[GẶP GIÓ] CHƯƠNG MỘT – TAN (PHẦN MỘT)

Link bản dịch tiếng Anh https://liuhaoranintl.com/2019/06/18/the-eye-of-the-storm-chapter-one-thawing/

Bản dịch tiếng Việt bởi Lục Hương @ Hạo Nhiên Chi Khí


Gia đình là cơn gió đầu tiên mà chúng ta gặp trong cuộc sống. Cơn gió ấy ấm áp và nuôi dưỡng chúng ta. Tất cả các thành viên trong gia đình tôi đều hơi thiếu kiên nhẫn, tất cả chúng tôi đều như cơn gió mạnh. Khi những cơn gió này tương tác, chúng tôi có thể nương tựa lẫn nhau và chịu trách nhiệm với nhau.


MỘT SỰ TÌNH CỜ

Lưu Hạo Nhiên khi còn nhỏ

Cơn gió đầu tiên thổi vào cuộc đời tôi là một cơn bão bất ngờ đối với cha mẹ và chị gái tôi. Theo lời chị gái, “Con đã có mười một năm hạnh phúc trong một gia đình ba người – tại sao con lại đột nhiên có thêm một em trai kia chứ?”

Như mẹ tôi kể, bố mẹ tôi chỉ dự định có một con, và chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ có thêm tôi. Dù vậy bố mẹ tôi đã đón nhận việc đó khá tích cực và cảm thấy rằng vì mẹ tôi đã có thai, hai người cũng có thể tiếp nhận chuyện đó.

Tôi đã dành những năm đầu đời ở nhà chú tôi, và chỉ có ký ức mờ ảo về quãng đời đó. Tôi sống cùng gia đình chú trong ngôi nhà cũ. Bố mẹ tôi thường xuyên đến thăm, nhưng về cơ bản trước khi tôi tròn hai tuổi thì tôi không sống ở nhà. Vì vậy tôi rất thân với cô chú. Sau đó, vì em họ tôi sống ở Chu Hải, cô chú quyết định chuyển đến ở cùng với con mình và mang cả tôi theo. Tôi đã đi nhà trẻ một học kỳ ở Chu Hải, và cuối cùng lại trở về nhà để đoàn tụ với gia đình.

Trước khi tôi được sinh ra, chị tôi tin rằng chị là thành viên của một gia đình ba người, nhưng điều lạ lùng là tôi cũng cảm thấy như vậy. Có lẽ là vì khi tôi trở về nhà, chị tôi đã bắt đầu học nội trú ở trường trung học. Sau đó, đến tận khi chị ấy đi học đại học thì chị mới ở nhà nhiều hơn. Khoảng thời gian đó đối với tôi giống như đột nhiên có thêm một phụ huynh khác – điều đó thật đáng sợ.

T/N: Lưu Hạo Nhiên được sinh ra khi chính sách một con của TQ vẫn còn hiệu lực (cậu ấy có một chị gái). Để tránh bị phạt khi sinh con thứ hai, bố mẹ đã gửi cậu đến nhà chú, vì họ sống ở vùng nông thôn nơi luật lệ thoải mái hơn. Đây là lần đầu tiên việc đó được thừa nhận một cách công khai.


KHÔNG ĐƯỢC CHIỀU CHUỘNG KHI CÒN NHỎ

Lưu Hạo Nhiên khi còn nhỏ

Gia đình tôi tin và áp dụng câu ngạn ngữ, “Nuôi con trai như con nhà nghèo, nuôi con gái như con nhà giàu.” Vì vậy, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” không tồn tại trong nhà chúng tôi – trên thực tế lại là trái ngược hoàn toàn.

Từ khi tôi còn nhỏ, bố mẹ đã rất nghiêm khắc với tôi và không bao giờ chiều chuộng tôi. Bố không bao giờ đánh đòn tôi nhưng ông thích giáo huấn. Khi tôi còn nhỏ, sau khi ăn tối xong ông sẽ gọi tôi lại, và tôi sẽ run lẩy bẩy đi về phía bố đang ngồi trên trường kỷ. Tôi sẽ đứng đó khi ông bắt đầu nói chuyện, từ việc tóm tắt cuộc đời ông từ khi ông còn là một đứa trẻ cho đến khi ông vào quân ngũ. Điều này thường sẽ mất ít nhất hai giờ.

Bố tôi là người lớn tuổi nhất trong gia đình ông – tôi có hai cô và một chú – điều đó có nghĩa là ông quản lý gia đình từ khi còn nhỏ và bắt đầu làm việc từ khi còn rất nhỏ. Ban đầu điều đó rất khó khăn, nhưng khi nhìn anh chị em của mình lớn lên, ông cảm thấy tự hào và viên mãn. Ông có quyền lực cao nhất trong nhà, và là sự hiện diện nghiêm khắc trong gia đình. Ông cũng sẽ kể cho tôi nghe những câu chuyện từ thời quân ngũ của mình, bao gồm cả việc ông được thăng cấp từ một binh nhì ngay sau khi ông nhập ngũ như thế nào. Ông cũng tiếp tục nói về các nguyên tắc sống khác nhau, và các chuẩn mực đạo đức mà con người nên tuân theo.


THIẾU KIÊN NHẪN

Hai bố con Lưu Hạo Nhiên

Hồi đó tôi còn nhỏ, vì vậy ban đầu, tôi sẽ nghiêm túc lắng nghe (khi bố tôi đang nói), nhưng sau đó tôi nhận ra rằng bố luôn kể đi kể lại những câu chuyện đó cho dù tôi có làm gì đi chăng nữa. Ví dụ, nếu tôi vừa mới tinh nghịch và gây rắc rối, bố sẽ kể cho tôi nghe những câu chuyện này. Nếu tôi không đạt điểm cao, bố sẽ kể lại cho tôi nghe những câu chuyện đó. Nếu tôi làm chị gái tức giận, bố vẫn sẽ kể cho tôi nghe vẫn những câu chuyện ấy. Những câu chuyện này về cơ bản được sử dụng cho tất cả các tình huống, nhưng tôi đã nghe chúng hơn hai mươi lần. Vì vậy, khi tôi lớn hơn, tôi bắt đầu mất tập trung.

Nhưng điều tuyệt vời nhất là khi tôi đã gặp phải nhiều vấn đề khác nhau trong cuộc đời mình, tôi thấy bản thân mình theo tiềm thức sử dụng những lời khuyên mà bố đã cho tôi hồi đó để giúp tôi suy nghĩ lại và đưa ra quyết định.

Thành thật mà nói, tôi ngày càng trở nên giống bố mình. Ông là người thiếu kiên nhẫn, và tôi cũng vậy – nhưng chỉ là đối với những người không hiệu quả và lề mề trong những việc họ làm.

Khi chúng ta đang hoàn thành nhiệm vụ, tất cả chúng ta đều hy vọng rằng quá trình sẽ diễn ra đúng như cách chúng ta tưởng tượng nó sẽ diễn ra. Nếu nó vượt khỏi tầm kiểm soát của bạn, hoặc nếu nó không đúng với mong đợi của bạn, thì bạn sẽ cảm thấy vô cùng thất vọng, và phản ứng ban đầu của bạn là bạn không thể thỏa hiệp.

Điều mà tôi khác với bố tôi là ông là một người rất độc lập từ khi còn rất nhỏ, nhưng tính cách độc lập của tôi chỉ phát triển sau khi tôi đến Bắc Kinh. Từ mười hai đến mười tám tuổi, trong sáu năm tôi sống một mình ở Bắc Kinh, tôi đã phải học cách tự đưa ra quyết định và chịu trách nhiệm cho mỗi quyết định mà tôi đưa ra.


GÂY GỔ TỪ THỜI THƠ ẤU ĐẾN KHI TRƯỞNG THÀNH

Lưu Hạo Nhiên và chị gái

Một điều khác là – tôi có một chị gái.

Chị tôi là một người rất cứng đầu và tôi cũng rất nóng nảy. Khi chúng tôi còn nhỏ, chúng tôi không hợp nhau, vì vậy bất cứ khi nào chúng tôi gặp nhau, chúng tôi sẽ gây gổ. Đôi khi, còn vừa la hét vừa đánh nhau bao gồm việc kéo tóc, kéo quần áo. Thật ra là hơi căng thẳng, nhưng bố mẹ tôi chẳng bênh ai cả. Bố tôi chỉ đứng đó cười, coi như đó là trò giải trí. Mẹ sẽ cố ngăn chúng tôi, nhưng ông sẽ nói với bà, “Cứ để bọn nó đánh nhau. Không sao đâu. Khi nào hiểu chuyện, thì bọn nó sẽ không gây gổ nữa.”

Điều tôi nhớ nhất là khi chị gái tôi vừa tốt nghiệp đại học. Tôi vẫn còn học tiểu học. Bởi vì chị ấy vừa mới tốt nghiệp, đó là thời điểm đặc biệt nhạy cảm với chị, và chị tôi chưa tìm được việc làm hay có bạn trai. Các thành viên gia đình tôi sẽ cằn nhằn chị ấy cả ngày, và chị ấy trở nên khó chịu mỗi khi điều đó được gợi lên. Chị ấy không dám trút sự bực dọc của mình lên bố mẹ, vì vậy chị ấy trút giận lên tôi.

Một ngày nọ, bố mẹ tôi đều đi vắng. Tôi đang làm bài tập ở nhà và chị ấy đang giám sát tôi. Thông thường, nếu bố mẹ tôi không ở nhà, tôi sẽ sử dụng cơ hội để bí mật nghỉ ngơi và đọc truyện tranh, hoặc xem TV một chút. Nhưng chị tôi cứ ngồi trên ghế sofa ở phòng khách vừa ăn trái cây vừa nghe nhạc, lúc nào cũng trông chừng tôi. Khi tôi muốn lỉnh đi, chị ấy sẽ gọi, “Này này!” Vì vậy tôi nghĩ rằng, “Chị có mỗi việc ngồi ăn trái cây và xem TV trong khi em phải làm bài tập về nhà đây này!” Chúng tôi bắt đầu la hét với nhau, và chẳng bao lâu sau chúng tôi lao vào đánh nhau, trong lúc đó bố mẹ tôi đã về đến nhà.


SỰ SÔI NỔI MANG TÍNH NGHIÊM TÚC

Gia đình Lưu Hạo Nhiên

Tôi nghĩ rằng đánh nhau mà không nói chuyện với nhau là một cách giao tiếp đặc biệt giữa chị tôi và tôi. Chúng tôi cảm thấy rằng chúng tôi bằng tuổi nhau và bình đẳng. Tôi không bao giờ nghĩ rằng chỉ vì chị ấy lớn tuổi hơn tôi mà chị ấy phải để tôi thắng, và chị tôi không bao giờ coi thường tôi vì tôi ít tuổi hơn. Trong gia đình chúng tôi, chúng tôi giống như hai con thú lớn lên cùng nhau và dựa vào chiến đấu để giải quyết vấn đề của mình, bởi vì bố mẹ yêu chúng tôi như nhau.

Tôi biết chị tôi yêu tôi, và đôi khi tôi hơi quá đà vì tôi biết điều đó. Khi tôi đi học ở Bắc Kinh, mỗi khi điện thoại hết tiền, tôi gọi cho chị và nói: “Chị ơi, chị có thể chuyển thêm tiền vào tài khoản của em không?” Thậm chí là cả bây giờ, vì tôi vẫn chưa quen với việc mua sắm trực tuyến, tôi không có tài khoản ngân hàng trực tuyến. Vì vậy, bất cứ khi nào tôi muốn mua thứ gì đó, tôi sẽ chỉ nói, “Giúp em mua cái này, cái kia nhé.”

Con người là những sinh vật thú vị. Càng gần gũi với ai đó, bạn càng dễ buông bỏ mọi rào cản, đó là lý do khiến bạn rốt cuộc là trút hết giận dữ ra (đối với những người mà bạn yêu thương nhất). Điều này có lẽ là vì tôi biết rằng khi tôi ở cùng họ thì tôi được an toàn nhất.

Không khí trong gia đình tôi khá sôi nổi và chúng tôi không thực sự thiết lập các vai trò hay địa vị trong gia đình. Chúng tôi nói chuyện với nhau cũng khá tự nhiên, mặc dù mẹ thường là người hướng dẫn mọi thứ trong gia đình tôi. Mẹ là người có tầm ảnh hưởng quan trọng nhất đến gia đình. Mẹ quan tâm đến nhiều vấn đề lặt vặt thường phát sinh, trong khi bố và tôi làm việc cùng nhau để đưa ra những quyết định lớn hơn.*

* T/N: Chị gái cậu ấy đã kết hôn và ở riêng.

Ngoài mẹ tôi, những người còn lại trong gia đình tôi khá là hiếu thắng, còn mẹ tôi thực sự rất truyền thống. Bà hiểu biết, dễ chịu, và hoàn toàn vị tha khi là chuyện liên quan đến gia đình. Mẹ cũng vô cùng dịu dàng và sẵn sàng hy sinh rất nhiều cho gia đình. Khi tôi học tiểu học, bà đã xin nghỉ việc để chăm sóc tôi.

Sau này, khi tôi đến Bắc Kinh để đi học, bà đã đi cùng tôi, và đi đi về về giữa Hà Nam và Bắc Kinh. Mẹ thực sự là một phụ nữ Trung Quốc với những giá trị truyền thống mạnh mẽ. Để bảo vệ gia đình và từng thành viên của gia đình, bà đã từ bỏ nhiều điều, và đã thực sự khiến tôi hiểu tầm quan trọng của gia đình, cũng như những trách nhiệm đi kèm với nó *.

* T/N: Cần lưu ý rằng trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2018, Lưu Hạo Nhiên đã nói rằng cậu ấy không nghĩ rằng các bà mẹ – hoặc bất cứ ai – phải từ bỏ cuộc sống của mình vì người khác, và bây giờ mẹ cậu ấy hạnh phúc hơn nhiều vì giờ đây bà có thể sống hoàn toàn theo ý muốn của bản thân.

Tính cách cứng đầu của bố tôi hầu hết được thể hiện trong công việc, nhưng ông cũng khá nghiêm túc trong cuộc sống thực tế. Khi tôi còn nhỏ, tôi nghĩ rằng bố mình làm mọi thứ với sự tập trung cao độ, và rất nghiêm khắc với cả bản thân và gia đình. Ví dụ, cuối tuần mọi người thường thích ngủ, nhưng bố tôi thường chỉ về nhà vào cuối tuần vì ông làm việc ở các thành phố khác. Dù như thế nào, ông luôn đến đánh thức tôi vào khoảng 6 giờ sáng và kéo chăn ra, bắt tôi đi leo núi với ông hoặc tham gia các hoạt động khác. Ông có rất nhiều kỳ vọng với tôi, nhưng ông thậm chí còn nghiêm khắc hơn với chính bản thân mình.

Bố tôi là người đã hút thuốc trong hơn hai mươi năm, nhưng sau đó ông đã quyết định bỏ thuốc. Đối với nhiều người đang cố gắng bỏ thuốc, họ sẽ giấu bao thuốc lá của họ để không bị cám dỗ, nhưng bố tôi đã lấy từng điếu thuốc lá ra và để chúng khắp nhà – trên bàn ăn, trong phòng khách, thậm chí trên giường.

Tôi hỏi ông, “Chẳng phải bố đang tự hành hạ mình hay sao?”

Bố tôi trả lời: “Khi bỏ hút thuốc, nếu con chỉ có thể dừng lại vì con không còn thấy nó nữa, thì con sẽ không bao giờ có thể bỏ thuốc lá hoàn toàn. Con phải làm triệt để đến mức mà bất kể con nhìn thấy thuốc lá ở đâu, con vẫn sẽ không muốn hút thuốc. Đó là cách con có thể bỏ thuốc lá hoàn toàn.”

Đó là cách bố tôi bỏ thói quen hút thuốc đã hơn hai mươi năm của ông, và vào thời điểm đó, ông vẫn còn làm việc tại cơ quan. Bất cứ khi nào có cuộc họp, hút thuốc là một hoạt động cực kỳ phổ biến, và nếu sếp của bạn đưa cho bạn một điếu thuốc, làm sao bạn có thể từ chối? Nhưng bố tôi đã thật kiên định. Đôi khi tôi nghĩ về cách ông bỏ hút thuốc, tôi thấy nghị lực của ông thật đáng gờm, và ông không bao giờ tái nghiện.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

%d bloggers like this: