
Truyện ngắn: Moses trên đồng bằng (平原上的摩西/Moses on the plain/Moses trên bình nguyên)
Tác giả: Song Tuyết Đào
Dịch sang tiếng Việt: Lục Hương @ Hạo Nhiên Chi Khí
LÍ PHỈ
Từ khi nào mà ký ức của tôi bắt đầu rõ ràng và trở thành một phần trong cuộc sống sau này của tôi? Hay có bao nhiêu trong số những kí ức này đã thực sự xảy ra trước đây, và bao nhiêu kí ức được tôi ghép lại dựa trên những mảnh kí ức rời rạc và được ghi nhớ theo cách của riêng tôi? Điều này đã trở thành một bí ẩn. Cha tôi thường rất ngạc nhiên với những ký ức về cuộc sống thời thơ ấu của tôi, đôi khi tôi kể một đoạn mà ông đã quên, sau khi tôi kể lại thì ông mới nhớ ra rằng đúng là có một chuyện như vậy. Những chi tiết của sự việc hoàn toàn phù hợp với thực tế, nhưng với tuổi của tôi vào thời điểm đó thì tôi lẽ ra không thể nhớ rõ như vậy. Đôi khi ông nhắc đến chuyện xảy ra cách đây không lâu trong câu chuyện phiếm, có thể chỉ một tuần trước, và tôi đã hoàn toàn quên nó, không có ấn tượng gì, nên ông nghi ngờ liệu chuyện này có thực sự xảy ra hay không, ai có vấn đề về trí nhớ, và ai đang già đi.
Tôi không còn nhớ gì về cái chết của mẹ tôi. Sau đó, tôi nhìn thấy ảnh của mẹ, chẳng có gì đặc biệt, đó chỉ là một người phụ nữ xa lạ, điều này khiến tôi thường xuyên phẫn nộ. Điều gì đã khiến tôi và bà trở nên xa lạ? Lời giải thích của cha tôi cũng thật đáng thất vọng, không có lý do gì đặc biệt, không chỉ tính mạng sản phụ gặp nguy hiểm khi sinh nở mà ngay cả người khỏe mạnh đang đi trên đường cũng có thể bị một tài xế say rượu tông phải dẫn đến tử vong.
Cha tôi không bao giờ tái hôn. Trong nhà trẻ, cô trông trẻ đã giúp tôi rửa đít và kiểm soát thời gian tôi đi vệ sinh một cách hiệu quả. Nếu tôi ị đùn hoặc đánh nhau với những đứa trẻ khác, cô sẽ đánh tôi. Khóc hả, vả cho một cái này, lại khóc à, vả cho cái nữa, xem mày có dám khóc nữa không. Đúng vậy, đây là trách nhiệm của người mẹ, và nếu có mẹ thì mẹ cũng sẽ làm như vậy. Điều này khiến tôi nhẹ nhõm một chút. Không có gì to tát cả. Nếu những đứa trẻ khác được mẹ đón vào buổi tối, tôi sẽ nghĩ về điều đó, các cậu sẽ chẳng may mắn gì đâu, về nhà cũng thế thôi. Thật không may, ảo tưởng này không tồn tại được lâu. Khi tôi sáu tuổi, tôi gặp gia đình Tiểu Thụ.
Nhà Tiểu Thụ là hàng xóm của nhà tôi, nhà cậu ở giữa dãy nhà của nhà chúng tôi, nhà tôi ở cuối phía đông. Mỗi ngày khi cha tôi rời nhà máy và đến nhà trẻ đón tôi, ông luôn nhấn bàn đạp và đạp xe ngang qua nhà Tiểu Thụ. Cha tôi là một thợ lắp máy có tay nghề cao, những người cùng vào xưởng với ông đều được gọi là Tiểu Triệu, Tiểu Vương, Tiểu Cao, trong khi những người khác gọi ông là sư phụ Lí. Hàng ngày khi cha tôi đưa tôi rời khỏi nhà máy, đều có có người chào hỏi cha tôi, sư phụ Lí về đấy à? Sư phụ Lí về nhà nấu ăn à? Than củi dùng cho mùa đông của sư phụ Lí có còn đủ dùng không? Có cần giúp gì không? Có người đến gần trêu đùa và nói chuyện với tôi, cha tôi mỉm cười đáp lại, nhưng hiếm khi dừng xe. Có người đan khăn cho cha, đan cả áo len, màu đỏ, xanh nước biển và xanh đen. Cha nhận lấy, cất vào tủ rồi ném một túi long não lên đó. Nghe nói cha tôi trước đây là một người rất cứng rắn, nhưng sau khi kết hôn lại đối xử với mẹtôi rất tốt, ít khi cãi nhau với người khác, thà tự làm khổ mình còn hơn gây rắc rối. Sau khi mẹ tôi qua đời, ông gầy đi hai vòng, rồi lại tăng cân trở lại. Ông cũng tự học nấu ăn. Ở xưởng, ông được thăng chức làm trưởng ca và có hai đồ đệ, cả hai đều là đàn ông. Ông không cần hai người đó pha trà rót nước, hay giặt bộ quần áo bảo hộ lao động cho ông, nhưng ông dạy họ tất cả những gì ông biết. Ông có thể sử dụng ba chiếc cờ lê và tự mình lắp toàn bộ động cơ trong vòng 2 phút 45 giây. Nếu ai đó nhìn thấy cha tôi với vẻ mặt ủ rũ, thay vì nhìn người khác chơi bài sau giờ ăn trưa ông lại đến nhà trẻ để nhìn tôi ngủ trưa, thì hẳn là do đồ đệ của ông chưa làm xong bài tập ông giao.
Khi tôi sáu tuổi, tôi đã lần đầu nói chuyện với Tiểu Thụ. Trước đây chúng tôi cũng đã từng gặp nhau, tôi hơn Tiểu Thụ một tuổi, tôi đã học xong mẫu giáo và vào học lớp vỡ lòng, sang năm sẽ lên tiểu học. Còn Tiểu Thụ vẫn đang học lớp mẫu giáo lớn, nổi tiếng nghịch ngợm và mọi người đều biết điều đó. Chuyện kể rằng có một lần lũ trẻ cùng nhau chơi bóng, ai cũng cầm bóng trên tay, bạn ném cho tôi thì tôi ném cho bạn. Tiểu Thụ cầm quả bóng, đá một cú làm vỡ bóng đèn huỳnh quang trên trần nhà. Nhiều đứa trẻ bị bột huỳnh quang vương trên tóc. Các cô mẫu giáo không đánh cậu ta, nhưng đến Bộ phận cung ứng và tiếp thị tìm gặp cha của Tiểu Thụ. Cha của Tiểu Thụ đến lớp nhìn và nói chuyện với các cô mẫu giáo, và nhìn xem đầu tóc của tất cả những đứa trẻ đang bị hoảng sợ. Ông ấy ra ngoài mua mua hai chiếc đèn huỳnh quang mới và một túi lớn kẹo thỏ trắng. Sau đóông đứng lên ghế và lắp đèn. Các cô mẫu giáo giữ ghế giúp ông, rồi mời ông ngồi lại, cắn hạt dưa trò chuyện, nói cười một lúc rồi mới để ông đi.
Cha của Tiểu Thụ là một người năng động có tiếng, không biết từ đâu mà ra, dù sao thì ông ấy luôn ăn mặc đẹp và có thể làm được những điều mà người khác không thể làm được.
Lý do tại sao tôi có thể nói chuyện với Tiểu Thụ là vì buổi tối mùa hè đó, tôi muốn đổi que kem trên tay mình lấy bao diêm trong tay Tiểu Thụ.
Buổi tối mùa hè đó, sau này tôi còn thao thức nhớ lại trong bao đêm dài. Lúc đầu tôi chỉ muốn nhớ lại, nhưng về sau nó đã trở thành một loại luyện tập thường xuyên để buổi tối hôm đó không bị xáo trộn bởi chính bản thân tôi, hoặc biến mất vào bóng tối như bao buổi tối khác.
Tôi thích những que diêm, tôi luôn lấy trộm diêm của cha để chơi và xem điều gì sẽ xảy ra. Trên thực tế, tôi là một đứa trẻ rất trung thực và tôi không nói nhiều. Cô mẫu giáo không cho tôi đi vệ sinh, tôi có thể nhịn cả ngày, có lần tôi cắn răng và ngất đi. Nhưng tôi thích lửa. Khi nhìn thấy que diêm thì tôi không thể rời bước. Có lần tôi đã quẹt diêm đốt một lá thư mà mẹ tôi viết cho cha tôi, lần đó cha tôi phát hiện được và cho tôi một trận. Từ đó trong nhà không còn thấy que diêm nào nữa. Lần đó tôi lấy bao diêm từ tay Tiểu Thụ và ngay lập tức biến bao diêm thành một quả cầu lửa, tôi cầm nó quá lâu, bỏng cả ngón tay mà không để ý. Quả cầu lửa rơi từ trên không và bay ra ngoài. Tôi bật khóc, không sợ hãi, nhưng tôi chợt nhận ra rằng chơi trò này quá ngông cuồng.
Cha có chút do dự, không muốn đánh tôi, ông nói, đứa trẻ này thật là, này Tiểu Phó, xem đứa trẻ này đi. Dì Phó Đông Tâm nói, cháu thích diêm à? Tôi cúi đầu không nói. Dì Phó Đông Tâm hỏi tiếp, tại sao? Tôi không trả lời. Cha gõ nhẹ vào vai tôi bằng ngón tay, dì Tiểu Phó đang nói chuyện với con đấy. Tôi nói, nó trông thật đẹp. Dì Phó Đông Tâm lại hỏi, cái gì trông thật đẹp? Tôi nói, lửa, lửa trông đẹp. Dì Phó Đông Tâm nói, lại đây nào. Tôi bước đến, dì Phó Đông Tâm nắm lấy tay tôi và nhìn vào tay tôi, bà ngẩng đầu lên và nói với cha tôi rằng đứa trẻ này có thể sẽ làm nên chuyện trong tương lai. Cha tôi hỏi, con bé làm được gì chứ? Phó Đông Tâm nói, em chưa biết, nhưng em có lòng hiếu kì, Tiểu Thụ quá nhỏ để có thể ngồi yên, và vừa quay đầu đi là thằng bé sẽ quên ngay những gì được dạy. Cha tôi nói, thằng bé mới bốn tuổi, hãy để nó chơi cho thỏa thích. Dì Phó Đông Tâm nói, nếu anh có thể tin em, hãy để con bé qua gặp em sau bữa tối vào các buổi tối, và đến gặp em vào ban ngày trong các ngày cuối tuần. Ở đây em có rất nhiều sách, và em cũngthích chơi với lửa khi còn nhỏ. Cha tôi nói, làm sao thế được? Sẽ gây phiền phức cho gia đình em. Chú Trang Đức Tăng nói, có gì phiền phứ đâu? Bây giờ mỗi gia đình chỉ được sinh một con, hãy để hai đứa trẻ làm bạn với nhau, anh sẽ được thảnh thơi. Đông Tâm có lòng mà, cô ấy đã nói như vậy là được rồi. Cha tôi nói, cảm ơn cô chú đi con? Tôi nói, cảm ơn cô chú ạ. Lúc này, Tiểu Thụ đang ngồi xổm trên mặt đất nghiên cứu cây kem, cây kem này đã bị kiến bao phủ, phần lớn lũ kiến đều bị mắc kẹt không bò xuống được.
Ngày hôm sau là ngày làm việc, tôi đã mong ngóng đến tối, nhưng buổi tối, cha tôi không nhắc đến, ông vẫn bật bếp nấu ăn như mọi khi, ông đặt một chiếc bàn nhỏ trên kháng (1), hai người ngồi đối diện nhau dùng bữa, chẳng nói gì nhiều. Khi đến giờ đi ngủ, tôi chui dưới chăn khóc thầm, lặng lẽ lấy tay bới tường bỏ vào miệng, vừa ăn vừa khóc rồi lăn ra ngủ. Ngày hôm sau là Chủ nhật, buổi sáng khi tôi thức dậy cha không có nhà, cửa khóa. Cha tôi cũng thường khóa cửa để tôi ở trong nhà như vậy khi ông có việc phải ra ngoài vào Chủ nhật. Tôi thậm chí còn không buồn kéo rèm cửa, rửa mặt và đánh răng, sau đó tôi tìm được thứ gì đó để ăn trên bếp. Khi cha tôi trở lại, người ông đẫm mồ hôi và mang về một đống đồ, nửa bộ sườn lợn, hai túi táo Quốc Quang, và một hộp điểm tâm của công ty Thu Lâm. Ông thay quần áo sạch cho tôi, kéo rèm ra, bên ngoài là ánh nắng chói chang. Ông thay sang bộ quần áo lao động đã giặt sạch màu trắng, đi đôi giày cao su màu xanh lá cây, mái tóc mớicắt. Sau đó ông cầm lấy túi đồ, nắm tay tôi, đi đến nhà Tiểu Thụ.
Cha của Tiểu Thụ đang ngồi đánh đôi giày da, Tiểu Thụ đang chơi thổi bong bóng xà phòng bên cạnh ông, và dì Phó Đông Tâm ngồi trên kháng, vẽ thứ gì đó trên tờ giấy trắng. Cha của Tiểu Thụ ngẩng lên và nói, gì thế này? Cha tôi nói, anh đang bận à? Sau đó ông bước vào phòng, để túi đồ lên nóc tủ, và bảo tôi rằng, đây là Phó lão sư (2).
(1) Kháng: Giường đắp bằng gạch hoặc đất, dưới có ống lò để sưởi ấm (thường thấy ở miền bắc Trung Quốc).
(2) Lão sư: thầy giáo/cô giáo, và cũng là cách gọi thể hiện lòng tôn trọng