ mình là người lớn, và anh ấy sẽ không cố tình phấn đấu để làm một điều gì đó.” Sự trưởng thành đã xảy ra và anh ấy đã hoàn thành giai đoạn nhất quán trước sau như một với bản thân.

Tất nhiên, sự trưởng thành cũng có tác dụng phụ. Những năm gần đây, anh chàng tự cho mình là “bi quan” bắt đầu ngày càng tin vào “số mệnh”, anh rung động trước vẻ đẹp của sự tiếc nuối và bi kịch, đồng thời muốn làm cho mối quan hệ xung quanh ổn định hơn. Thoạt nhìn, đó có vẻ không phải là điều mà một thanh niên bận rộn “tìm vui” mong muốn, nhưng trong thời đại thay đổi nhanh chóng như hiện nay, đối với một bản ngã đang hình thành và thay đổi, vẫn có thể thành thật “bày tỏ nỗi buồn bằng một vài từ” cũng có thể coi là sự may mắn.

Sau đây là những lời tự sự của Lưu Hạo Nhiên.


Vào năm 2022, lần thứ ba tôi lại trải qua mùa đông ở vùng Đông Bắc Trung Quốc. Vì để quay phim, tôi đã ở đó từ hai tháng trước.

Ở đó cực kỳ lạnh, có khi nhiệt độ chỉ còn âm 20 độ C vào ban đêm. Mây nhiều, nắng không ổn định, thường xuyên có tuyết rơi, gió thổi từng cơn. Những cảnh đạt yêu cầu cho việc quay phim đều chỉ tồn tại chốc lát. Đặc biệt là khi quay cảnh ban đêm, cần có ánh đèn để duy trì khung cảnh xung quanh, nhưng những ngọn đèn đường không biết khi nào sẽ tắt. Có lần chúng tôi đang quay thì đèn đường bỗng tối om, mọi người đứng trong bóng tối chờ đợi. Sau này chúng tôi mới biết rằng ngày hay đêm không quan trọng, miễn là mọi thứ bắt kịp với việc chiếu sáng, chúng tôi có thể quay trong mười lăm hoặc mười sáu giờ đồng hồ.

Tôi thích những câu chuyện có bối cảnh vùng Đông Bắc Trung Quốc, chúng dường như thuộc về mùa đông một cách tự nhiên. Khi tôi đọc kịch bản này, ấn tượng đầu tiên của tôi là: đây là một câu chuyện bi thảm. Tôi thích nó—từ tận xương tủy, tôi luôn yêu thích những thứ như vậy. Cách đây không lâu tôi đã xem series phim hoạt hình “Trung Quốc kỳ đàm”, có nhiều người bàn luận về tập đầu tiên “Mùa hè của tiểu yêu quái”. Về kết cục, rốt cuộc kết thúc nào sẽ tốt hơn, để Tôn Ngộ Không dùng gậy đánh chết tiểu yêu quái như cũ hay là cái kết với một chút ấm áp như thế này? Tất nhiên, xuất phát từ cảm nhận của người Trung Quốc, tôi cho rằng cái kết của bản hiện tại là hay, nhưng với tư cách là một khán giả, nếu là cái kết cũ, e rằng sẽ hợp ý tôi hơn. Khi Argentina vô địch World Cup năm ngoái và Messi nâng cao chiếc cúp vô địch thế giới, trong lòng tôi tràn ngập những cảm giác không thực. Nói cách khác, nếu cuối cùng là một kết thúc buồn, tôi có thể thấy buồn, nhưng sẽ không xuất thần như vậy. Cuộc sống không hoàn hảo là điều tất yếu, tôi càng dễ tin và dễ chấp nhận bi kịch hơn.

Vì vậy, trong số các tác phẩm của năm 2022, vai diễn Ngô Nhân Diệu trong “Tứ Hải” khiến tôi cảm động hơn cả. Trong nhiều trường hợp, buồn không có nghĩa là khổ sở, mà là một người trong quá trình đó nhìn thấy rõ hy vọng, nhưng khi đến ngã ba đường lại chọn một con đường khác một cách đầy oan nghiệt, để rồi tất cả dẫn đến sự vỡ mộng.

Trên mạng, người ta gọi loại chuyện như vậy là “Mỹ học BE (Bad Ending – Kết thúc bi kịch)”. Nhiều tác phẩm tôi tiếp xúc trong năm 2022 thuộc thể loại này, chẳng hạn như “Aftersun”, “Bitter Moon” và “Fire of Love”. Xem xong những tác phẩm này, người ta cảm thấy mất mát buồn bã. Ngành này (điện ảnh và truyền hình) là ngành khiến người ta phải khóc, nhưng sau khi khóc xong, bạn sẽ thấy mình vẫn còn sức lực để yêu.

Bắt đầu từ năm 2021, cuộc sống của tôi đã không còn như trước.

Tất nhiên trong đó có yếu tố dịch bệnh, khi đó tôi đã dành cả năm trời để mong thế giới trở lại nhịp điệu bình thường, và cuối cùng phải thừa nhận rằng sự không hoàn hảo là trạng thái bình thường của cuộc sống. Quan trọng hơn, trạng thái cá nhân của tôi trong vài năm qua cũng ở một thời điểm khá quan trọng – một bước sang trái hoặc một bước sang phải dường như dẫn đến một bản ngã hoàn toàn khác. Vào những lúc như thế này, mọi người sẽ muốn thúc đẩy bản thân và cố gắng chứng tỏ rằng họ đã trưởng thành. Khi nhận được các thể loại kịch bản khác nhau, tôi cảm thấy mình có thể diễn xuất, những kịch bản học đường mà tôi quen thuộc trước đây không còn khiến tôi hài lòng nữa. Một vài kịch bản liên quan đến đời sống xã hội và gia đình, mặc dù tôi cũng muốn “đảm nhận”, nhưng tôi vẫn thấy một chút không tự tin. Theo cách này, con người sẽ vô thức có sự biến đổi.

Ý thức “trạng thái tới hạn” này được thể hiện ở nhiều chỗ. Đôi khi tôi gặp phải một nhân vật có trải nghiệm rất khác với mình, tôi không thể nhập tâm vào bộ phim và tôi rất lo lắng, vì vậy tôi chỉ có thể sử dụng một số “phương pháp ngu ngốc”. Ví dụ như thức khuya, ăn uống quá độ, không giao tiếp với thế giới bên ngoài, ép mình nhập vào trạng thái của nhân vật trong bộ phim, từ thể chất để ép sang tâm lý. Vì tôi biết rằng giai đoạn này của cuộc đời tôi chưa trải qua nhiều “chuyện lớn” thực sự, cuộc sống và công việc của tôi cũng tương đối suôn sẻ. Nếu tôi muốn hiểu được những “chuyện lớn” đó chỉ có thể vận dụng trí tưởng tượng của cơ thể và sự đồng cảm.

Nhưng trong 3 năm trở lại đây, tôi dần nhận thấy dường như mình đã đi những bước đó một cách tự nhiên, không còn cảm giác muốn chứng tỏ mình là người trưởng thành, không còn cố sức phấn đấu cho những gì mình phải làm. Nhiều đạo diễn và biên kịch đã nhận thấy những thay đổi đó trong tôi, và những nhân vật mà tôi chưa từng tiếp xúc trước đây cũng được đưa đến trước mặt tôi. Trưởng thành là một quá trình thầm lặng không có nút thời gian cụ thể.

Nửa đầu năm ngoái, tôi có rất nhiều niềm vui cho bản thân.

Vào tháng 5, tôi và một vài người bạn “không chuyên chú vào nghề chính” bắt đầu mở một quầy bán rượu bên sông Lương Mã. Mỗi buổi chiều, tôi cắt chanh ở nhà, chuẩn bị sẵn lá bạc hà, đổ đầy đá viên vào một xô nhựa lớn, vào lúc tám hoặc chín giờ tối, tôi dựng một quầy hàng ven sông. Một nhóm chúng tôi ngồi trò chuyện, ăn uống, thỉnh thoảng có hứng thì sẽ pha một cốc rượu. Chúng tôi bán một ly Mojito lớn với giá 20 tệ, và tất nhiên phần lớn là do bạn bè của chúng tôi mua. Uống rượu tán gẫu với bạn bè, hoặc chơi trượt ván một lúc, có khi đến tận bốn hoặc năm giờ sáng rồi đi bộ về nhà ngủ, những ngày đó thật sự rất vui.

Năm 2022 đã khiến tôi bắt đầu hiểu biết bản thân lại từ đầu. Tôi bắt đầu đóng phim từ năm 2015, khi làm việc trong đoàn phim, tôi luôn nhận được sự đánh giá từ các đạo diễn, diễn viên mới, người hâm mộ và cả các thầy cô trong trường. Nhưng vào năm ngoái, trong khoảng thời gian hiếm hoi chỉ có một mình trong đời này, các tiêu chí đánh giá dường như quay trở lại với tôi. Trong trạng thái tâm trí như vậy, cũng thật hiếm hoi để tìm thấy một số sở thích hoặc làm một số điều thú vị.

Tất nhiên, cũng có cả sự lo lắng. Có một lần tôi và Đổng Tử Kiện về nhà sau khi đi xe mô tô và muốn tìm vài người bạn để cùng ăn gì đó. Tôi nghĩ chắc mọi người đều ở nhà nhàn rỗi không quay phim, nhưng khi tôi mở danh bạ ra và gọi hơn 20 cuộc điện thoại, và thấy rằng tất cả bạn bè của tôi đều đang ở phim trường. Chúng tôi đã nói đùa rằng, “Vậy không phải là ngành đang suy thoái, mà là chúng ta đang suy thoái (cười).” Đó thực sự là một lời nói đùa, và cũng là một sự lo lắng thực sự. Đây là một số việc đã xảy ra trong năm 2022 đọng lại trong trái tim tôi.

Toàn bộ ngành công nghiệp (điện ảnh và truyền hình) đã rơi vào tình trạng khó khăn trong hai năm qua, và tất nhiên tôi cũng rất lo lắng với tư cách là một người trong cuộc. Nhưng sự lo lắng của tôi giống như của một người học việc và một người ngoài cuộc – tôi vẫn còn trẻ, và tôi chỉ là một diễn viên mới vào nghề được vài năm, nhìn thấy những trụ cột của ngành xung quanh mình có cảm giác lo lắng và trách nhiệm về sứ mệnh thực sự, khiến tôi không chỉ cảm thông mà còn cảm thấy mình vẫn còn cả một chặng đường dài phía trước.

Trong mấy năm gần đây tôi đã giao lưu với rất nhiều thầy cô và các bậc tiền bối, càng ngày tôi càng cảm thấy khó có thể dùng một tiêu chuẩn thống nhất để đánh giá một diễn viên có thành công hay không. Tiêu chuẩn của tôi là nếu tôi tìm thấy một nhân vật tôi thích trong một tác phẩm, và diễn viên đó diễn xuất rất tốt, thì lần sau tôi sẽ sẵn sàng xem tác phẩm của anh ấy/cô ấy hơn. Loại “mức độ hoàn thành” này rất tinh tế. Mỗi tác phẩm đều có một cốt lõi độc lập, khi các kỹ năng của diễn viên và quay phim, diễn xuất và đạo diễn có sự tự thống nhất với nhau, rõ ràng bạn sẽ cảm thấy mình đã chạm được vào sự cốt lõi đó, và đây là khoảnh khắc xúc động quan trọng nhất của tác phẩm.

Đôi khi tôi thảo luận điều này với bạn bè và thậm chí với các vị lão sư tiền bối. Cách đây ít lâu, với tư cách là người giới thiệu phim ngắn của “Tuần lễ phim Hải Lãng”, chúng tôi đã xem tổng cộng gần 20 phim ngắn. Khi đó, đạo diễn Tào Bảo Bình đang nói chuyện với các lão sư khác, tôi đột nhiên phát hiện ra rằng những gì mọi người xem và thích trong phim rất khác nhau, và tôi sẵn sàng bày tỏ suy nghĩ của mình một cách trực tiếp và thẳng thắn. Tôi thường làm điều này khi thảo luận các vấn đề với bạn bè mình. Trước đây tôi cũng đã làm rất nhiều chuyện ngu ngốc, có đôi khi buổi tối nằm trên giường, hận không thể tự tát vào miệng mình hai cái thật đau khi hồi tưởng lại. Nhưng ngày hôm sau, khi tôi gặp phải tình huống tương tự, tôi vẫn sẵn sàng nói và bày tỏ điều đó.

Trong 3 năm qua, một sự thay đổi mạnh mẽ khác đã đến với tôi: Tôi hoàn toàn thoát khỏi thân phận sinh viên và bắt đầu làm việc trong một đoàn nghệ thuật. Thực ra đây không phải là quyết định được đưa ra ngay trước khi tốt nghiệp, mà ngay từ khi còn học tại Trường trung học Bắc Vũ (Trường trung học Vũ đạo trực thuộc Học viện Vũ đạo Bắc Kinh), tôi và các bạn cùng lớp đã biết đến “Trung Hí” (Học viện Hí kịch Trung ương). Các giáo viên cũng chỉ ra tương lai cho chúng tôi – nếu em thích ca hát, em nên học chuyên ngành nhạc kịch; nếu em thích biểu diễn thuần túy, em phải chuẩn bị để làm việc trong đoàn phim trong 10 năm tới, đợi tới tầm khoảng 40 tuổi khi em bắt đầu diễn vai chính, em sẽ có thể vào được đoàn nghệ thuật và trở thành một diễn viên giỏi… Những nhận thức này đã ăn sâu vào tâm trí tôi từ rất lâu trước khi hoàn cảnh thay đổi. Dù sau này tôi may mắn có được nhiều cơ hội và nhiều vai diễn nhưng những nhận thức theo “trường phái cũ” này chưa bao giờ phai nhạt trong tôi.

Quan trọng hơn, điều này mang lại cho tôi trải nghiệm ổn định về cuộc sống tập thể. Học nghệ thuật ban đầu với tôi là một lựa chọn ngoài lề đặc thù (T/N: có thể đọc kỹ hơn về quyết định tình cờ này của Lưu Hạo Nhiên trong tự truyện “Gặp gió”: ). Ở trường trung học, lớp chúng tôi có tổng cộng hai mươi học sinh, nhưng sau khi tốt nghiệp, lớp chỉ còn lại năm sáu người. Nhiều bạn cùng lớp đột ngột biến mất giữa chừng, có thể có sự an bài khác trong cuộc đời. Sau này vào đoàn phim, hầu như lần nào quay xong tôi cũng khóc – vì mọi người trong đoàn phim như người nhà, nghĩ rằng chắc chúng tôi có lẽ sẽ không gặp nhau trong một thời gian dài, khó mà chấp nhận được kiểu chia ly và đoàn tụ như vậy. Nhưng đoàn nghệ thuật thì khác. Một khi bạn đã đến, có lẽ sẽ là sự kiện cả đời. Ít nhất trong mười hay hai mươi năm nữa, đây là mối quan hệ tập thể mang tính ổn định. Điều này đặc biệt quan trọng đối với tôi.

Xét cho cùng, cuộc sống không phải là một trò chơi một người chơi mang tính chủ quan. Chỉ bằng cách chọn đúng hướng đi ở tất cả các giao lộ, bạn mới có thể có được kết cục tốt nhất, nhưng xác suất nhận được kết cục như vậy là rất nhỏ. Đôi khi tôi nghĩ nếu một ngày nào đó tôi đột nhiên biết rằng mình sắp chết, điều cuối cùng tôi phải làm là tìm một nơi không có người ở và biến mất, để khi mọi người nói về tôi, họ sẽ chỉ nói là cậu ấy đang mất tích, điều đó có vẻ khá tuyệt. Những cuộc thảo luận này và những kết thúc chưa biết sẽ kéo dài cuộc đời của một người – ngay cả khi cuối cùng không đạt được kết thúc tốt nhất, tôi sẽ là (người) thú vị trong quá trình này.

Mọi người vẫn thường nói về tôi bằng cụm từ “cảm giác thiếu niên”. Tôi nghĩ bản thân “cảm giác thiếu niên” phải là một trạng thái tự do và không bị ràng buộc. Khi điều ấy trở nên mất tự do, khi nó bắt đầu giam cầm và giới hạn bạn, bạn bắt đầu đánh mất nó. Tôi thậm chí còn hy vọng rằng “cảm giác thiếu niên” không còn là một thuộc tính nữa, và tôi hy vọng rằng tôi sẽ không trở thành một NPC trong trò chơi, và chỉ làm những việc “nên làm” và “nghĩa vụ”. Suy cho cùng, con người vẫn là một loại sinh vật có thể hy vọng, thách thức và muốn có một khía cạnh khó nắm bắt hơn!

Tôi thường nghĩ về bộ phim hoạt hình yêu thích của mình hồi nhỏ có tên là “Martin Morning”. Nhân vật chính Martin trong phim sẽ biến thành một sinh vật hoàn toàn khác sau khi thức dậy mỗi ngày. Cậu ấy có thể trở thành một pharaoh hoặc một zombie. Tôi cũng hy vọng rằng mình có thể trở thành một người như Martin, sản sinh ra một bản ngã mới mỗi ngày, như vậy tôi (cảm thấy) thú vị, và những người bạn xung quanh tôi cũng sẽ cảm thấy thú vị.


Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

%d bloggers like this: