“KHI QUY TẮC BỊ PHÁ VỠ, LƯU HẠO NHIÊN KHÔNG GIẤU NỔI SỰ ‘HOANG DÃ’ CỦA MÌNH” – PHỎNG VẤN LƯU HẠO NHIÊN TRÊN ELLE CHINA SỐ THÁNG 5/2022

Lưu Hạo Nhiên là gương mặt trang bìa của ELLE China số tháng 5/2022, đây là lần thứ hai Lưu Hạo Nhiên lên bìa ELLE China (lần đầu là tháng 1/2021). Đây là bìa báo thứ 2 do Alexander McQueen đẩy (bìa đầu là Wallpaper China số tháng 10/2021) kể từ khi Lưu Hạo Nhiên là Người phát ngôn thương hiệu Alexander McQueen tại Trung Quốc (chính thức từ 10/10/2021).

Nhiếp ảnh gia của bộ ảnh là Hứa Sấm. Hứa Sấm cũng là nhiếp ảnh gia cho 2 bộ ảnh quảng bá của Lưu Hạo Nhiên cho Alexander McQueen. Bộ ảnh này là một thử nghiệm hình tượng mới của Lưu Hạo Nhiên ở tuổi 24.

Chủ đề của số báo lần này là “The City Special,” nên trong bài phỏng vấn này sẽ đề cập đến trải nghiệm của Lưu Hạo Nhiên với các thành phố.

Link bài báo gốc: https://mp.weixin.qq.com/s/9a6jZZfIX_YyHH1v_y7VTw

Dịch sang tiếng Việt bởi Lục Hương @ Hạo Nhiên Chi Khí


Tốc độ là món quà của thời đại. Khi tiếp nhận món quà này, chúng ta luôn hướng về phía trước và nỗ lực hết mình trong dòng chảy của thời đại. Cho đến khi có một số lý do – cả bên ngoài lẫn bên trong, Lưu Hạo Nhiên lựa chọn sống chậm lại, tận hưởng từng khoảnh khắc, đi sâu vào cấu trúc đô thị, quan sát, khám phá và tìm kiếm sự tự do mà anh ấy mong muốn.

Lắng nghe Lưu Hạo Nhiên mô tả về những cảnh tượng trong cuộc sống của anh, từng cảnh một, dù không thể nhìn thấy biểu cảm của anh ấy ở đầu dây bên kia nhưng tôi có thể cảm nhận rõ ràng những thăng trầm trong cung bậc cảm xúc của anh ấy qua sự thay đổi trong giọng nói (T/N: phỏng vấn được thực hiện qua điện thoại do tình hình dịch bệnh Covid-19 lại bùng phát ở Trung Quốc gần đây). Có lẽ như Lưu Hạo Nhiên đã nói, đôi khi khoảng cách có thể mang đến cho con người ta một khoảng trống rộng lớn và vô tận dành cho trí tưởng tượng. Bạn có thể theo mô tả của anh ấy đến sân bóng rổ có mái che bằng tôn ở Quảng Châu, tưởng tượng ra những quầy hàng rong ở Thành Đô vào lúc nửa đêm, và thậm chí lái xe một cách vô định trong thành phố cùng anh ấy, và bạn cũng có thể cùng anh ấy đi đến sân chơi và sở thú.

Ngày nay khi nhắc đến thành phố người ta thường liên tưởng đến chỉ số hạnh phúc, vậy hạnh phúc của người dân sống ở thành phố đến từ đâu? Lưu Hạo Nhiên đã nói liền một hơi về nhiều khía cạnh: Mỗi người đều có cách sống riêng của mình, điều này thường xuất phát từ trải nghiệm thời thơ ấu của bạn, sự giáo dục trong gia đình bạn, và tâm lý của bạn…

“Tổng kết về mặt phân tích thì, hạnh phúc phụ thuộc vào những gì bạn đang theo đuổi, hay những gì bạn cần?”

Tôi đẩy câu hỏi trở lại cho Lưu Hạo Nhiên – chính xác thì điều gì là cần thiết ở giai đoạn này? “Đó là sống, sống như một người bình thường.” Anh ấy trả lời rất quả quyết.

PHẦN 1 – QUÁN TRÀ VÀ SÂN BÓNG RỔ

Sau khi cuộc gọi được kết nối, giọng nói của Lưu Hạo Nhiên phát ra từ chiếc điện thoại.

Hình ảnh A Diệu với mái tóc nhuộm vàng, ria mép lởm chởm trong bộ phim “Tứ Hải” hiện ra trước mắt tôi – đây là vai diễn trên màn ảnh rộng gần đây của Lưu Hạo Nhiên, và sự khác biệt là không hề nhỏ so với ấn tượng mà anh ấy từng để lại cho công chúng: A Diệu là ngỗ ngược, Lưu Hạo Nhiên là “quy củ.”

Một số cảnh quay của “Tứ Hải” được quay tại Quảng Châu. Trước đây, sau khi kết thúc công việc và trở về khách sạn, Lưu Hạo Nhiên sẽ luôn ở trong phòng. Giờ đây, những thay đổi đang dần diễn ra trong anh, và Lưu Hạo Nhiên cảm thấy rằng đây là điều anh có thể lựa chọn một cách tự nguyện. Bây giờ, miễn là anh ấy không đóng phim, anh ấy sẽ đi xem “cuộc sống của những người dân địa phương,” dạo bước trên những con đường đầy khói bụi, và ăn ở một số quán nhỏ ven đường.



Một ngày nọ, Lưu Hạo Nhiên dậy sớm và đến một quán trà ở Quảng Châu. “Trong quán trà, mọi người dường như đang ở trong một thời gian và không gian với dòng chảy rất chậm.” Điều này khiến anh nhớ đến cuộc sống ở Bắc Kinh, bao gồm cả bản thân anh, tất cả mọi người đều vội vã, “Cho dù đi bộ, làm việc, nói chuyện, thậm chí ăn tối, mọi thứ đều hối hả. Việc đó diễn ra như vậy đấy – rất nhiều lần đối với chúng tôi, ăn là để no bụng; đi trên phố là phải di chuyển hết nơi này đến nơi khác. Ai cũng vội vàng.” Tôi không khỏi có chút băn khoăn, từ khi nào thì niềm vui của việc chậm rãi thong thả đã biến mất?

Quán trà ở Quảng Châu thể hiện một thế giới hoàn toàn khác. Nhìn ngắm xung quanh, khách hàng đều chẳng ai giống ai, nhàn nhã uống trà và ăn điểm tâm, “Các mẹ các dì có thể ngồi cả buổi sáng, một số có thể đọc báo – báo giấy, không phải điện thoại di động hay máy tính bảng…” Trạng thái này được người Quảng Châu gọi là “Hea,” một trạng thái thoải mái “không làm gì cả” và “hít thở” chính là DNA trong xương cốt của họ, chỉ cần tận hưởng khoảnh khắc này. Lưu Hạo Nhiên đã quan sát kỹ, thấy rằng ở nhiều trà lầu hay nhà hàng kiểu cổ, khách hàng đều là hàng xóm. Khi bước vào, họ không coi mình là khách chút nào. Quy trình này với họ thật rõ ràng, và dường như họ trao đổi với người phục vụ bàn bằng “ẩn ngữ. “Bởi vì tôi không hiểu tiếng Quan thoại nên tôi cũng không biết họ đang nói gì. Nhưng trong môi trường đó, họ dường như không quen với kiểu trang trọng khách sáo của chúng ta.”

“Quán trà có thể là nơi không phù hợp với thanh niên,” Lưu Hạo Nhiên cười nói. Trong khoảng thời gian rảnh rỗi ở Quảng Châu, anh ấy sẽ chơi bóng rổ với những người bạn trong đoàn làm phim.

“Quảng Châu có một bầu không khí bóng rổ mạnh mẽ.” Lưu Hạo Nhiên chưa bao giờ thấy một sân bóng rổ như vậy ở Bắc Kinh, một nhà kho dựng bằng các tấm tôn, và các tấm tôn chỉ để che mưa gió. “Mùa đông Bắc Kinh quá lạnh, các sân trong nhà cần được sưởi ấm, và nhà kho bằng tôn không thể giữ ấm: Quảng Châu ấm áp, nhưng mùa hè rất ngột ngạt, và họ để mở tất cả các cửa và thổi gió vào bên trong bằng những chiếc quạt lớn thường thấy ở các quán thịt nướng.”

Thông thường nhóm của anh ấy có hai hoặc ba người, họ trông giống như những thanh thiếu niên bình thường, đội mũ, mua vé vào sân tập, và khi gặp ai đó cùng tuổi đang chơi bóng, họ tiến đến và nói: “Bạn có muốn chơi cùng không?” Đó là sự gặp gỡ ngẫu nhiên. “Lần đầu tiên mọi người đều không nhận ra tôi. Có thể họ phản ứng bằng cách ồ lên hay xì xào, nhưng cũng không quan trọng nếu họ nhận ra tôi. Đó là cách tôi vẫn chơi bóng rổ ở Bắc Kinh.” Đôi khi mọi người chụp ảnh và đăng lên mạng. Anh ấy nhận thấy và nhắc họ, nhưng đôi khi anh cảm thấy rằng mình có thể chấp nhận điều đó, “Việc này không quan trọng, dù sao, tôi tận hưởng việc chơi bóng rổ và tận hưởng cuộc sống của tôi. Đó là điều quan trọng nhất.”

“Điều này thật sự có thể xảy ra sao?” Chúng ta phải đối mặt với sự tò mò tương tự hết lần này đến lần khác. “Tại sao lại không chứ?” Lưu Hạo Nhiên hỏi lại một cách quả quyết.

Những nghi vấn thường được giới truyền thông nhắc đến là “Anh không sợ bị nhận ra sao?” “Chẳng phải sẽ không thoải mái à?” Có thể đó chỉ là một số câu hỏi giả định, một rắc rối tưởng tượng. Khi anh ấy bước vào sân bóng rổ ven đường, bất kể anh ấy đang ở thành phố nào, dường như không có rào cản, và anh ấy tự nhiên có thể hòa nhập.

PHẦN 2 – NGẪU NHIÊN VÀ TƯỞNG TƯỢNG

Lưu Hạo Nhiên kể rằng một trong những người bạn của anh ấy quê ở Thành Đô từng sống ở Bắc Kinh, và chỉ sau khi dịch bệnh bùng phát, người bạn ấy quyết định bán ngôi nhà ở Bắc Kinh và chuyển hẳn về quê.

“Anh ấy là người gốc Thành Đô, anh ấy sắp xếp ăn bữa khuya và đưa tôi đi ăn những quầy hàng bán rong ven đường – món nào cũng cay, sò, ngao … Một chiếc bàn lớn hơn chục món, không món nào thanh đạm. “Ăn rất là ngon, nhưng bữa khuya nhiều dầu và muối như vậy sẽ mang lại cho bạn một “món quà” tặng kèm vào ngày hôm sau.” “Tôi không ngờ là ngày hôm sau phải tham dự sự kiện, mặt tôi sưng lên, trông như thể tôi đã tăng cả chục cân. Nhưng tôi không hối tiếc. Vì tôi đến Thành Đô thì tôi muốn ăn đồ ăn địa phương. Bạn sẽ không thể tìm thấy món ăn tương tự khi quay lại Bắc Kinh. Giống như khi tôi ăn lẩu xèo xèo* trong một nhà hàng lâu đời ở Quảng Châu, họ cho lưỡi bò, gà và lươn vào chung một nồi. Khi tôi trở lại Bắc Kinh, tôi đã cố gắng tìm ăn món lẩu tương tự, nhưng nó không có hương vị như vậy.”

(T/N: Khi các nguyên liệu được cho vào nồi đất và đun ở nhiệt độ rất cao, nước súp trong nồi đất bốc hơi nhanh chóng và phát ra âm thanh “嗞 嗞” (xèo xèo). Phát âm tiếng Quảng Đông của “嗞 嗞” là “嗫 嗫” vì vậy người dân Quảng Châu đã đặt tên cho món ăn này là 啫啫煲. 啫啫煲 xuất hiện lần đầu tiên trong các quán ăn ở Quảng Châu vào những năm 1980. Sau đó, nó trở nên phổ biến trong các nhà hàng bán món Quảng Đông.)

Giống như cái gọi là quất ở bờ nam mang sang bờ bắc trồng thì ra cây quất hôi, thực phẩm dường như không thể tách rời nơi nó sinh trưởng, dù có sưu tầm đầy đủ các nguyên liệu và tuân thủ nghiêm ngặt công thức thì cũng khó mà tái tạo được độ ngon chính xác như nhau. Lưu Hạo Nhiên đã hình thành một thói quen khác – anh ấy có một lời giải thích lãng mạn cho thói quen này: “Đi đến đâu tôi cũng nghĩ từ trước việc mình muốn ăn gì, đến nơi thì tôi nhất định phải đi ăn món đó, giống như lời hứa giữa tôi và thành phố này, hay đúng hơn là một kỷ niệm. Tôi sẽ mong được thưởng thức hương vị ấy khi tôi đến thành phố đó.”

Theo Lưu Hạo Nhiên, đây là một trong những lợi ích của việc trở thành diễn viên: được bay đến nhiều nơi và gặp gỡ nhiều người.

“Họ đến từ khắp nơi trên thế giới và từ mọi tầng lớp xã hội, vì vậy tôi đã để lại kỷ niệm và kết bạn ở nhiều nơi.” Những người đó có thể là những người tình cờ đấu bóng cùng nhau trên sân bóng rổ, hay những ông chủ thích tán gẫu ở những quán ven đường. Họ đã có những cuộc trò chuyện vui vẻ về những chủ đề vụn vặt trong cuộc sống. Lưu Hạo Nhiên rất thích mức độ tiếp xúc này: “Những người quen biết sơ sơ là tốt nhất. Chỉ cần trò chuyện đơn giản với nhau và chia sẻ những phần đơn giản của cuộc sống. Bạn nghĩ anh ấy thân thiện và tốt bụng, và ấn tượng về người này sẽ ở lại đó.“ Điều này dần dần trở thành một phần không thể thiếu của ký ức, và bạn sẽ không ngừng sửa đổi khi nhớ lại. “Theo thời gian, khi nghĩ lại, có lẽ tôi sẽ dùng trí tưởng tượng của chính mình để lấp đầy phần anh ấy không nói với tôi, và anh ấy một người bạn lưu lại trong ký ức.”

Chúng tôi nghĩ đến một điều khác, khi người diễn viên nhận kịch bản và bắt tay vào chuẩn bị tiểu sử nhân vật, bằng sự hiểu biết, kinh nghiệm và trí tưởng tượng của bản thân, anh ấy đã vẽ nên phần mà biên kịch không đề cập đến trong kịch bản, là tảng băng ẩn dưới mặt nước. “Ví dụ, tại sao nhân vật này lại làm như vậy? Trong hoàn cảnh nào khiến anh ta đưa ra lựa chọn như vậy? Điều gì đã khiến anh ta trở thành một vai diễn trong kịch bản? Vì mỗi nhân vật đều khác nhau, khi đối mặt với cùng một sự việc, họ sẽ phản ứng khác nhau. Làm thế nào chúng ta có thể hiểu điều đó?”

Có phải vì ảnh hưởng từ công việc diễn viên mà anh ấy đã quen với việc xây dựng “chân dung nhân vật” cho mỗi người lạ mà anh gặp trong đời, hay là do một số khả năng và đặc điểm bẩm sinh đã khiến anh trở thành một diễn viên, Lưu Hạo Nhiên không còn có thể phân biệt được nữa.

PHẦN 3 – SỰ ĐIỀU CHỈNH SAU KHI QUY TẮC BỊ PHÁ VỠ

“Tôi từng là một người khá quy củ.”

Sau khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, chuỗi ngày sống theo quy tắc của Lưu Hạo Nhiên hoàn toàn tan vỡ. Trước đây, anh có thể sắp xếp cuộc sống và công việc của mình một cách thoải mái hơn, “Mỗi năm đóng vài bộ phim, sau đó có thời gian nghỉ ngơi tùy ý, chẳng hạn như quay một bộ phim từ tháng Tư đến tháng Sáu, thì từ tháng Sáu tới tháng Bảy tôi sẽ rảnh. Tôi có một tháng để đi du lịch. Trước đây mỗi năm tôi đi du lịch nước ngoài hai lần.” Ở hiện tại, ngay cả các công việc đã chốt cũng có thể đột nhiên phát sinh những vấn đề ngoài kế hoạch, hoặc là đoàn phim thông báo với mọi người là hoãn quay, hoặc công việc sẽ hoàn thành trước kế hoạch. Nhìn chung, thói quen mà Lưu Hạo Nhiên đã từng hình thành trong chốc lát đã bị vô hiệu hóa, anh không dám có “kế hoạch” nào nữa. Kể cả trong những ngày nghỉ, anh cũng chỉ ở nhà, nghe nhạc, đọc sách, xem phim, chơi game, và không đi chơi – “Nó giống như một loại phản ứng với sự căng thẳng, tôi sợ rằng nếu tôi nhận được một thông báo nào đó, kế hoạch ban đầu sẽ hoàn toàn bị phá vỡ.”

