Link bài báo gốc của China Film News: https://card.weibo.com/article/m/show/id/2309404606266101071975
Dịch sang tiếng Việt bởi Lục Hương @ Hạo Nhiên Chi Khí
Các bạn chắc hẳn đã đọc bài báo đánh giá của giới điện ảnh nước ngoài về “Thám tử phố Tàu 3” (xem ở đây https://haonhienchikhi.com/2021/02/23/bai-bao-tham-tu-pho-tau-3-da-tro-thanh-con-sot-phong-ve-nhu-the-nao-va-su-hoi-sinh-cua-trung-quoc-co-y-nghia-nhu-the-nao-doi-voi-nganh-cong-nghiep-rap-chieu-phim-toan-cau/), hãy cùng xem giới điện ảnh và học thuật Trung Quốc đánh giá như thế nào về tầm ảnh hưởng của “Thám tử phố Tàu 3” nhé.

Vào dịp Tết Âm lịch năm 2021, mức độ nổi tiếng của thị trường điện ảnh vượt quá dự đoán của nhiều người. Tổng doanh thu phòng vé của các phim trong ngày mùng Một Tết đã vượt 1.69 tỷ NDT, con số này một lần nữa phá vỡ kỷ lục phòng vé trong một ngày. Doanh thu thực của phòng vé trong 7 ngày đạt 7.822 tỷ NDT, tăng 32.47% so với cùng kỳ năm 2019, lượng người xem phim đạt 160 triệu người, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong số đó, “Thám tử phố Tàu 3” với tư cách là đại diện tiêu biểu của dòng phim thương mại chính thống trong nước về mặt loại hình hóa, công nghiệp hóa, hệ liệt hóa (T/N: hệ liệt là loạt phim/truyện… nhiều tập), đã cho thấy khả năng hút tiền siêu khủng ngay khi vừa ra mắt, đã đạt doanh thu phòng vé vượt mốc 1 tỷ NDT chỉ trong một ngày. Tính đến ngày 17 tháng 2, sau kỳ nghỉ lễ bảy ngày phim đã thu về 3.562 tỷ NDT và dẫn đầu thành công các phim trình chiếu dịp Tết Âm lịch.
Mức độ phổ biến của các phim trình chiếu dịp Tết Âm lịch năm 2021 đã thu hút sự chú ý của những người trong ngành điện ảnh và cả giới học thuật. Vào ngày 18 tháng 2, ngày đầu tiên sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Âm lịch, nhiều đại biểu của ngành điện ảnh và giới học thuật cùng các nhà phê bình phim nổi tiếng từ đến từ các đơn vị Hiệp hội Phê bình Điện ảnh Trung Quốc, Viện Nghiên cứu Nghệ thuật Trung Quốc, Đại học Bắc Kinh, Học viện Điện ảnh Bắc Kinh, Đại học Sư phạm Bắc Kinh, Đại học Truyền thông Trung Quốc, Trung tâm Nghiên cứu Nghệ thuật Điện ảnh Trung Quốc, Hiệp hội Đầu tư và Tài chính Công nghiệp Văn hóa Bắc Kinh, v.v., đã tham gia vào Hội thảo về đề tài “’Thám tử Phố Tàu 3’ và Thị trường Điện ảnh dịp Tết Âm lịch.” Buổi hội thảo đã tổng kết về thị trường điện ảnh dịp Tết Âm lịch và phân tích kinh nghiệm phát triển của loạt phim “Thám tử phố Tàu” nhằm thúc đẩy sự thịnh vượng của điện ảnh Trung Quốc.
THỊ TRƯỜNG ĐIỆN ẢNH DỊP TẾT ÂM LỊCH BÙNG NỔ, NÊU BẬT NHỮNG THÀNH TỰU MỚI CỦA ĐIỆN ẢNH TRUNG QUỐC

Ông Hồ Trí Phong, Phó Bí thư Đảng ủy kiêm Hiệu phó Học viện Điện ảnh Bắc Kinh, mở đầu buổi hội thảo với việc chỉ ra rằng sự phổ biến của thị trường điện ảnh dịp Tết Âm lịch có ý nghĩa quan trọng trên ba cấp độ xã hội, văn hóa và bản thân điện ảnh. Điện ảnh không chỉ là chuẩn mực cho nền giải trí mà còn là chuẩn mực cho quyền lực mềm về chính trị và văn hóa. Nhiều bộ phim ra mắt trong thời gian này đã vượt qua được thử thách của khán giả về nội dung và chất lượng, đạt được vị trí dẫn đầu về giá trị và cảm xúc. Đằng sau những số liệu marketing hấp dẫn còn thể hiện sự công nhận cao của khán giả về đất nước và văn hóa dân tộc.
Ông Đinh Á Bình, Giám đốc Viện Nghiên cứu Điện ảnh và Truyền hình trực thuộc Học viện Nghệ thuật Trung Quốc kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội Phê bình Điện ảnh Trung Quốc, đồng ý với nhận định này và lấy loạt phim “Thám tử phố Tàu” làm ví dụ, đồng thời chỉ ra rằng bộ phim sử dụng một thể loại phim tự sáng tạo ra thông qua việc thiết lập các bối cảnh di động (ở các quốc gia khác nhau), tích hợp các biểu tượng văn hóa khác và tiếp tục tạo ra các tác phẩm mang đặc trưng Trung Quốc và ảnh hưởng quốc tế, cho thấy nỗ lực “xuyên quốc gia” của phim thương mại Trung Quốc, và đằng sau đó là sự phát triển vũ bão của công nghệ điện ảnh và công nghệ chế tác của Trung Quốc. Đây cũng là biểu hiện sự tự tin của văn hóa điện ảnh Trung Quốc.
Ông Khương Vĩ, Tổng biên tập của ” Tin tức Nghệ thuật Trung Quốc” chỉ ra rằng nhu cầu xem phim bị kìm hãm từ lâu và chính sách hạn chế di chuyển về các địa phương dịp Tết Âm lịch sẽ khiến việc xem phim trong Tết Âm lịch năm 2021 trở thành một nhu cầu cấp thiết. “Thám tử phố Tàu 3” rất sáng tạo và mang tính quốc tế. Những bộ phim viễn tưởng đã nghiễm nhiên trở thành động lực chính thúc đẩy doanh thu phòng vé của phim dịp Tết Âm lịch, và cũng phản ánh sự thành công của cơ sở hạ tầng mới của phim Trung Quốc.
Ông Sa Đan, chuyên viên nghiên cứu ở Cục tư liệu điện ảnh Trung Quốc, đã kết hợp các bộ phim chiếu trong dịp Tết Âm lịch và đưa ra một cách giải thích mới từ quan điểm của điện ảnh châu Á. Ông chỉ ra rằng “Thám tử phố Tàu 3” kết hợp nhiều yếu tố điện ảnh và truyền hình Nhật Bản hơn và giới thiệu các nhà làm phim Đông Nam Á. Sự tích hợp của nhiều nền văn hóa với nhau nhằmcấu trúc và tái tạo, từ đó hình thành và tiếp nối ý thức điện ảnh Châu Á, đã vượt qua chủ nghĩa dân tộc, và có thể thành công ở một phạm vi rộng lớn hơn, toàn Châu Á, nhờ đó vượt qua những hạn chế về địa lý.
THÀNG CÔNG VỀ MẶT TRIỂN KHAI NỘI DUNG VÀ THỊ TRƯỜNG, KHÁM PHÁ KIỂU MẪU CỦA “THÁM TỬ PHỐ TÀU 3”

Các chuyên gia và học giả đã tiến hành phân tích và lý giải chuyên sâu về “Thám tử phố Tàu 3,” bộ phim đã giành được sự yêu thích của hàng chục triệu khán giả và thành công rực rỡ trên thị trường.
Ông Nhiêu Thự Quang, Chủ tịch Hiệp hội phê bình Điện ảnh Trung Quốc, nhấn mạnh rằng chúng ta nên bắt đầu từ bản chất của bộ phim và quy luật của tạo hóa, đồng thời thấu hiểu và trân trọng những bộ phim hiện tượng như “Thám tử phố Tàu 3.” Ông chỉ ra rằng từ bản chất của điện ảnh, điện ảnh là một bộ môn nghệ thuật kỹ thuật cao. Đằng sau “Thám tử phố Tàu 3” là sự thúc đẩy công nghiệp hóa điện ảnh trong nước, và việc phát hành nhiều phim được công nghiệp hóa trong dịp Tết Âm lịch cho thấy việc công nghiệp hóa đã tích hợp với các giá trị và biểu tượng văn hóa Trung Quốc.
Ông Vương Nhất Xuyên, giáo sư khoa Văn học tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh và là phó chủ tịch của Hiệp hội phê bình điện ảnh Trung Quốc, đã đưa ra khái niệm “phim điện ảnh xung quanh.” Ông chỉ ra rằng điện ảnh Trung Quốc cần nguồn cung cấp đa nguyên, đa dạng, đa tầng để tạo thành một vòng tuần hoàn có tính lương thiện. Là một bộ phim mang không khí riêng cho dịp Tết Âm lịch, “Thám tử phố Tàu 3” có tính định hướng mạnh mẽ, kế thừa đặc điểm của hai bộ phim trước, lồng ghép thêm tình cha con, sự đấu tranh giữa công lý và cái ác, v.v., tạo ra một bầu không khí đồng cảm phong phú và sống động. Bộ phim là một điển hình của “phim điện ảnh xung quanh,” cung cấp một sự tham khảo tốt cho các phim tương tự.
Bà Lí Xuân Lợi, Phó Ban Văn nghệ của Nhật báo Quảng Minh, cũng tin rằng “Thám tử phố Tàu 3” là sự kết nối thành công giữa sáng tạo và thị trường. Bộ phim định vị thị trường rất chính xác, thông qua những cảnh quay sống động, màu sắc rực rỡ, không gian di chuyển mở rộng, sự tương tác giữa việc suy luận phá án và khán giả đã đạt được hiệu quả tác động mạnh mẽ đến các giác quan của khán giả, cho phép khán giả thưởng thức hiệu ứng xem các bộ phim bom tấn hạng khủng của Hollywood, một lần nữa làm mới trải nghiệm thẩm mỹ của khán giả, nâng cao danh tiếng của các bộ phim bom tấn trong nước, và thiết lập niềm tin mạnh mẽ cho sự phát triển của ngành công nghiệp điện ảnh quốc gia.
Bà Cao Tiểu Lập, Chủ nhiệm Ban phê bình nghệ thuật của Báo Văn Nghệ, chỉ ra rằng câu chuyện của “Thám tử phố Tàu 3” diễn ra ở Tokyo, nơi có các nhân vật thám tử nổi tiếng như Conan và Kindaichi. Nhật Bản cũng có nhiều tác phẩm tiểu thuyết trinh thám xuất sắc, ví dụ như các tác phẩm của nhà văn viết truyện trinh thám nổi tiếng Keigo Higashino. Đường Nhân và Tần Phong lần này đến Tokyo với tư cách là các thám tử Trung Quốc, và họ đã giải quyết một vụ án phức tạp đối với khán giả bằng những phương pháp suy luận điển hình của phong cách gốc, phù hợp với nghệ thuật suy luận phá án của nơi bản địa. Sự lật ngược đầy kịch tính ở phiên tòa không chỉ cho thấy sự khôn ngoan của các thám tử trẻ tuổi Trung Quốc, mà còn bất ngờ cho phép bộ phim đứng trên bình diện con người để phán xét tội ác nguyên thủy – chiến tranh. Từ điểm này, chúng ta có thể thấy tham vọng sáng tạo của Trần Tư Thành, anh không chỉ hài lòng với lối kể chuyện mang tính hài hước và lý luận phá án, mà đã bắt đầu nhìn lại lịch sử, đứng trong sâu thẳm bản chất con người và kêu gọi hòa bình thế giới trong phản chiến, giống như Michale Jackson đã hát trong bài “Heal the world,” hãy cứu lấy Trái Đất và chữa lành nhân loại. Và lời kêu gọi này là theo quan điểm bình đẳng chứ không phải theo kiểu bom tấn Hollywood như nước Mỹ, với cái tôi mạnh mẽ coi thường các nước yếu hơn. Bà cho rằng các phim điện ảnh Trung Quốc đã làm tốt việc kể chuyện có cốt truyện, nhưng có một vấn đề là nhân vật chưa đủ chiều sâu, nhiều nhân vật trong phim không có lịch sử hay bối cảnh. “Thám tử phố Tàu 3” khiến nhân vật có chiều sâu và tư tưởng của phim có sự sâu sắc và hợp lý.
Ông Tác Á Bân, Giáo sư trường Đại học Truyền thông Trung Quốc, cho rằng thành công của bộ phim là nhờ sự sâu sắc và nắm bắt tâm lý khán giả của đội ngũ sáng tạo với đạo diễn làm nòng cốt, và chỉ ra rằng khán giả xem phim muốn được trải nghiệm sự chân thực trong hình ảnh mà phim tạo ra. Và loạt phim “Thám tử phố Tàu ” đã chính thức sử dụng sự nắm bắt tâm lý này để liên tục có những điều chỉnh và từng bước đột phá trong phạm vi khán giả, từ đó tạo nên một bộ phim gia đình xuất sắc.
THÀNH TỰU TRONG VIỆC XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU ĐANG XUẤT HIỆN, VÀ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA PHIM SẢN XUẤT TRONG NƯỚC CẦN PHẢI ĐƯỢC PHÁT HUY MỘT CÁCH ỔN ĐỊNH

Sự thành công của loạt phim “Thám tử phố Tàu” không chỉ thể hiện ở mức độ chuẩn mực của ngành điện ảnh và thành tích phòng vé, mà sự phát triển của loạt phim và hiệu ứng về mặt thương hiệu cũng thu hút sự chú ý lớn từ giới chuyên môn tham gia.
Ông Giả Lỗi Lỗi, nhà nghiên cứu tại Học viện Nghệ thuật Trung Quốc, nhấn mạnh rằng điện ảnh trong nước hiện nay đang rất cần hai loại phim: một là phim điện ảnh có tính nguyên mẫu, có thể thúc đẩy sự phát triển liên tục của loại hình mới sự ra đới của loạt phim IP (T/N: Intellectual Property), và dần trở thành chủ lực trong cuộc cạnh tranh với Hollywood; hai là phim thân thiện với gia đình, tức là trong khuôn khổ phim thương mại thì một gia đình có thể cùng ngồi xem một bộ phim. Bộ phim “Thám tử phố Tàu” về cơ bản đạt được cả hai điểm này. Đồng thời, danh tiếng về mặt định hướng dòng phim thương mại của đội ngũ sáng tạo chính của phim đã dần tạo thành hiệu ứng thương hiệu.
Giáo sư Trần Húc Quang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kịch nghệ, Điện ảnh và Truyền hình của Đại học Bắc Kinh, đã đưa ra phân tích từ góc độ xây dựng thương hiệu của loạt phim và chỉ ra năm hiệu ứng thương hiệu chính đã hình thành trong loạt phim “Thám tử phố Tàu,” bao gồm thương hiệu đạo diễn của Trần Tư Thành, thương hiệu diễn viên của Vương Bảo Cường (trong vai Đường Nhân) và Lưu Hạo Nhiên (trong vai Tần Phong), thương hiệu thể loại phim hài dịp Tết Âm lịch, thương hiệu chủ đề “Phim Hài dịp Tết Âm lịch + trinh thám suy luận phá án” và thương hiệu đa liên kết của loạt phim, có thế mạnh sản xuất công nghiệp hóa.
Bà Lưu Dương, Trưởng ban biên tập “Nhân Dân nhật báo” chỉ ra rằng nhiều phim ăn khách của Hollywood là phim nhiều phần, có thể hình thành sự tương tác lâu dài với khán giả. Từ phần hai của loạt phim “Thám tử phố Tàu,” ngoài việc mở rộng không gian, nó còn mở rộng thêm chiều không gian thông qua khái niệm Bảng xếp hạng thám tử. Thông qua việc xây dựng không gian theo chiều ngang và không gian theo chiều dọc, một “Vũ trụ Đường Thám” nội địa mới mẻ đã được tạo ra. Đây là một kinh nghiệm thành công đáng để thảo luận, và tiến bộ công nghiệp hóa trong quy trình sản xuất và hiệu ứng hình ảnh của phim cũng đã thúc đẩy sự cải thiện chung của trình độ sản xuất phim Trung Quốc.
Về những khúc mắc trong loạt phim, ông Đàm Phi, nhà phê bình phim nổi tiếng và người sáng lập của “Tứ Vị Đại Thúc” (T/N: một kênh media về lĩnh vực giải trí) tỏ ra khoan dung hơn. Ông chỉ ra rằng loạt phim của Trung Quốc vẫn đang trong giai đoạn khám phá. So với hai bộ phim trước đó, “Thám tử phố Tàu 3” một lần nữa nhắm vào việc chiếu dịp Tết Âm lịch, đã mở rộng các thuộc tính của “hội chùa” và hiệu ứng truyện tranh, và chứa nhiều yếu tố hơn. Ở một mức độ nhất định, nỗ lực này nhằm giành được nhiều lượt thích của người xem hơn, đã khiến phần suy luận phá án bị suy yếu hơn và bia miệng của phim giảm sút. Về vấn đề này, chúng ta nên dành chỗ cho sự khoan dung, hơn là bị tác động bởi môi trường dư luận công cộng với những lời buộc tội và chỉ trích mang tính nông cạn.
Ông Châu Lê Minh, nhà phê bình phim nổi tiếng, đã đưa ra nhiều quan điểm khác nhau về kiểu chỉ trích này. Ông cho rằng phần hai của loạt phim “Thám tử phố Tàu ” là một bước nhảy vọt, còn phần ba là sự nâng cấp toàn diện từ nội dung đến hình thức theo định vị của phim chiếu dịp Tết Âm lịch. Là một bộ phim dự định bao quát tất cả các nhóm, “Thám tử phố Tàu 3” nhất định khó có thể làm hài lòng mọi khán giả. Đồng thời, khi một bộ phim đủ lớn, những khiếm khuyết của nó cũng được phóng đại, vì vậy, cần phải xử lý một cách hợp lý những ý kiến phản biện.
Ông Chu Ngọc Khanh, người tổ chức buổi hội thảo và là tổng thư ký của Ủy ban Điện ảnh thuộc Hiệp hội Đầu tư và Tài chính Công nghiệp Văn hóa Bắc Kinh, đã chỉ ra trong phần kết luận của mình, “Thám tử phố Tàu 3” đã được nâng cấp toàn diện so với hai bộ phim trước đó về tiết tấu và tình tiết, và trải nghiệm xem phim được cải thiện đáng kể. Sử dụng thể loại phim hài, đề tài phá án và bối cảnh quốc tế, loạt phim đã khám phá và tạo nên con đường thành công của thể loại phim nhiều phần trong nước. Bộ phim là đại biểu của dòng phim thương mại chính thống, dẫn đầu các bộ phim trình chiếu trong dịp Tết Âm lịch, đã thúc đẩy mạnh mẽ niềm tin của toàn bộ ngành điện ảnh, mở ra những ý tưởng mới cho sự phát triển quy mô lớn và chất lượng cao của ngành công nghiệp điện ảnh và góp phần xây dựng sức mạnh về văn hóa. Ông kêu gọi ngành công nghiệp và khán giả hãy trân trọng sự khởi đầu đầy khó khăn của ngành điện ảnh trong năm nay, khuyến khích việc khám phá các bộ phim thương mại chính thống, khuyến khích sự phục hồi của ngành điện ảnh Trung Quốc đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, và làm việc chăm chỉ cho một tương lai tươi sáng của điện ảnh Trung Quốc.