
Truyện ngắn: Moses trên đồng bằng (平原上的摩西/Moses on the plain/Moses trên bình nguyên)
Tác giả: Song Tuyết Đào
Dịch sang tiếng Việt: Lục Hương @ Hạo Nhiên Chi Khí
TRANG THỤ
Mặc dù tôi hoàn toàn đi ngược lại mong muốn của cha tôi, nhưng ông vẫn giúp đỡ tôi một chút. Ông chặn đường lui của tôi. Khi mẹ tôi đang đi du lịch ở Anh, tôi đã đạt được thỏa thuận với ông, trong năm năm đầu tiên trừ khi tôi từ chức, tôi không thể hỏi xin tiền ông. Đây thực sự là một thỏa thuận đơn phương và nó chỉ có ý nghĩa với ông, bởi vì từ đầu tôi cũng đã nghĩ như vậy. Tôi tự đặt cho mình một thời hạn còn dài hơn thế nhiều.
Tôi phải thừa nhận rằng mối quan hệ giữa tôi và cha mẹ khá kỳ lạ. Mẹ tôi không gần gũi với tôi từ khi tôi còn nhỏ, bà còn dành thời gian ở bên một đứa trẻ khác lâu hơn so với tôi, cô bé là hàng xóm của tôi thời thơ ấu. Vì tôi không thích đọc sách nên mẹ đã dành thời gian cho cô bé đó, dạy cô ta đọc chữ và còn nhiều kiến thức khác. Khi cô bé mười hai tuổi, chúng tôi chuyển nhà và mất liên lạc với nhau. Tôi đã từng đọc trộm nhật ký của mẹ (bà không hề giấu giếm một cách bí mật, tất nhiên bà không nghĩ rằng tôi sẽ đọc trộm). Trong nhiều năm, bà đã dành rất nhiều tâm sức để hỏi thăm về tung tích của cô gái, nhưng không có manh mối nào, như thể người này chưa từng tồn tại. Những năm tháng hai người cùng nhau ngồi trên kháng học bài bên chiếc bàn vuông nhỏ dường như bị ai đó vung tay hô biến tan vào thinh không.
Sau đó, mẹ tôi có sở thích đi du lịch và sưu tầm. Gia đình tôi có rất nhiều tranh, đồ sứ và đồ lưu niệm từ những chuyến du lịch. Cha tôi đã dành một căn phòng lớn để mẹ cất những thứ này. Các tác phẩm nghệ thuật đắt tiền, độc đáo và những con búp bê đồ lưu niệm du lịch rẻ tiền, có thể sản xuất hàng loạt được đặt cạnh nhau mà trông không hề khó nhìn.
Cha tôi bắt đầu lập nghiệp bằng nghề in vỏ bao thuốc lá. Trong một khoảng thời gian nhất định, do hoạt động độc quyền nên máy in của ông và máy in tiền cũng không khác nhau là mấy. Sau đó, ông kinh doanh bất động sản, dịch vụ ăn uống, làm đẹp xe hơi, sản phẩm bà mẹ và trẻ em. Vào năm thứ ba đại học, có một lần tôi cùng một cô gái đi xem phim, trong khi chúng tôi đang hôn nhau thì tôi liếc mắt thấy tên ông trong số những nhà sản xuất của phim. Cả cuộc đời ông sống trong sạch và nghe lời mẹ tôi. Từ khi sản xuất vỏ bao thuốc lá, ông đã bỏ thuốc lá. Đối với bạn bè và đối thủ trong việc làm ăn, ông rất ít khi nhắc đến họ ở nhà. Tôi cảm thấy trong lòng ông thì những người này đều giống nhau, đều cần đến nhau và cũng làm cho nhau mệt mỏi. Trong ấn tượng của tôi, ngay cả khi cha tôi say, chỉ cần ông muốn về nhà, thì ông luôn có thể tự mình về được đến nhà, miễn là mẹ tôi cũng ở nhà để đỡ ông vào nhà. Mẹ tôi thường không nói gì với ông và nấu một tô mì cho ông. Có lúc khi ông bước vào cửa và ngã luôn xuống, bà kéo ông nằm lên giường và đóng cửa lại. Cha tôi thường nói rằng tôi nổi loạn, chẳng giống cha mẹ chút nào. Thực ra, tôi là người cá tính nhất trong nhà, bướng bỉnh, nghiêm túc, khổ hạnh, không dễ quên. Càng lớn tôi càng nhận ra điều đó, nhưng cha mẹ không hiểu tôi.
Có một vụ đánh nhau ở trường trung học. Do là kẻ đầu têu vụ đánh nhau, tôi phải ở lại trại tạm giam một đêm còn những người khác được thả. Thực ra tôi bị thương nhẹ, trên xương lông mày có một vết thương hở. Đồng chí cảnh sát trực ban hôm đó đưa cho tôi cái băng dán vết thương rồi ngồi ngoài song sắt buồng tạm giam nói chuyện với tôi. Cậu có biết đầu gấu thì có tương lai như thế nào không hả? Anh ta nói. Tôi nhớ anh ta còn rất trẻ, nếu không có bộ râu thì trông chẳng khác gì tôi. Tôi không nói gì, tự dán miếng băng dán vết thương và nhíu mày. Anh nói, hoặc trở thành một kẻ phạm tội theo thói quen, hoặc trở thành một người tầm thường hơn những người bình thường. Tôi không nói gì, anh ta nói, cậu nghĩ mình ngầu lắm hả? Trong tương lai cậu làm được gì chứ? Tôi vẫn không nói gì. Anh ta ngồi bắt chéo chân và tiếp tục nghịch cái bật lửa trên tay. Anh nói, cậu có biết mỗi ngày trên cả nước có bao nhiêu cảnh sát chết không? Tôi vẫn không hé răng. Anh ta nói, tôi đọc hồ sơ của cậu, cậu vào đây đã ba lần rưỡi, tất cả đều là vì người khác, cậu nghĩ mình có thể làm gì trong tương lai? Nhóm bạn của cậu khi rời khỏi đây, có đứa nào thèm ngoái lại nhìn cậu không hay chỉ ba chân bốn cẳng chạy cho nhanh? Tôi nói, đ*t mẹ mày, thách mày vào đây đánh nhau với tao một trận đấy. Anh ta nói, một đấu một à? Chỉ cần một phát súng thôi là tôi giết chết cậu ngay. Tôi không phạm luật để bắn cậu, cậu có dám bắn không? Cậu có biết cách cầm súng không? Đồ ngốc. Tôi vươn tay ra khỏi song sắt túm lấy áo anh ta, anh không nhúc nhích, áo vẫn bị tôi giữ chặt, anh ta nói, chạm vào xem. Đây là đồng phục cảnh sát. Hôm qua có kẻ buôn ma túy đã giết cha mẹ mình rồi còn cướp 600 tệ của họ, trước khi chết cha nó còn bảo nó chỗ giấu tiền rồi bảo nó chạy nhanh đi. Đồ ngốc, mày có dám không? Mày dám động vào loại người này à? Tao đang bảo mày đấy, mai tao sẽ đi bắt nó sau khi xử lý mày ngày hôm nay, đồ ngốc. Nói xong, anh ta vặn cổ tay tôi, tôi nghiến răng không phát ra tiếng, buông lỏng đồng phục cảnh sát của anh ta. Anh ta không nhìn lại tôi, tôi nghe thấy tiếng anh ta mở cửa và đi ra ngoài.
Tôi luôn nhớ đến vẻ ngoài và giọng nói của anh ta, anh ta là một cảnh sát hỗ trợ. Cảnh sát hỗ trợ không có biên chế. Sau này tôi được biết anh ta không có quyền sử dụng súng. Khoảng hai năm sau, một người bạn của tôi phải vào trại tạm giam vì làm người khác bị thương, tôi đã lén lấy một số tiền của cha tôi và đến trại tạm giam để giúp cậu ta. Lúc đó tôi 19 tuổi, tôi đang học năm cuối cấp ba, học lại một năm (1), và có một số cảnh sát biết tôi. Một cảnh sát nhìn thấy tôi và nói, đã nhiều ngày không thấy đến, làm việc cùng cha à? Tôi nói không, ra dấu coi chừng đấy, rồi hỏi anh ta trông như thế nào, có ở đó không. Tôi muốn anh ta thấy tôi. Tôi không biết tại sao mình cứ nhớ đến anh ta. Nhiều lần khi có người đến tìm đánh tôi, tôi lại nhớ đến anh ta. Một người nói, tại sao cậu lại tìm anh ta? Tôi nói, không sao hết, chỉ tiện hỏi thăm thôi. Người kia kể rằng anh ta bị trả thù. Tôi nhìn người đó chằm chằm chờ anh ta kể tiếp. Người kia kể rằng anh ta chết ở tầng dưới tại nhà riêng và bị đâm chết từ phía sau. Lúc đó vợ anh ta đã dọn sẵn bữa cơm rồi. Sau khi kể xong, người kia lấy tiền của tôi và đi vào phòng khác. Tôi muốn hỏi xem có bắt được hung thủ không, nhưng môi tôi chỉ mấp máy mà không phát ra nổi tiếng động nào, có thứ gì cứ mắc kẹt trong cổ họng tôi. Khi tôi bình tĩnh trở lại, bạn tôi nhìn thấy tôi và đi về phía tôi với nụ cười trên môi, và tôi quay người rời đi.
Kể từ lúc tôi thi đỗ vào học viện cảnh sát đến khi tốt nghiệp, mẹ tôi chẳng nói gì với tôi, nhưng trước khi tôi đăng ký dự thi vào ngành cảnh sát, mẹ tôi đột nhiên hỏi tôi có thực sự muốn trở thành cảnh sát không? Tôi nói có. Bà nói, đừng làm điều đó. Tôi nói, không. Bà nói, tại sao con muốn trở thành cảnh sát? Tôi nhớ đó là một buổi sáng, hai chúng tôi đang ngồi bên bàn ăn uống sữa, bà nhấp một ngụm, dùng ngón tay nhẹ nhàng lau sạch bọt trắng trên miệng rồi ngẩng đầu hỏi tôi. Tôi nói, con người sớm muộn gì cũng sẽ chết, phải không? Bà nói, tốt, để chết hay sao. Tôi nói, con muốn làm điều gì đó có ý nghĩa với người khác và có ý nghĩa với bản thân, trên đời này chẳng có nhiều thứ như vậy. Bà nói, được thôi. Sau đó bà ngừng lời, cúi đầu tiếp tục uống nốt cốc sữa.
Sau này cha kể cho tôi rằng bà nói với ông nếu tôi không thể vượt qua kỳ thi, cha hãy dùng quan hệ để xin cho tôi. Tôi không biết bà dựa trên cơ sở tâm lý nào. Có thể trong mắt bà, tôi làm gì chẳng hề quan trọng, tôi không phải là mẫu người bà mong muốn. Bà chưa bao giờ đến thăm tôi ở trường cảnh sát trong suốt bốn năm tôi học ở đó. Ngay cả khi tôi tốt nghiệp, tôi là sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, đây là lần đầu tiên trong đời tôi đạt được thành tích như vậy nhưng bà vẫn không xuất hiện. Thay vào đó, bố tôi đã lái xe đến trường và tham dự lễ tốt nghiệp. Ông còn mời tôi ăn cơm, ăn đồ Tây. Ông nói rằng mẹ tôi đã đi Nam Phi và ông không thể liên lạc với bà, nhưng bà đã gửi tặng tôi một món quà. Đó là một bức tranh. Trong bức tranh là một cậu bé đứng giữa hai tảng đá để trấn giữ khung thành, một cô bé đang vung chân đá bóng. Hình vẽ rất đơn giản bằng bút chì trên một tờ giấy A4 thông thường, không có chữ ký hay ngày tháng.
Trong bữa ăn đó, cha tôi muốn thuyết phục tôi vào hội đồng thành phố để ngồi trong văn phòng và làm công việc bàn giấy. Tôi từ chối, nhưng cha tôi đã thanh toán tiền ăn và và bỏ mặc tôi ở bàn ăn.

Sau khi đạt được thỏa thuận với cha, trong khi cha mẹ đi vắng, tôi về nhà thu dọn đồ đạc và chuyển đến ký túc xá do cơ quan sắp xếp. Đơn xin việc của tôi đã được chấp thuận và tôi trở thành một cảnh sát hình sự tập sự. Trong sáu tháng đầu, tôi tham gia một số hoạt động tương đối dễ dàng. Trong thời gian đó, tôi tham gia việc truy bắt những tội phạm bỏ trốn. Cùng với một vài cảnh sát kỳ cựu, tôi đã đi đến bảy hoặc tám tỉnh và thành phố, đi đến làng mạc, công trường và hầm mỏ, truy bắt những kẻ giết người đã lẩn trốn trong vòng mười năm qua hoặc thậm chí còn lâu hơn nữa. Chẳng có gì nguy hiểm. Tôi nhớ một trong số những kẻ đó vừa từ dưới mỏ đi lên, thấy chúng tôi đang đợi, anh ta nói để tôi đi tắm đã. Người cảnh sát già nói rằng đã quá muộn, xe đang đợi, rồi bước tới và còng tay anh ta. Tóc anh ta phủ đầy bụi than, và kể cả hội bạn tôi hồi còn niên thiếu trông cũng mạnh hơn anh ta nhiều. Anh ta nói, hãy để tôi ghé qua nhà nhìn vợ con một lần. Người cảnh sát già nói, hãy để họ đến gặp anh. Trên đường đến sân bay, anh ta chỉ nói một câu, nếu hai người đến sớm hơn thì tôi đã đánh bại hai người rồi.
Tháng 9 năm 2007, tôi chính thức trở thành cảnh sát hình sự, tôi có thể đăng ký giấy phép sử dụng súng khi ra khỏi cơ quan, và khi có vụ án tôi có thể được trang bị súng bất cứ lúc nào. Vào tối ngày 4 tháng 9, một cán bộ quản lý đô thị của Đội thực thi pháp luật hành chính quận Hòa Bình sau khi uống rượu đi qua công viên để về nhà, anh ta bị bắn chết và thi thể anh ta bị kéo xuống hồ nước nhân tạo trong công viên. Cục cảnh sát hình sự thành phố đã tổ chức một cuộc họp cơ động, và các thành viên chủ chốt đã tổ chức riêng một cuộc họp phân tích vụ án. Đây là viên chức quản lý đô thị thứ hai bị tấn công trong tháng này. Người thứ nhất bị một vật cùn đập vào sau đầu, gục ngã ở cửa nhà, không dậy nổi nữa. Bởi vì điểm tốt nghiệp của tôi không tệ, và thành tích của tôi trong thời gian thực tập khá tốt, tôi được phép tham gia và lắng nghe trong cuộc họp phân tích. Súng là súng lục cảnh sát, và đạn cũng là đạn cảnh sát, loại súng lục 64 đạn 7.62 ly, viên đạn cũng là của loại súng lục 64 đạn 7.62 ly. Cán bộ quản lý đô thị bị bắn cũng bị một vật cùn đánh vào sau đầu, theo xác định pháp y và phân tích tại chỗ thì cú đánh không gây tử vong (nghi là búa hoặc cờ lê), anh ta bị thương và bỏ chạy, còn kẻ hành hung đuổi kịp và bắn anh ta thêm phát nữa. Tôi không biết người cán bộ đó, và tôi vẫn chưa vào biên chế, nhưng tôi vẫn đến dự đám tang. Bởi vì yêu cầu ở trên chỉ thị xuống, tang lễ tổ chức tương đối đơn giản, chân dung người mất không mặc đồng phục mà mặc thường phục, nhìn rất thư thái. Khẩu súng lục dùng để gây án có trong hồ sơ lưu trữ. 12 năm trước, nó thuộc về một cảnh sát tên là Tưởng Bất Phàm. Đó là một vụ giăng bẫy không thành công. Kẻ sát nhân trốn thoát còn anh ta trở thành người thực vật (Tôi không biết là may hay không may nữa. Sau khi bị miếng kính xe văng vào, anh ta bị một vật cùn đập vào đầu). Vì là thương tật liên quan đến công việc nên mọi phí tổn do văn phòng thành phố chịu. Lúc bị thương anh ta chưa lập gia đình (dù đã ba mươi bảy tuổi), được cha mẹ chăm sóc cho đến khi qua đời, anh ta tắt thở trên giường bệnh năm 1998. Không bao giờ tỉnh dậy, và không để lại một lời trăng trối. Một hậu quả khác của hành động giăng bẫy lần đó là hai khẩu súng lục 64 của cảnh sát và hai băng đạn mà anh ta mang theo, có tổng cộng là 14 viên đạn, đã bị mất.
Vụ án lúc bấy giờ là chuỗi vụ án hàng loạt về việc cướp tài sản và giết tài xế taxi, các vụ án đó vẫn chưa được phá, nhưng sau vụ tai nạn của Tưởng Bất Phàm thì chuỗi vụ án đó cũng không phát sinh nữa. Hai vụ tấn công quản lý đô thị về bản chất có liên quan đến nhau vì hai quản lý đô thị này tương đối nổi tiếng. Trong một vụ cưỡng chế hành chính vào tháng trước, họ đã tịch thu nồi cơm của một người phụ nữ, trong lúc tranh chấp, cô con gái 12 tuổi của người phụ nữ này đã bị ngã vào bếp than và bị bỏng nặng trên mặt, có lẽ đã để lại những vết sẹo lớn. Do đó, cả hai đã xuất hiện trên nhiều phương tiện truyền thông như báo chí, mạng và các bộ phận liên quan xác định vụ việc xảy ra do cô bé trượt chân ngã và mẹ của cô bé phải chịu trách nhiệm chính. Cả hai người này không có sơ suất lớn, họ chỉ bị cảnh cáo nội bộ và vẫn được tiếp tục giữ chức vụ.
Tại cuộc họp phân tích vụ án lần thứ hai, phòng họp nghi ngút khói, người đầu mối giải quyết vụ án là một đại đội trưởng có tên Triệu Hiểu Đông, anh ta đã tham gia vụ vây bắt năm đó. Lúc đó, vợ anh ta đang mang thai và sắp sửa đến ngày sinh. Giờ đây con trai anh ta đã mười hai tuổi, đang học năm nhất trung học cơ sở, còn đồng chí Tưởng Bất Phàm không có con và đã mất cách đây gần mười năm. Cha Tưởng đã qua đời, chỉ còn lại người mẹ già sống trong nhà của con gái. Anh ta đến thăm bà nhiều lần trong năm, mang theo những thứ văn phòng thành phố gửi tặng, dù ít dù nhiều, lần nào cũng mang quà. Anh ta nói rằng anh không ngờ trường hợp tưởng đã bị vùi lấp năm xưa lại có thể khơi lại. Nếu trước khi về hưu anh không giải quyết được thì sau khi về hưu anh sẽ tự mình điều tra. Nếu trước khi chết anh không giải quyết được thì để con trai làm cảnh sát và tiếp tục giải quyết. Phòng họp im ắng, tôi tin rằng hầu hết mọi người đều đang suy nghĩ tại sao vụ án này lại khó đến vậy. Bây giờ ở đâu cũng có máy quay, nhưng chúng vô dụng trong vụ này. Mặt khác mọi người lại nghĩ về hai khẩu súng, và có rất nhiều viên đạn nữa.
Đây là lần đầu tiên tôi chủ động phát biểu kể từ khi được nhận vào làm việc. Xin thưa các đồng chí lãnh đạo, thưa mọi người, em là người mới, nếu em nói linh tinh thì hãy sửa giúp nhé. Đội trưởng Triệu nói, không cần khách sáo, nói đi. Tôi nói, em đã xem hồ sơ năm đó, xem cả ảnh chụp hiện trường trong hồ sơ rồi đi đến hiện trường vụ việc. Đội trưởng Triệu ngắt lời tôi và nói, cậu đi khi nào? Tôi kể, hôm kia, sau khi dự đám tang của anh quản lý đô thị, em đến đó bằng xe buýt. Đội trưởng Triệu nói, ai bảo cậu đi? Tôi nói, em muốn tự mình đến xem. Đội trưởng Triệu nói, cứ tiếp tục đi. Tôi nói rằng những cánh đồng cao lương cũ giờ đã bị các tòa chung cư lấp kín và được bán với giá 7,000 nhân dân tệ một căn. Con đường đất đó đã trở thành một con đường nhựa với bốn làn xe. Đồng cỏ nơi Tưởng Bất Phàm được tìm thấy giờ là siêu thị Wal-Mart. Địa hình trên ảnh hoàn toàn không còn nhìn thấy nữa. Đội trưởng Triệu nói, cậu đang làm môi giới bất động sản đấy hả? Tôi nói, em không cố ý đâu. Em đã xem lại các tờ báo trong năm đó và hỏi những người xung quanh, thì phát hiện ra có một phòng khám tư cách nơi xảy ra vụ án hai trạm xe buýt về phía đông, đó là một phòng khám tư nhân Trung y. Nó đã ở đó mười hai năm trước, và giờ vẫn còn ở đó. Em đã đứng đợi rất lâu trước cổng vào phòng khám, hỏi thăm một bệnh nhân lớn tuổi đi ra. Ông ta kể rằng vị bác sĩ ban đầu của phòng khám là Tôn Dục Tân, từng là công nhân. Khi về nông thôn, ông ấy theo học Trung y từ một thầy thuốc dân gian ở trong làng. Ông bị cho thôi việc vào năm 1994 và sang đến năm sau mở phòng khám tư nhân, không ngờ vẫn hoạt động được cho đến giờ. Ông ấy qua đời vì bệnh ung thư tuyến tụy vào mùa xuân năm 2006, và bây giờ con trai ông là Tôn Thiên Bác làm bác sĩ khám chữa ở đó.
Mọi người nhìn tôi, đội trưởng Triệu dụi điếu thuốc vào gạt tàn, nhìn tôi chằm chằm rồi nói, tiếp tục đi. Tôi nói trong vụ án đó có một người chết và một người bị thương, Tưởng Bất Phàm bị chết và tài xế xe tải Lưu Lỗi bị thương, lúc đó trán anh ta đập vào tay lái, chảy rất nhiều máu, anh ta ngất xỉu và không nhìn thấy gì. Anh ta chỉ nhớ mình đã đột ngột nhìn thấy đuôi một chiếc ô tô màu đỏ. Trước khi xảy ra tai nạn, anh ta đã lái xe rất mệt. Theo lời anh ta thì trước mắt anh ta lúc đó chỉ có đêm đen nên anh ta thậm chí còn không được tính là nhân chứng. Có vết máu dính trên xe taxi, và lúc đó đã được kiểm tra, không phải máu của Tưởng Bất Phàm. Có suy đoán rằng nó thuộc về kẻ sát nhân, nhưng vị trí mà Tưởng Bất Phàm bị mảnh vỡ của xe văng trúng là ở bên ngoài. Vì vậy em đã suy đoán ngoài kẻ sát nhân và Tưởng Bất Phàm, trên taxi còn một người khác nữa. Đội trưởng Triệu hỏi, cậu tên gì? Tôi nói, em tên là Trang Thụ. Anh ấy nói, Tiểu Trang, bắt đầu từ hôm nay, chào mừng cậu đến với vụ án này và gia nhập đội. Tiếp tục nói đi. Tôi nói, sau khi Tưởng Bất Phàm và kẻ sát nhân rời khỏi xe, người đó vẫn ngồi trên xe, ngồi ở vị trí ghế phụ lái. Sau khi xe tải tông vào xe taxi, xe taxi bị lật nghiêng bên đường và người đó bị thương nặng. Sau khi Tưởng Bất Phàm ngã xuống, kẻ sát nhân đã lấy khẩu súng lục của Tưởng Bất Phàm, cứu người ở trong xe và rời khỏi hiện trường. Điều này có thể giải thích tại sao khẩu súng lục của Tưởng Bất Phàm giấu trong xe cũng bị lấy mất. Nếu không có ai trong xe thì làm sao hắn có thể tìm được khẩu súng? Đội trưởng Triệu đứng dậy và nói, ý cậu là họ đã đến phòng khám đó? Tôi nói, tôi chỉ suy đoán khi em đến đến phòng khám đó để điều tra, nhưng em thấy rằng có thể như vậy.
(1) Phục độc (复读 – tiếng Trung trong nguyên bản): học sinh cuối cấp học lại một năm do thi trượt đại học hoặc muốn đạt điểm cao hơn.