Việc không thể kiểm soát được cuộc sống sẽ gây ra lo lắng, người từng lên kế hoạch trước và sắp xếp kế hoạch cho cả năm giờ đây không thể kiểm soát được kế hoạch dù chỉ là trong một tuần. Cuộc sống vốn đang được lên kế hoạch chặt chẽ đột nhiên bị rạn nứt, nhưng qua những khe nứt này ánh sáng lại có thể lọt vào. Từ nhanh đến chậm, dần dần Lưu Hạo Nhiên học được cách “tùy cơ ứng biến,” tại sao không theo tâm trạng của mình, “Một buổi chiều hoặc một buổi tối, xách túi xuống nhà chơi bóng, lái xe mô tô đi dạo một lát, đi leo núi, hoặc đơn giản chỉ là đi bộ trong công viên.”

Điều này không nên được gọi là một sự thỏa hiệp, Lưu Hạo Nhiên biết rằng đây có thể là một điều tốt.

“Cuộc sống của tôi đã từng được sắp xếp quá chặt chẽ, hay nói cách khác là quá đều đặn. Giờ đây, tôi đã phát hiện ra rằng những điều nhỏ nhặt – rất nhỏ trong cuộc sống của tôi có thể khiến toàn bộ tâm trạng của tôi bình tĩnh lại. Cuộc sống gồm những điều nhỏ bé vụn vặt này lại mang lại cho tôi nhiều điều. ”

Trong dịp Tết Âm lịch, Lưu Hạo Nhiên muốn lái xe đi loanh quanh trên chiếc xe mô tô mới của mình, anh không biết mình sẽ đi đâu và không biết đích đến. Nhưng trên đường đi, anh đã gặp rất nhiều người lạ, đội mũ bảo hiểm và đeo khẩu trang, và tất cả mọi người đều không thể nhìn rõ nhau nhưng vẫn có thể giao tiếp dễ dàng. Đây là một trải nghiệm tuyệt vời, quan sát thành phố và con người, quan sát tất cả các phong cách sống mà anh tiếp xúc. Ngoài bản năng chuyên nghiệp của nghề diễn viên, anh ấy luôn tò mò, sẵn sàng cởi mở và chủ động hòa nhập với thế giới xung quanh. Anh ấy tin rằng một diễn viên giỏi cần phải rút ra cảm hứng từ cuộc sống, và mọi trải nghiệm sẽ trở thành kinh nghiệm quý báu của anh ấy.

Chúng ta thường nghĩ rằng một loại cuộc sống nào đó chỉ có thể có được nhờ “chăm chỉ,” nhưng đôi khi, nó có thể đạt được mà chỉ cần nỗ lực rất ít: “Điều đó phụ thuộc vào việc bạn có muốn làm hay không. Nếu bạn muốn làm điều này, đừng quá lo lắng. Hãy mạnh dạn mở cửa, bước ra ngoài một bước, rồi mọi thứ sẽ đâu vào đấy.”

Điều khiến Lưu Hạo Nhiên hạnh phúc trong mùa đông vừa qua là anh đã học trượt tuyết.

Anh ấy luôn tích cực tham gia vào những điều mới, và sẵn sàng đầu tư thời gian và sức lực để thực hành, nhưng đồng thời, anh ấy hiếm khi nghĩ đến việc học và làm chủ một thứ.

Anh ấy nghĩ rằng trượt tuyết sẽ trở thành một thú vui cả đời. “Giống như một người thích nấu ăn, họ sẽ luôn nghiên cứu các công thức nấu ăn; một người thích chơi golf sẽ tập luyện bất kể mùa nào”. Tuy nhiên, trượt tuyết là một môn thể thao có giới hạn theo mùa. Đúng vậy. chỉ có ba hoặc bốn tháng trong năm để tận hưởng nó một cách trọn vẹn nhất. Anh ấy nghĩ không sao cả, hãy cứ coi trượt tuyết như một thú vui.

Lúc này, chúng tôi chợt nhận ra rằng Lưu Hạo Nhiên mới chỉ 24 tuổi, lứa tuổi có thể tiếp xúc, hiểu và làm quen với mọi thứ một cách hời hợt. Không ai được lập trình để biết những gì họ nên và không nên thích ngay từ đầu. Anh ấy vẫn đang tìm kiếm những “sở thích” thực sự đáng để yêu thích cả đời. Lưu Hạo Nhiên tin rằng trên đời này, ai cũng có thể tìm thấy những sở thích đó.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

%d bloggers like this: