MOSES TRÊN ĐỒNG BẰNG – PHẦN MỘT: TRANG ĐỨC TĂNG

Truyện ngắn: Moses trên đồng bằng (平原上的摩西/Moses on the plain/Moses trên bình nguyên)

Tác giả: Song Tuyết Đào

Dịch sang tiếng Việt: Lục Hương @ Hạo Nhiên Chi Khí


Phim điện ảnh “Moses trên đồng bằng” mà Điêu Diệc Nam làm giám chế, Trương Kí làm đạo diễn, Châu Đông Vũ và Lưu Hạo Nhiên đóng chính (dự kiến ra mắt vào Hè 2021) được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Song Tuyết Đào. Mình đã đọc và thấy truyện hay, không quá dài nên quyết định sẽ dịch truyện này. Các đoạn hội thoại trong truyện gốc theo lối bạch thoại, không có đóng mở ngoặc hay xuống dòng có đánh dấu đầu câu nên khi dịch mình giữ nguyên format. Mình đã tham khảo thì tiểu thuyết “Phồn hoa” cũng để các đoạn hội thoại theo format như vậy.


TRANG ĐỨC TĂNG

Năm 1995, tôi chính thức rời khỏi Nhà máy thuốc lá và tôi đã đi về phía nam, đến Vân Nam với một nhân viên kế toán và một nhân viên bán hàng. Trước khi rời đi, tôi là Trưởng bộ phận cung ứng và tiếp thị của nhà máy. Trình độ văn hóa của tôi là trung học cơ sở và tôi nằm trong thành phần trí thức đi về lao động ở vùng nông thôn trong thời kỳ Cách mạng văn hóa (1). Sau khi trở về thành phố, tôi tiếp nhận công việc của cha tôi, và được phân công vào Bộ phận cung ứng và tiếp thị của Nhà máy thuốc lá. Vào thời điểm đó, Bộ phận cung ứng và tiếp thị chỉ để trưng bày, gồm tổng cộng ba người, công việc hàng ngày là uống trà và đọc báo. Tôi còn trẻ, là nam giới và có họ hàng với giám đốc nhà máy. Sau vài năm, tôi được đề bạt làm trưởng bộ phận. Hai nhân viên dưới quyền lớn tuổi hơn tôi. Họ không gọi tôi là trưởng bộ phận, mà gọi tôi là Tiểu Trang. Phó Đông Tâm và tôi gặp nhau qua một người giới thiệu. Lúc đó, cô ấy hai mươi bảy tuổi và cũng là một thanh niên trí thức quay về thành phố. Cô ấy có một mái tóc đẹp đen nhánh, lưng thẳng và khá thấp, nhưng cô ấy có khí chất tốt và trông sạch sẽ sáng sủa. Cha cô là một giảng viên đại học. Trước Giải phóng, ông ấy dạy triết học tại trường đại học ở thành phố nơi tôi ở. Tôi không hiểu triết học, nhưng người ta nói rằng cha cô ấy theo trường phái duy tâm chủ nghĩa. Khi ông bị quy chụp là phần tử cánh hữu (2), ông đã bị đấu tố và sách vở của ông đã bị các sinh viên đem hết về nhà nhóm lò hoặc dán cửa sổ. Trong “Cách mạng văn hóa” (3), cơ thể ông cũng bị tổn thương, và một bên tai bị điếc. Sau “Cách mạng văn hóa,” địa vị của ông đã được khôi phục, nhưng ông không còn có thể tiếp tục giảng dạy. Ông có ba người con, Phó Đông Tâm là người con thứ hai, tất cả đều làm việc trong các nhà máy, không ai được thừa hưởng nền tảng học hành của gia đình, và tất cả đều hòa nhập với tầng lớp lao động.

