MOSES TRÊN ĐỒNG BẰNG – PHẦN NĂM: LÍ PHỈ

Truyện ngắn: Moses trên đồng bằng (平原上的摩西/Moses on the plain/Moses trên bình nguyên)

Tác giả: Song Tuyết Đào

Dịch sang tiếng Việt: Lục Hương @ Hạo Nhiên Chi Khí


LÍ PHỈ

Ngày chủ nhật trong ký ức của tôi luôn tràn ngập ánh nắng. Cha sẽ mở tất cả các cửa sổ, đặt một chậu nước sạch lên mép kháng và lau từng ô cửa kính. Sau đó ông hắt nước bẩn ra sân và bắt đầu giặt chăn và ga trải giường. Ông giặt tay từng tấm ga trải giường và chăn, rũ chúng ra rồi treo lên dây phơi ngoài sân, cả sân sực nức mùi xà phòng. Sau đó ông ngồi xuống hút một điếu thuốc và bắt đầu cọ xoong nồi, lau chùi bàn ghế và nền đất trong nhà, cánh tay rắn chắc của ông như đôi mái chèo lướt khắp mọi ngóc ngách trong nhà. Mục cuối cùng là lên dây cót cho đồng hồ treo tường. Ông mở cái nắp màu đỏ, lấy chiếc chìa khóa bóng sáng ra và vặn nó “ken két.” Ông bắt chéo chân và vươn cổ ra, như thể đang nhìn thứ gì đó qua mặt số của đồng hồ.

Việc nhà máy sụp đổ tưởng chừng chỉ xảy ra trong tích tắc, nhưng thực tế nó đã được báo trước. Đã một thời gian trên truyền hình vẫn nói rằng đất nước ta giờ đây đang nặng gánh, đất nước nay cần đồng bào giúp đỡ, sẻ chia nhiều hơn, coi như đất nước là một bà góa tội nghiệp. Cha tôi vẫn đi làm đúng giờ, nhưng có khi về mà không thay bộ đồ đi làm mới, vì chẳng ra mồ hôi, cả ngày không có việc gì làm.

Vào ngày cha tôi nhận được thông báo bị cho nghỉ việc, tôi ở nhà đắp bếp lò. Tôi rất thích bếp thô mới đắp, nhìn ngọn lửa phụt ra từ miệng lò, bốc lên trong lò, dường như một trái tim được sinh ra trong tay tôi. Khi cha tôi bước vào, tôi không nhìn ông. Khói bếp bay ra khiến tôi bị cay mắt, tôi lấy tay quệt nước mắt, lúc này tôi mới thấy cha đã ngồi xổm bên cạnh, giúp tôi thêm củi vào bếp. Hàm của ông bị vẹo, một bên mắt bầm tím và miệng bị sưng. Tôi nói, có chuyện gì vậy cha? Ông nói, không sao đâu, cha bị ngã xe đạp. Hôm nay nhà mình ăn bánh bao. Ông hứng mặt dưới vòi nước và rửa sạch vết máu nơi khóe miệng. Sau đó ông đun một nồi nước to và đứng bên chiếc thớt để làm bánh bao, tay ông dày nhưng ông làm bánh bao rất nhanh. “Cạch cạch cạch cạch” ông băm nhân, nhồi nhân vào vỏ bánh, nặn thành bánh bao, rồi đặt trên màn hấp, loáng một cái là xong.

Vào bữa tối, ông uống một ly rượu trắng. Cha hiếm khi uống rượu, và khi ông lấy chai Lão Long Khẩu ra khỏi tủ, một lớp bụi đã bám đầy chai. Khi ông sắp uống cạn ly, ông nói, cha bị cho nghỉ việc rồi. Tôi nói, a. Ông nói, không sao đâu, sẽ có cách, cha sẽ nghĩ ra cách, con cứ đọc sách cho tốt vào. Tôi nói, à, vậy là hôm nay cha không bị ngã đúng không. Ông nói, không. Tôi nói, chuyện gì đã xảy ra vậy? Ông nói, cha đang nghĩ xem cha có thể làm gì. Tôi nói, ừm. Ông nói, cha nghĩ mình có thể bán trứng trà (1). Cạnh quảng trường có người bán trứng trà, ngày trước cha đã từng thấy, thỉnh thoảng lại bán được một quả. Tôi nói, tại sao cha lại bị cho nghỉ việc vậy ạ? Ông nói, chẳng tại sao cả, hầu như tất cả mọi người đều bị cho nghỉ việc, và nhà máy không còn hoạt động nữa. Tôi nói, ừm. Ông nói, sau khi tan làm, cha đi đến quảng trường để xem họ bán trứng trà. Khi họ chuẩn bị rời đi, có một nhóm người mặc đồng phục tiến đến và đá vào bếp của họ. Một người phụ nữ tay ôm chiếc nồi không buông, trong số đó có một thằng nhóm túm tóc cô ấy rồi đưa lên xe. Cha đi tới và ôm lấy thằng nhóc đó. Tôi nói, cha. Ông nói, có nhiều người như vậy, nếu là khi cha còn trẻ thì còn lâu mới đánh bại được cha, bây giờ cha đã già rồi. Ông giơ tay phải ra nhìn và nói rằng mình không thể đánh người. Tôi nói, cha, cha còn có con mà. Cha nói, vốn dĩ cha định về nhà lấy con dao, nhìn thấy con đang xây bếp, ừm, thấy con đang ngồi xổm ở đó, cha bỗng thấy sợ chết. Tôi nói, cha ơi, con không thi vào sơ trung nữa đâu, nhà mình không có tiền. Cha đứng dậy và nói, cha đã nói rồi, con đọc sách cho tốt vào, đừng để cha phải nói lại lần nữa. Sau đó ông uống rượu, dọn dẹp bát đĩa, buổi tối không nói gì nữa.


(1) Trứng trà: một món ăn phổ biến ở Trung Quốc, trứng được luộc rồi đập cho vỏ nứt và ngâm trong nước trà ít nhất 24 giờ, quả trứng sẽ có đường vân đẹp mắt và vị thơm ngon.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

%d bloggers like this: