
Truyện ngắn: Moses trên đồng bằng (平原上的摩西/Moses on the plain/Moses trên bình nguyên)
Tác giả: Song Tuyết Đào
Dịch sang tiếng Việt: Lục Hương @ Hạo Nhiên Chi Khí
TRANG ĐỨC TĂNG
Một mùa hè nọ, tôi không thể nhớ chính xác là năm nào, nhưng những năm đó trôi qua thật nhanh chóng, cứ như tất cả dồn vào trong một năm. Chắc là vào khoảng những năm 2000. Lúc đó, tôi đang trao đổi công việc ở Bắc Kinh thì nhận được một cuộc điện thoại. Người gọi điện thoại nói, Giám đốc Trang ơi, họ sắp hạ bệ chủ tịch, anh hãy nghĩ cách đi. Đó là một công nhân già đã nghỉ hưu của nhà máy, tôi tiếp quản nhà máy và tiếp nhận tất cả những người này. Tôi nói, chủ tịch nào? Ông ta nói rằng chủ tịch ở Quảng trường Hồng Kỳ ấy, cao sáu thước, sẽ bị phá hủy vào ngày kia. Tôi biết chủ tịch. Tôi sống rất gần gũi với ông ấy khi tôi còn nhỏ. Luôn đưa tay ra, hai má đầy đặn, nở nụ cười thật tươi, dường như đang muốn vươn tay ra với lấy thứ gì. Vào mùa hè và mùa thu, chúng tôi thả diều xung quanh ông ấy, và vào mùa đông chúng tôi trượt băng quanh ông. Tôi nói, tại sao lại phá huỷ ông ấy? Người công nhân nói rằng người ta sẽ thay thế ông ấy bằng một con chim. Tôi nói, một con chim ư? Ông ta nói, đúng vậy, nó được gọi là Thái Dương Điểu (chim mặt trời), đó là một tác phẩm điêu khắc màu vàng, thấy bảo là do người nước ngoài thiết kế, cao hơn chủ tịch hai thước. Tôi nói, tôi không phải là bí thư thành ủy, tìm tôi cũng vô ích, người sống không nên tranh với người chết. Ông hãy nghỉ ngơi ở nhà đi, lương hưu sớm muộn cũng sẽ hết. Tôi cúp máy sau khi nói xong.
Ngày hôm sau tôi bay về nhà, buổi tối ra ngoài tiếp một đoàn khách. Lúc đó đã khuya, tôi ngủ luôn ở chỗ tiếp khách. Khi tôi tỉnh lại đã là buổi trưa, tất cả những người đi cùng tôi đã ra về hết. Khi tôi đến quầy lễ tân, bà chủ mang ra một xấp thẻ, tôi trả từng cái một, rồi gọi lái xe chở tôi về nhà. Đi được nửa đường, tôi bước xuống xe và nôn oẹ ngay lập tức. Rượu nằm trong dạ dày cả đêm trào ra, như dung nham làm thực quản rát bỏng. Có một nhóm người lớn tuổi mặc quần áo bảo hộ lao động xếp thành hình vuông, đi giữa đường, không ngay ngắn nhưng lặng lẽ. Người lái xe nói, có chuyện gì vậy? Đến đây để tập thể dục à? Tôi cũng thắc mắc, xua tay, lên xe và ngồi vào băng ghế sau, đến cửa nhà tôi mới sực nhớ ra là đó là vì chủ tịch, họ đang đấu tranh vì chủ tịch. Tôi để người lái xe đi trước, và ngồi trên vệ đường một lúc. Nhìn vào ống quần của mình, sạch sẽ, đôi giày da, sạch sẽ, chỉ mới mấy năm trước tôi còn mặc quần tây đi giày da trên cao nguyên Vân Nam-Quý Châu, sau mấy ngày đôi giày da đã há mõm, ống quần lúc nào cũng dính đầy đất vàng. Tôi giơ tay lên xem đồng hồ, lúc này Trang Thụ đang ở trường và Phó Đông Tâm chắc đang ngủ trưa. Kể từ khi cô ấy thôi việc, giấc ngủ trưa của cô ấy trở nên rất dài, như thể công việc chính trong ngày là ngủ vậy. Tôi đứng dậy, vẫy một chiếc taxi và nói, cho tôi đến Quảng trường Hồng Kỳ.
Tài xế taxi ngồi trong tấm chắn bảo vệ, đội mũ xám và mặc đồng phục tài xế. Điều kỳ lạ là anh ta vẫn đeo khẩu trang, mặc dù bây giờ là giữa trưa một ngày tháng tám, nắng chói chang. Tôi liếc nhìn gương chiếu hậu trước mặt anh ta, và bắt gặp mắt anh ta ở trong đó cũng đang nhìn tôi. Một bên khoé mắt sụp hẳn xuống, tôi dời mắt đi.
“Quảng trường Hồng Kỳ à?” Anh ta đặt một tay lên chữ “Xe trống,” tôi nói, phải. Anh ta móc ngón tay, đèn hiệu tắt, chữ “xe trống” cũng tắt. Sau khi đi qua hai điểm dừng, tôi thấy được bàn tay to bất lực của chủ tịch, nhưng đường đột nhiên tắc nghẽn. Hoá ra không chỉ có mình đoàn người lớn tuổi mà tôi thấy lúc trước, còn một đoàn người nữa đang từ từ đi qua giữa đường. Điểm khác biệt là họ mặc quần áo lao động có màu sắc và kiểu dáng khác. Người lái xe chìa nửa cánh tay ra khỏi cửa kính nhìn những người lớn tuổi trước mặt, không bấm còi hay làm gì khác, chỉ đơn giản cứ nhìn thế thôi. Tôi nói, họ cũng thật nhàn rỗi. Anh ta nói, ai? Tôi chỉ về phía trước. Anh ta nói, anh định làm gì? Tôi sửng sốt và nói, tôi đi làm gần đây, không liên quan gì đến chủ tịch cả. Anh ta gật đầu và nói, anh cũng không mặc đồ bảo hộ lao động. Tôi lại ngạc nhiên nói, chúng ta có biết nhau không? Anh ta nói, không quen biết. Ý anh là gì? Tôi nói, chẳng có gì thú vị đâu, nhưng tôi thấy từ ngữ có hơi kỳ lạ, như thể chúng ta đã từng gặp nhau trước đây. Anh ta nói, anh là giới chủ, còn tôi là bán sức lao động kiếm ăn, đừng tâng bốc tôi thế. Tôi cứng họng một lúc, có lẽ do tối hôm qua tôi uống quá nhiều, đầu óc không được tỉnh táo cho lắm.
Cuối cùng anh ta cũng đến được chỗ bùng binh ở quanh quảng trường, anh ta hỏi, anh đi tới đâu? Tôi nhìn vào quảng trường và nói, anh cứ lái xe xung quanh bùng binh đi. Anh ta nói, anh không xem thì không được à? Tôi nói, anh cứ làm đi, tôi sẽ cho anh tiền nếu tốn thêm thời gian của anh. Anh ta nói, ồ, có tiền thì làm bố người ta à. Tôi tức giận nói, anh nói chuyện kiểu gì thế hả? Anh ta nói, tôi lái xe taxi, chứ không phải người hầu kẻ hạ nhà anh, xuống xe. Tôi nhìn vào gương chiếu hậu, anh ta không nhìn tôi mà cẩn thận tránh đuôi chiếc xe đằng trước đang lắc lư. Mặt anh ta có sẹo. Nói chung, loại người này hoặc là ngang ngạnh hoặc là nóng tính. Một khi xuống xe muốn bắt taxi trở lại căn bản là không thể. Mọi ngã tư đường đều chật ních, không ngừng có những người già đi từ ngoài rìa hướng về phía quảng trường như dòng nước chảy. Tôi nói, trời nóng nực quá, đừng lo, anh có thể đi một vòng hộ tôi, và chúng ta sẽ trở lại đường cũ. Anh ta không nói gì nữa, bắt đầu đi xung quanh đảo giao thông. Qua cửa kính ô tô, tôi nhìn thấy quảng trường Hồng Kỳ được vây quanh bởi đám đông giơ chân dung chủ tịch. Xe cẩu và xe nâng của đội thi công dừng ở một góc, mấy cảnh sát vừa uống nước vừa vác những chiếc còi lớn, nhưng chẳng hề lên tiếng. Các cụ già ngồi dưới nắng, vài vầng sáng lóe lên trong hư không, một cụ già khoảng tầm bảy mươi tuổi đang cầm cây gậy gỗ nhỏ đứng dưới vạt áo của chủ tịch chỉ đạo các cụ hát. Bên tay phải, một ông già khác đang ngồi trên chiếc ghế xếp, tay cầm đàn accordion, miệng ngậm điếu thuốc, lâu lâu lại nhếch khóe miệng lên nhả khói. “Kim Sơn của Bắc Kinh chiếu sáng mọi hướng, và Mao chủ tịch là vầng thái dương ấm áp và nhân hậu, chiếu sáng trái tim của những người nông nô đã vùng lên. Chúng ta đang đi trên con đường xã hội chủ nghĩa hạnh phúc.”
Trên cổ chủ tịch treo một sợi dây, bốn phía có dây buộc vào mặt đất, đầu dây đung đưa theo gió. Một vài công nhân ngồi trong bóng râm phía sau nói chuyện phiếm. Dường như cảnh tượng trước mắt chẳng liên quan gì đến bọn họ, sau khi vụ biểu tình được dẹp yên, thì họ chỉ cần nhấc ngón tay là tượng chủ tịch sẽ ngã xuống ngay. Tôi nhớ rằng khi tôi còn nhỏ, tôi cùng vài cậu bạn đứng ở vị trí họ đang ngồi, nhìn vào phía sau đầu của chủ tịch. Một đứa nói, bọn mày có nghĩ là đầu của chủ tịch to như vậy thật không? Một đứa khác bảo, vô lý, đầu to thế thì là quái vật à? Anh trai nó bịt mồm nó ngay lập tức, mà đã nhìn thấy chủ tịch thật chưa mà dám nói linh tinh? Mồm loa mép giải thế à? Vào lúc đó tôi tự hỏi, nếu đầu của chủ tịch thực sự to như vậy, ông ấy có thể đội bao nhiêu chiếc mũ bộ đội và mặc bao nhiêu cái quần bộ đội nhỉ? Tôi lại nghĩ, không, cái đầu của chủ tịch nên là cỡ thông thường, có thể to nhưng không quá to đâu. Khi gặp Hồng vệ binh, đầu của ông có kích thước tương đương với Đội trưởng Đội Hồng vệ, nếu đầu của ông lớn như vậy, chẳng phải đầu của hàng ngàn Hồng vệ binh sẽ lớn như vậy sao? Làm sao điều này có thể, bởi vì có người trong trường của chúng tôi đã từng ở đó và đầu của anh ta cũng ngang cỡ đầu tôi thôi.
Dòng phương tiện di chuyển chậm rãi, dù là xe cá nhân, xe giao hàng hay taxi, tài xế và hành khách trên xe đều có đủ thời gian để nhìn ngắm quảng trường. Mọi người đều nghiêng đầu nhìn những người già này. Đã lâu tôi không về nơi này, sau khi dọn đi cũng ít quay lại. Bức tượng này giống như một cái cây lớn ở quê tôi, nếu thật là tôi có quê hương. Chim từng làm tổ trên đó, chiều nào cũng bay về, phân chim đã từng rơi trúng đầu tôi. Có nhiều buổi tối, khi tôi còn trẻ và không có gì để làm, tôi cứ đứng đây ngắm hoàng hôn. Trong vài năm qua tôi đã hoàn toàn quên mất những khoảng thời gian đó, như thể chúng chưa từng xảy ra trước đây, như thể trong tích tắc tôi đã trở thành tôi của bây giờ.
“Anh có biết số lượng bao nhiêu không?” Tôi nói: “Cái gì?” Đi gần hết một vòng, tôi cảm thấy ở nửa sau của vòng tròn, tốc độ của anh ta chậm hơn những chiếc xe khác. “Không có gì, anh đi đâu bây giờ?” Tôi liếc nhìn quảng trường, tựa hồ vẫn là bức ảnh tĩnh. “Quay lại chỗ anh vừa tới.” Tôi nói. Anh ta chuyển số và bắt đầu tăng tốc. “Anh nói xem, tại sao họ đến ngồi ở đó?” Một lúc sau anh ta hỏi tôi. Tôi nói: “Để ôn lại chuyện xưa.” Anh ta nói: “Không, họ không hạnh phúc.” Tôi nói: “Chà, có thể đấy. Họ dùng điều này để trút giận.” Anh ta nói, “Họ khiến tôi nghĩ đến loài cá heo.” Tôi nói, “Gì cơ?” Anh ta nói, “Tin tức đưa rằng rằng biển bị ô nhiễm, những con cá heo bơi vào bờ biển và tự tử, chúng cứ bơi thẳng cho đến chết.” Tôi không nói gì nữa. Anh ta nói tiếp: “Những kẻ hèn nhát là như vậy đấy. Thực tế là cá heo cũng có răng. Họ đã ngoài bảy mươi tuổi rồi và vẫn còn đủ sức cầm dao. Con người mà, thường đến lúc chết vẫn thấy sống chưa đủ, anh nghĩ sao?” Tôi nói: “Không, có lẽ nếu anh chịu đựng được thì vẫn còn có hi vọng.” Anh ta nói, “Ừm, đúng vậy. Chỉ là hi vọng không đủ để chia, toàn để những người như anh chiếm hết.” Tôi cảm thấy anh ta thực sự quen biết tôi. Tôi thực sự muốn anh ta tháo khẩu trang để tôi nhìn xem, nhưng điều đó là không thể. Tôi ngồi ở băng ghế sau của xe taxi, cố gắng nhớ lại giọng điệu và dáng vẻ của anh ta, nhưng luôn có một số điều chưa khớp với nhau, giống và lại không giống.
Khi đến nơi, anh ta lại bật dòng chữ “xe trống” lên và nói, hai mươi chín. Anh có biết số lượng là bao nhiêu không? Tôi cầm ví và hỏi, gì cơ? Anh ta nói, trên nền chân dung chủ tịch, có bao nhiêu chiến sĩ đang bảo vệ chủ tịch? Tôi nói, tôi nhớ tôi đã đếm rồi, nhưng bây giờ tôi quên mất. Anh ta cầm tiền tôi trả và không nói gì. Khi tôi mở cửa bước ra khỏi xe, anh ta thò đầu ra khỏi cửa kính xe và nói, ba mươi sáu, hai mươi tám đàn ông, tám phụ nữ, năm người đeo băng quấn tay, chín người đội mũ quân đội, bảy người đội mũ sắt, ba người mang súng tiểu liên và hai người đeo kiếm lớn. Nói xong, anh ta nhấn ga phóng đi.