
Review phim bởi 陀螺的ToroScope
Link bài viết gốc: https://mp.weixin.qq.com/s/TQJady4U9SXXNw9Qq17kLg
Dịch sang tiếng Việt bởi Lục Hương @ Hạo Nhiên Chi Khí
LỜI TỰA
Đừng lo, vẫn có rất nhiều người thích “Tứ Hải.”
Trong số các phim chiếu rạp dịp Tết Âm lịch, bộ phim gây tranh cãi nhất và bị chê nhiều nhất là “Tứ Hải,” bộ phim mới của Hàn Hàn. Và tôi thường thấy trong nhóm bàn về phim điện ảnh khi có một người nào đó nói rằng “Tôi thích bộ phim này,” thường sẽ có nhiều hơn ba dấu chấm hỏi từ những người khác trong nhóm. Nhưng bài đánh giá phim hôm nay đến từ một người tự nhận là “người đàn ông thẳng thắn” (土直男) đã xem hầu hết các bộ phim trong dịp Tết Âm lịch này và thực sự cảm thấy xúc động với “Tứ Hải.” Anh ấy cũng hào hứng chia sẻ lý do vì sao mình lại mạo hiểm làm vậy với nguy cơ bị chê, khi thích bộ phim có điểm Douban 5.6 này. Anh ấy cũng đưa ra những hiểu biết cá nhân của mình về những lời phê bình đối với “Tứ Hải.”
Sau đây là bài cảm nhận về phim của anh ấy:
Tôi chưa bao giờ muốn xem phim dịp Tết Âm lịch, nhưng vì lý do công việc, Tết Âm lịch nào tôi cũng phải xem các bộ phim chủ chốt của mùa phim Tết này. Tôi không phải fan của Hàn Hàn, cũng không phải fan của bất kỳ nam diễn viên chính nào. Tôi cũng không xem “Tứ Hải” vào ngày mùng Một Tết, mà vào ngày xem phim tôi mua vé và chọn xem suất chiếu từ sáng sớm, không có ai trong rạp chiếu vào buổi sáng, đó chính xác là những gì tôi muốn. Tôi tập trung xem phim và không đưa ra kỳ vọng cao đối với bộ phim này. Nhưng sau khi xem “Tứ Hải,” tôi có cái nhìn và cảm nhận khác với những bình luận mà tôi đã thấy trên Weibo và Douban.
Danh tiếng của “Tứ Hải” cũng không mấy khả quan, với số điểm 5.6 (T/N: hiện tại là 5.4) trên Douban. Có một bình luận ngắn rất bắt mắt với tác động lớn “Đừng xem vào ngày mùng 1 tết, bi kịch.” Mọi người có quyền tự do đánh giá xấu một sao, nhưng tôi không hiểu lắm, tại sao không thể xem phim bi kịch vào ngày đầu tiên của năm mới, tại sao người đưa ra bình luận này không đơn giản nói cho tôi biết loại bi kịch của “Tứ Hải” là gì để tôi có thể tham khảo? Tại sao người đó nghĩ rằng mọi người không nên xem phim bi kịch ngay dịp mùng 1 Tết? Theo ý kiến của tôi, dịp Tết Âm lịch ở nhà thì tôi phải chạy đông chạy tây, trong kì nghỉ thậm chí tôi cũng vẫn phải làm việc (T/N: xem phim). Tôi không tin rằng một bộ phim có thể bi thảm hơn cuộc đời tôi được. Dù cho nhiều người thích xem cảnh gia đình vui vẻ trong ngày Tết, tôi không phải thuộc kiểu người nổi loạn nhưng tôi thấy vô cảm với cái kết có hậu.
Tôi tham gia rất nhiều hội nhóm người hâm mộ phim ảnh, và tôi cũng là một người lướt Internet với tần suất cao. Trước khi xem “Tứ Hải,” tôi thấy rằng giờ đây việc khen “”Tứ Hải” là điều tối kỵ, cũng giống như việc tôi biết rằng với bài báo này khi kéo xuống cuối bài sẽ thấy những bình luận mắng chửi mình, dù cho họ có đọc cả bài báo hay không. Nhưng tôi vẫn cho rằng mỗi bộ phim luôn có khán giả riêng của nó, bạn không thích cũng không ảnh hưởng đến ý thích của tôi. Tôi lại càng lưỡng lự có nên hủy việc gửi đi Moments (T/N: trên WeChat, tương tự News Feed của Facebook) đã chỉnh sửa vì sợ bị thắc mắc. Hơn nữa, sự thật là tôi thấy có một số lượng đáng kể những người thích “Tứ Hải” cũng rất “do dự” như tôi. Có rất nhiều dấu chấm lửng trong câu này, kiểu e ngại này từ lâu đã trở thành thói quen, vì vậy với tư cách một người đàn ông thẳng thắn (nhưng không có nghĩa là bất kỳ người đàn ông thẳng thắn nào khác), tôi muốn nói về lý do tại sao tôi thích “Tứ Hải.”
Ở góc độ phát triển cốt truyện, tất nhiên tôi hiểu tại sao nhiều người lại nói đây là một “bi kịch,” bởi vì Hàn Hàn “bãi công” vào chính điểm mà khán giả mong chờ bước ngoặt xảy ra nhất cho dù đó là kiểu ngọt ngào hay hưng phấn, thật không ai ngờ được. Nếu không có những thứ này, với ngày Tết thật sự là có chút bủn xỉn.
Là một thanh niên phương nam đi về phương bắc lập nghiệp (Bắc phiêu), tôi cảm thấy được “Tứ Hải” an ủi. Từ lúc A Diệu xuất hiện trên xe mô tô, nói thật nghe có chút đạo đức giả nhưng tôi nghĩ chúng tôi là đồng loại. Ngay cả khi sự đồng cảm này được cho là “rẻ tiền,” cảm giác này là có thật.
Mặc dù tôi không ở trên đảo Nam Áo ở Chí tuyến Bắc, nhưng trong một rạp chiếu trống vắng, dường như tôi đã nhập tâm vào đó. Màu xanh nhạt của bộ phim như thể tràn ra bên ngoài, nếu hệ thống sưởi của rạp chiếu phim mà được bật (tẩy chay rạp chiếu phim keo kiệt ở thị trấn nhỏ) thì tôi có thể quên bây giờ đang là mùa đông.

A Diệu sống rất tách biệt, anh ấy nói: “Tôi không có nhiều bạn bè” và anh ấy cũng nói: “Tôi cũng không có nhiều chuyện để kể.” Thấy anh ấy nhút nhát và không giỏi giao tiếp, tôi hiểu tại sao mình lại không có nhiều bạn bè và không có nhiều chuyện để kể. Tôi chỉ có thể giữ trạng thái “lắng nghe” như A Diệu, và thể hiện sự nhàm chán khi tôi mở lời.
A Diệu cũng sống rất bình lặng, Hoan Tụng cô gái mà anh thích cũng cùng kiểu người với anh, tức là kiểu tồn tại mờ nhạt trên thế giới này, và bọn họ đã bị cướp đi rất nhiều “không gian.” Cha của A Diệu và anh trai của Hoan Tụng sống rất gấp, họ luôn ăn to nói lớn, còn A Diệu và Hoan Tụng chỉ cần nhìn nhau là có thể hiểu được cảm xúc của nhau, họ là hai người duy nhất trên đảo thật sự có nhiều điểm tương đồng.
Nhưng điều đáng buồn là những “người qua đường” này về cơ bản đã chi phối cuộc sống hàng ngày của A Diệu. Cha, anh em bạn bè, người yêu … đều chỉ là những người đi ngang qua đời anh. Anh biết những người này rồi sẽ rời bỏ anh, nhưng anh không biết họ sẽ rời đi như thế nào.
Mặc dù cha là người thân ruột thịt của anh nhưng ông chỉ đến đảo thăm con theo tâm trạng, mỗi lần ông đến đều có rất nhiều “chuyện riêng” phải giải quyết. Thẩm Đằng đã thể hiện hình ảnh một người cha già vô dụng và ngớ ngẩn như vậy vô cùng sinh động. Tình yêu của cha tưởng như không còn, nhưng thực ra vẫn còn, nhưng Hàn Hàn sẽ nói lại với các bạn rằng tình yêu của cha như vậy có hay không cũng không có sự khác biệt.

Nhiều thứ tan tành thành mây khói, người cha rời đảo như chưa từng đến, rốt cuộc thì A Diệu cũng đã sống đến tuổi không còn phụ thuộc vào “tình yêu của cha.”
Sau đó, anh gặp những người anh em kỳ dị này, và cuộc sống của chàng trai cô đơn cuối cùng cũng trở nên sống động. Động cơ kêu vang và họ có sở thích chung – lái mô tô. A Diệu là người làm việc này giỏi nhất, và cũng là con cưng của đội ngũ tạm thời này. Dù có vẻ không còn cô đơn nữa, nhưng anh cũng không tìm thấy tình anh em thân thiết “Tứ Hải” – dù sao thì nhóm anh em hay đùa này hoặc là lấy chứng minh thư của bạn để đi vay nợ, hoặc bí mật báo tin về cuộc đua xe bất hợp pháp cho cảnh sát, dù sao cũng chẳng phải anh em khăng khít vững bền gì cho cam.
Hàn Hàn đã báo trước sự cô đơn này, những người vây quanh A Diệu đều sống trong thế giới của riêng mình, giống như vị đồng đội heo lao đi chạy ngược chiều sau khi cuộc thi đấu bắt đầu, anh ta sống theo quy tắc của riêng mình. Anh trai của Hoan Tụng cũng vậy, anh ta có những ám ảnh vô lý, mặc dù rất lạc quan về A Diệu nhưng A Diệu vẫn chưa bước vào thế giới của anh ta.
Nhưng lý do thực sự khiến tôi thích “Tứ Hải” chính là “khí chất du mục” của A Diệu, anh ấy bị thiên hạ bắt nạt nhưng không căm ghét thiên hạ. Có nhiều điều không thể nói ra hay phản bác cứ âm ỉ trong lòng chàng trai, bạn nghĩ rằng anh ấy không quan tâm nhưng sự thật thì “anh ấy đã hiểu hết rồi.”

Trước khi A Diệu rời khỏi hòn đảo, anh cũng bị bầm dập bởi cuộc đời, nhưng anh nghĩ mình đã đủ may mắn vì anh vẫn còn chiếc mô tô làm bạn và có một cô gái mà anh đem lòng yêu thích. Không nhất thiết anh phải ở bên Hoan Tụng, chỉ cần ngắm nhìn cô ấy từ xa và đừng để cô ấy cô đơn.
Câu nói “chỉ có kẻ ngốc mới sa vào cảnh đó” chính là lá chắn của anh trước thiên hạ, nhưng từ vẻ mặt buồn bã của Hoan Tụng, ta thấy được nội dung tương tự, không ai trong số họ có thể là kẻ ngốc, và cũng không thể gần gũi với tình yêu.
Nói một cách dễ hiểu, mỗi ngôi sao đều có quỹ đạo riêng, A Diệu sớm muộn gì cũng sẽ trở lại quỹ đạo của mình. Tôi nghĩ rằng, tại sao anh ấy lại thích đi xe mô tô trên đảo, có thể bởi vì hòn đảo này là quỹ đạo của anh, miễn là anh không rời khỏi hòn đảo, hòn đảo sẽ không bao giờ rời bỏ anh.
Trên thực tế xe mô tô cũng vậy, ngoại trừ tốc độ và đam mê thì con người và mô tô gắn bó mật thiết với nhau, trừ phi xảy ra tai nạn, con người không nhảy ra được khỏi chiếc xe đang phóng nhanh.
Cuộc đời của A Diệu có thể chẳng có nhiều gánh nặng ràng buộc, nhưng anh ấy chưa bao giờ có thể rời mặt đất mà bay, cũng giống như bao thanh niên lang thang bên ngoài, hoặc là rơi xuống đất nặng nề, hoặc là trôi dạt. Dù thỏa hiệp rất nhiều nhưng anh ấy không hề hèn nhát. Dù muốn hay không muốn, anh ấy không cần đưa ra những lý do cụ thể để kết nối với cảm xúc của cả thế giới, nhưng anh ấy luôn giữ được một điều gì đó thật chắc chắn.

Nhưng “Tứ Hải” không hề đối xử ưu ái với anh. Phim chia làm hai phần, sau khi phần ở Nam Áo kết thúc, chuyển sang phần ở Quảng Châu cuộc sống của anh như nhảy vào hố lửa, những giấc mộng được thiết lập cẩn thận trên đảo lần lượt bị chọc thủng. Xe máy bị tịch thu, và A Diệu cũng giống như Na Tra bị tịch thu vòng Càn Khôn. Đây là thành phố cấm xe máy.
Anh thấy rằng tất cả những người anh gặp đều quá đỗi tầm thường, thiếu hiểu biết và mong manh dễ vỡ.
Anh nhìn thấy nơi ở chật chội của cha mình, và anh Showta (T/N: vai diễn của Huỳnh Hiểu Minh), người đóng giả làm ông chủ trên đảo, không còn nơi nào để đi. Ông chủ của đội mô tô biểu diễn mạo hiểm do Kiều Sam thủ vai chỉ đơn giản nói với A Diệu về thực tế mặn chát nhất. Các thành phố lớn không thể che giấu bí mật của mình, và những nhân vật có thể “diễn trò” trên đảo bị tước mất không gian ở Quảng Châu.
A Diệu phải tồn tại trong một thế giới tàn khốc, nhưng nét bút của Hàn Hàn đã thay đổi, thật bất ngờ. Ở thời điểm vô cùng cần thiết việc “ôm nhau cho ấm” (T/N: ý chỉ sự kề vai sát cánh vượt qua khó khăn), những con người yêu thương nhau lại chia lìa.
Tất nhiên, họ không thực sự “chia tay,” họ chỉ chọn cách sống độc lập.
A Diệu lái mô tô lượn vòng tròn trong lồng cầu, tiết kiệm tiền và sau đó tài khoản lại bị reset về số 0. Hoan Tụng liên tục bị từ chối vì lý lịch, thiếu học thức, thiếu kinh nghiệm làm việc, bị quấy rối tình dục … Những tình huống khó xử cứ tuôn ra không dứt. Họ đều nói rằng đang “tiến gần hơn” đến cuộc sống mà họ mong đợi cùng nhau, điều đó vừa là sự thật vừa là dối trá.
“Tứ Hải” dù sao cũng là câu chuyện về sự trưởng thành, từ đầu đến cuối chỉ có A Diệu là tồn tại một cách ổn định. Anh ấy lái một chiếc mô tô rẻ tiền, tham gia một đội chưa từng thắng cuộc đua nào. Khi anh ấy gặp những người không đáng tin cậy, những người bị phản bội, những người đạo đức giả và những người không kiên trì đến cùng, có rất nhiều điểm quy chiếu cho sự thất bại, và anh thấy rằng mình sẽ trở thành những người này nếu anh không cẩn thận. Nhưng cuối cùng anh ấy cũng trở thành một kẻ thất bại như vậy, ngẫu nhiên mất đi tình yêu, mất đi sinh mạng, và phải bắt đầu lại từ đầu.

Vì vậy, khi tôi thấy Hàn Hàn viết trên weibo của mình rằng, “Chúng ta có thể giữ ấm bằng việc ôm nhau, chúng ta có thể tồn tại bằng cách dựa sát vào nhau, dù trong biển người mênh mông, chúng ta vẫn sẽ chìm đắm trong đó,” tôi nghĩ rằng câu này thật phù hợp.
Chúng ta có thể giữ ấm bằng việc ôm nhau, chúng ta có thể tồn tại bằng cách dựa sát vào nhau. Đây cũng là cảm giác của tôi. Chúng ta không kỳ vọng nhiều vào thế giới này, vì vậy chúng ta cứ thuận theo dòng chảy cuộc đời, chúng ta dễ gặp và rất dễ nhìn thấy những người tử tế, nhưng bèo tấm không thể tự bảo vệ mình, nữa là nói đến việc bảo vệ người mình thương yêu.
“Anh mong rằng khách sạn nào em ở cũng bao gồm bữa sáng.” Câu này đã được đề cập nhiều lần, và bị chê thậm tệ, nhưng tôi vẫn thấy cảm động. “Khách sạn” là nơi tạm trú, và việc giới hạn thời gian như cây đao khoét sâu vào lòng người lang bạt, và việc “bao gồm bữa sáng” có nghĩa là có thể an tâm ngủ yên.
Người trẻ tuổi kiệt sức chưa kịp trưởng thành, việc đi hỏi người ta cũng chẳng nói nên lời, chỉ vì cảm thấy những chuyện đó làm phiền mọi người, như vậy có gì kỳ quái đâu. Nhưng “Tứ Hải” kể về những điều “không bình thường” này với một chút dịu dàng. Tôi nghĩ Hàn Hàn rất tỉnh táo, dường như anh đang bày tỏ với khán giả rằng cuộc đời vẫn có chút nghiệt ngã, dù là trong đời thường, cuộc đời của bạn và của tôi cũng đều đang ngụp lặn trong thế giới này.
Suy cho cùng, xem phim là một cảm nhận rất riêng, bạn cần phải ra rạp mới có câu trả lời. Đối với một bộ phim như “Tứ Hải” thì có lẽ sẽ gặp thiệt thòi khi xếp vào danh sách phim chiếu dịp Tết Âm lịch. Hai tiếng đồng hồ trong sạch mát mẻ, nhưng lựa chọn không làm méo mó thực tế kiểu này vẫn khá phù hợp với tôi. Dưới góc độ của tình tiết “cẩu huyết” bị chỉ trích nhiều nhất, logic cá nhân tôi cho rằng dù là máu chó hay máu gà thì nó cũng chỉ là chất xúc tác trong các bộ phim theo thể loại (T/N: genre film). Khi nói về “hiện thực,” họ thường rơi vào hiểu lầm rằng nó phải giống với “tôi” hoặc cuộc sống mà “tôi” biết mới được coi là “hiện thực,” nhưng với tư cách là một khán giả, tôi cảm thấy có chút đồng cảm sau khi xem “Tứ Hải.” Dù cho những tao ngộ trong cuộc đời là khác nhau và thậm chí màu tóc còn khác hơn, nhưng cốt lõi của câu chuyện được chắt lọc từ cốt truyện của “Tứ Hải” đã chạm đến trái tim tôi. Hơn nữa, “Tứ Hải” không nói rằng nó là một tác phẩm hiện thực.
Điều duy nhất khác với suy nghĩ của mọi người là “Tứ Hải” đối với tôi không phải là một bi kịch, và tôi cũng không nghĩ rằng tuyệt đối cần thiết đối với việc tất cả mọi người đều phải có được hạnh phúc. Tôi thực sự nghĩ rằng bộ phim có một loại chân thành và ấm áp không bị phóng đại. Có thể tôi chỉ là loại người sẽ không rung động trước kết thúc có hậu, nhưng tôi cảm thấy nhẹ nhõm khi tôi nhìn thấy kết thúc cuối cùng – thực tế, nếu A Diệu thành công và từ đó về sau sống hạnh phúc với Hoan Tụng ở Quảng Châu, có thể tôi sẽ không thích bộ phim này cho lắm. Nhưng nếu một bộ phim có thể hiểu tôi, tôi sẵn sàng hiểu bộ phim này, thế thôi.