Đó là lần đầu tiên tôi gặp Phó Đông Tâm. Cô ấy hỏi tôi đã đọc những cuốn sách nào. Tôi đã cố gắng lục lọi trong trí nhớ và nhớ ra rằng tôi đã từng xem cuốn truyện tranh “Hồng Lâu Mộng” của bạn cùng lớp trước khi về nông thôn. Cô ấy hỏi tôi có còn nhớ nhân vật chính là ai không. Tôi không thể nhớ rõ, chỉ nhớ có một cô gái hay khóc lóc và một chàng trai trông giống con gái hay nói nỉ non. Cô ấy cười, và chắc hẳn tôi đã nói đúng. Cô hỏi tôi có sở thích nào không. Tôi nói tôi thích bơi lội. Tôi bơi ở sông Hồn Hà vào mùa hè, và bơi ở hồ nhân tạo trong Công viên Bắc Lăng vào mùa đông. Đó là mùa thu năm 1980. Mặc dù chưa có băng tuyết, nhưng nhiệt độ đã rất thấp. Hôm đó tôi mặc một chiếc áo len cao cổ do mẹ tôi đan và một chiếc áo khoác da màu đen mượn từ một người bạn. Khi tôi đang kể chuyện, cô ấy và tôi đang đi chèo thuyền trên một hồ nước nhân tạo trong công viên. Cô ngồi đối diện tôi, thắt khăn quàng đỏ, đi đôi giày vải đen và cầm một cuốn sách trên tay. Tôi nhớ đó là một cuốn sách do người nước ngoài viết, có tên là “Bút ký người đi săn.” (4) Mặc dù cô ấy là một gái già và đã làm công nhân từ khi còn trẻ, và cô có mùi thuốc lá giống như khi cô ấy vừa tan làm hàng ngày, nhưng vào lúc đó, sáng hôm đó, cô ấy trông giống hệt một nữ sinh viên đi du lịch nhân dịp mùa thu. Cô ấy nói rằng trong cuốn sách này có một truyện ngắn tên là “Người thầy thuốc ở huyện,” (5) được viết rất hay. Cô đã đọc nó trên xe buýt trong lúc đi đường và đã đọc xong. Cô nói, anh có biết truyện viết những gì không? Tôi nói, tôi không biết. Cô nói rằng có người đang chết chìm và ai đó cởi đồ để nhảy xuống cứu cô ấy. Cô ấy đã ôm cổ người đàn ông và bơi vào bờ, nhưng cô ấy đã uống rất nhiều nước. Cô ấy biết rằng mình sẽ chết, nhưng cô ấy đã nhìn thấy cổ của người đàn ông. Mái tóc ướt đẫm mồ hôi trên gáy, tóc ướt, và cổ căng lên vì phải dùng sức, cô đã yêu người đó trước khi chết. Anh có tin được không? Tôi nói, tôi bơi rất giỏi, em có thể yên tâm. Cô ấy lại mỉm cười, nói rằng anh xuất hiện thật đúng lúc, tôi biết anh là người thô lỗ, nhưng không quá quan trọng, cuốn truyện tranh duy nhất anh từng xem là một cuốn sách tuyệt vời, miễn là anh không ghét bỏ tôi, không bắt tôi từ bỏ những suy nghĩ lung tung của tôi, chúng ta có thể sống cùng nhau. Tôi nói, đừng nhìn tôi tỏ ra ngu ngốc trước mặt em, thường thì tôi không như thế đâu. Cô ấy nói, tôi biết, người giới thiệu nói rằng hồi còn trẻ anh là đầu lĩnh của cả nhóm. Tôi nói, nếu ai cũng có miếng ăn, tôi cũng có miếng ăn, em cũng có miếng ăn, còn nếu người khác có đói, thì tôi cũng không bao giờ để em phải đói. Cô nói rằng vào ban đêm khi tôi đọc sách, viết lách gì đó, hay viết nhật ký, đừng làm phiền tôi. Tôi nói, tức là việc chúng ta ngủ với nhau? Cô ấy không nói gì, ra hiệu cho tôi chèo thật mạnh, không dừng lại, chèo cho đến lúc vào bờ.

Một năm sau khi chúng tôi kết hôn, con chúng tôi là Trang Thụ được sinh ra với tên do cô ấy đặt. Trước khi Trang Thụ lên ba tuổi, thằng bé được gửi ở nhà trẻ trong nhà máy. Tôi đưa đón con hàng ngày vì tôi muốn Phó Đông Tâm đi mua thức ăn và nấu nướng. Trên thực tế, đây là phương án cuối cùng. Đồ ăn cô ấy nấu rất khó nuốt, nhưng sẽ nguy hiểm hơn nếu cô được phép đón con. Có lần chân phải của Tiểu Thụ bị kẹt trong vành xe đạp, cô ấy không nhận ra điều đó, tự hỏi tại sao chiếc xe không thể di chuyển, và cô vẫn cứ cố đạp mạnh. Trong xưởng, tiếng tăm của của cô ấy không được tốt lắm, cô không chơi bài, cũng không đan áo len, việc cô ấy cứ ngồi trên đống lá thuốc lá và đọc sách trong giờ nghỉ trưa là chuyện bình thường. Mặc dù bầu không khí tốt hơn so với quá khứ hồi đầu những năm 1980, mọi người vẫn có thành kiến ​với những người như cô ấy. Nếu phong trào kia quay trở lại, người đầu tiên bị đả đảo sẽ là cô ấy. Một ngày nọ, vào buổi trưa tôi đến xưởng tìm cô ấy để rủ ăn cùng và thấy hộp cơm của cô nguội ngắt. Hóa ra tình trạng này đã diễn ra được một thời gian rồi. Mỗi sáng khi cô ấy đặt hộp cơm trưa vào ngăn hấp, có ai đó luôn lấy nó để ra ngoài. Tôi đi tìm chủ nhiệm xưởng để báo cáo tình hình. Anh ta nói rằng không có cách nào để loại bỏ mâu thuẫn này giữa mọi người. Anh ta không phải là trưởng đồn cảnh sát, và sau đó anh bắt đầu phàn nàn với tôi. Tất cả những người trong cùng tổ của cô ấy phải làm thêm việc bởi vì cô ấy làm việc quá chậm chạp, cứ như kiểu thêu hoa vậy. Khi có buổi học tập bài phát biểu của đồng chí Tiểu Bình (6), cô ấy vẽ một bức chân dung của đồng chí Tiểu Bình trong cuốn sách, hình đồng chí Tiểu Bình thì rất to, to như cả tòa nhà, còn đồng chí Hoa Quốc Phong (6) và đồng chí Hồ Diệu Bang (6) chỉ nhỏ như đồ chơi vậy. Nếu không phải do tôi sợ mất mặt, thì tôi đã phản ánh đến nhà máy và chuyển cô ấy đến một xưởng khác rồi. Anh ta nói như vậy, và điều ấy đã gợi ý cho tôi. Tôi quay đi, đến cửa hàng bách hóa để mua hai chai rượu Tây Phượng, rồi quay lại bàn anh ta và nói, hãy đưa cô ấy đến xưởng in.

Phó Đông Tâm đã vẽ các hình minh họa trên sách từ khi còn nhỏ. Vào ngày cưới, có một cuốn sách lớn trong số của hồi môn. Mặc dù tôi không biết nó là gì, nhưng nó trông đẹp mắt. Có một nhà thờ cao, một người gù đang rung chuông trên đỉnh, và một phụ nữ nước ngoài mặc một chiếc váy rộng. Các nếp gấp trên váy rõ ràng, như thể nó có thể tạo ra âm thanh sột soạt. Tối hôm đó sau khi ăn tối, tôi vác ghế đẩu ra sân ngồi hóng mát, còn cô ấy đang dựa vào giường, đọc một cuốn sách và Tiểu Thụ đang ngồi trước mặt tôi, chơi với hộp diêm của tôi, lúc thì để nó sát tai rồi lắc lắc, lúc thì để trước mũi ngửi ngửi. Gia đình tôi có một chiếc TV đen trắng, nhưng hiếm khi bật, vì khiến cô ấy thấy ồn ào, và sau một lúc, Phó Đông Tâm cũng mang một chiếc ghế đẩu ra ngồi cạnh tôi. Em sẽ đi làm ở xưởng in vào ngày mai, cô nói. Tôi nói, được, công việc cũng nhẹ nhàng. Cô ấy nói, hôm nay em đã nói chuyện với chủ nhiệm xưởng in và em muốn vẽ cho họ một vài hộp thuốc lá, để đưa cho họ xem và chỉ cho họ cách sử dụng. Tôi nói, được, em vẽ đi. Cô nghĩ một lúc và nói, cảm ơn anh Đức Tăng. Tôi không biết nói gì, chỉ mỉm cười. Vào lúc đó, cha của Tiểu Phỉ dẫn Tiểu Phỉ đi ngang qua chỗ chúng tôi. Có hơn 20 hộ trong dãy nhà chúng tôi, Lão Lí sống ở phía đông, làm việc trong một nhà máy máy kéo nhỏ, làm thợ lắp máy, mặt vuông, vóc dáng trung bình, nhưng rất mạnh mẽ. Tôi biết anh ta từ khi còn nhỏ. Có ba anh em trong gia đình họ, không giống tôi, là con một. Lão Lí là người trẻ tuổi nhất, nhưng cả hai người anh đều sợ anh ta. Vào thời “Cách mạng văn hóa,” anh ta đã cướp tem bưu điện. Anh ta cũng gây tổn thuơng cho người khác, và chúng tôi cũng cố gắng trả đũa, nhưng rồi mọi người đều quên chuyện đó. Sau khi kết hôn, anh bình tĩnh hơn nhiều, có thể chịu đựng những khó khăn, khéo tay, và anh ta là một người tiên tiến. Vợ anh ta cũng làm trong nhà máy máy kéo, là một thợ sơn, cô ta luôn đeo khẩu trang, và có một hình vuông quanh mũi trắng hơn bất cứ nơi nào khác. Thật không may, cô ta đã qua đời khi sinh con. Lão Lí thấy ba người nhà chúng tôi và nói, cả nhà ngồi với nhau đấy, học bài à? Tôi nói, anh đưa Tiểu Phỉ đi đâu đó? Anh ta nói rằng Tiểu Phỉ muốn ăn kem que, nên tôi dẫn con bé ra chỗ bà Cao mua một que. Lúc này, Tiểu Phỉ và Tiểu Thụ đang nói chuyện với nhau, và Tiểu Phỉ muốn đổi nửa cái kem que lấy hộp diêm của Tiểu Thụ, và con bé nheo mắt nhìn Phó Đông Tâm. Phó Đông Tâm nói, Tiểu Thụ, đưa hộp diêm cho chị đi con (7), nhưng không được lấy kem của chị. Sau khi Phó Đông Tâm nói vậy, Tiểu Thụ ném hộp diêm rơi “bịch” xuống đất, giằng lấy que kem trong tay Tiểu Phỉ. Tiểu Phỉ nhặt hộp diêm, rút ra một que diêm từ trong hộp, quẹt diêm và nhìn chằm chằm. Lúc đó, trời tối om, mặt trăng bị mây che kín, và khi que diêm cháy một nửa, con bé dùng que diêm để đốt cả hộp diêm. Lão Lí giơ tay ra giằng lấy hộp diêm nhưng hộp diêm vẫn nằm trong tay con bé. Trông không giống như là bị nóng bỏng tay, mà vì con bé muốn làm như vậy, nó đã ném hộp diêm đang cháy lên trời, hộp diêm bùng lên như một quả cầu lửa vậy.


(1)   Trí thanh (tiếng Trung trong nguyên bản): đây là cụm từ chỉ các thanh niên trí thức về lao động và sinh sống tại nông thôn (tiếng Anh là sent-down youth) theo phong trào “Thượng sơn hạ hương” (Lên núi xuống làng) trong thời kỳ Cách mạng văn hóa ở Trung Quốc. Trình độ văn hóa của các thanh niên trí thức này đa số là từ cấp 1 đến cấp 3, có ít người học đại học hoặc trên đại học.

(2)   Phản hữu (tiếng Trung trong nguyên bản): là phong trào tố cáo và lật đổ những người bị cho là cánh hữu (tiếng Anh là rightist) trong thời kỳ Cách mạng văn hóa ở Trung Quốc. Những người bị cho là cánh hữu này là các trí thức ủng hộ tư tưởng của chủ nghĩa tư bản hoặc phản đối chủ trương tập thể hóa vào thời kỳ đó.

(3)   Văn Cách (tiếng Trung trong nguyên bản): tên đầy đủ là Đại Cách mạng Văn hóa Giai cấp Vô sản thường gọi tắt là Đại Cách mạng Văn hóa, hay Văn Cách, là một phong trào chính trị xã hội tại Trung Quốc diễn ra từ năm 1966 đến năm 1976, gây tác động rộng lớn và sâu sắc lên mọi mặt của cuộc sống chính trị, văn hóa, xã hội ở Trung Quốc nên cũng được gọi là “10 năm hỗn loạn”, “10 năm thảm họa.” Ngoài ra, cuộc cách mạng này đã làm thay đổi quan niệm xã hội, chính trị và đạo đức của quốc gia này một cách sâu sắc và toàn diện.

(4)   Bút ký người đi săn: là tuyển tập truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn người Nga Ivan Turgenev.

(5)   Mình đã đọc truyện này, nội dung là người thầy thuốc đến nhà chữa bệnh cho một cô gái ốm nặng sắp chết, và cô ấy đã yêu anh thầy thuốc trước khi chết, cũng như anh thầy thuốc đã yêu cô ấy. Ý của Phó Đông Tâm ở đây là một sự ẩn dụ, nhưng Trang Đức Tăng không hiểu. Tình cảm trong truyện của cô gái là tình cảm ủy mị lãng mạn, Phó Đông Tâm có lẽ cũng là người như vậy.

(6)   Đặng Tiểu Bình, Hoa Quốc Phong, Hồ Diệu Bang: các lãnh tụ cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Vào thời điểm những năm 1980, thì mặc dù Hoa Quốc Phong và Hồ Diệu Bang có chức vụ cao hơn Đặng Tiểu Bình nhưng người thực sự nắm quyền điều khiển trong Đảng là Đặng Tiểu Bình, vì vậy Phó Đông Tâm mới vẽ bức hình giễu nhại như vậy.

(7) Ở đoạn sau Tiểu Phỉ có kể bạn ấy hơn Tiểu Thụ một tuổi, và đây là lần đầu tiên hai bạn gặp nhau.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

%d bloggers like this: