MOSES TRÊN ĐỒNG BẰNG – PHẦN TÁM: TÔN THIÊN BÁC

Truyện ngắn: Moses trên đồng bằng (平原上的摩西/Moses on the plain/Moses trên bình nguyên)

Tác giả: Song Tuyết Đào

Dịch sang tiếng Việt: Lục Hương @ Hạo Nhiên Chi Khí


TÔN THIÊN BÁC

Sau khi cha tôi qua đời, tôi đã gặp ông ấy hai lần. Một lần khi tôi đến thư viện thành phố để giúp Tiểu Phỉ mượn sách. Tôi có thẻ thư viện, loại thẻ đắt nhất, và tôi có thể mượn mười cuốn sách một lần. Tôi rất quen thuộc với cấu trúc của thư viện. Thư viện này mới được xây dựng, bên ngoài có bãi cỏ, nhìn từ xa cũng rất đẹp. Trước cửa có những bậc thang bằng đá dài, và ai muốn đọc sách sẽ phải leo lên những bậc thang này, tựa như đi bái yết cổng chùa trên núi. Ngồi trong phòng đọc sách, nếu màn đêm buông xuống trước khi những người quản lí thư viện tan làm, bạn có thể nhìn thấy con đường rộng thênh thang dưới chân mình, dưới ánh sáng đèn đường, có vô số xe cộ tối om đang đi qua. Cơ sở vật chất bên trong tương đối đơn giản. Sách về văn học và lịch sử cơ bản chỉ tập trung ở tầng một rộng chưa đầy 1,000 mét vuông. Phía trên tầng hai là phòng đọc đa phương tiện. Tôi không biết ở tầng hai có thể đọc được những gì, bởi vì tôi không cần phải lên tầng hai để mượn những cuốn sách mà Tiểu Phỉ muốn đọc, vì vậy tôi chẳng bao giờ đi lên lầu. Mỗi lần mượn sách cho cô ấy, tôi lại đóng cửa phòng khám một ngày, sáng đến tìm những cuốn sách cô ấy cần, rồi ngồi trong phòng đọc lời tựa và phần giới thiệu ở bìa sau của mỗi cuốn. Nếu thấy hay tôi lại giở sách ra đọc hàng chục trang. Khi người quản lý đeo găng tay trắng đi ngang qua tôi và thu lại những cuốn sách mà người khác để lại trên bàn và ghế, tôi biết đã đến lúc phải ra về. Mười cuốn sách được cho mượn ngày hôm đó là “Ngũ thư” (1), “Ngày chim biến mất trên trời” (2), “Phía Tây với ban đêm” (3), “Nói, Ký ức” (4), “Bài hát của quán cà phê buồn” (5), ” Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới” (6), “Các vấn đề triết học” (7), “Khi tôi nằm chết” (8), “Giấc ngủ dài” (9), “Sửa chữa” (10). Tôi đã dành cả một buổi chiều để đọc mấy chục trang của cuốn “Các vấn đề triết học,” chủ yếu là vì tác giả này nói nhiều nhưng không nhàm chán. “Có kiến thức chính xác nào trên thế giới này mà tất cả những người có lý trí sẽ không nghi ngờ nó? Câu hỏi thoạt nhìn có vẻ không khó này thực sự là câu hỏi khó nhất mà mọi người có thể nêu ra.” Dường như có một số điểm là đúng đắn, nhưng không thể nói đó là kiến thức chính xác.

Khi tôi ra khỏi thư viện, tôi gói sách vào hai cái túi lớn và chuẩn bị bắt taxi về nhà. Cha tôi bước ra khỏi quán mì bên cạnh và đứng cạnh tôi. Để cha xách hộ con một túi, ông nói. Tôi ngửi thấy mùi tỏi trong miệng ông. Cả đời ông thích ăn tỏi, ông bảo nó có tác dụng chống ung thư. Tôi nói, con xách được. Ông nói, đưa đây cho cha, xem tay con trĩu xuống kia kìa. Tôi không đưa cho ông, mở cửa xe ô tô. Ông bảo tôi ngồi vào xe và ngồi bên cạnh tôi. Ông nói, nhìn mặt con đi, dạo này con có vẻ hơi mệt, để cha bắt mạch cho. Tôi nói, không sao đâu, tại con đi ngủ muộn đấy. Ông nói gần đây ở khu vực lân cận có chuyện không hay xảy ra. Tôi nói, con biết. Ông nói, ta đã kể cho con nghe về chuyện của cha và chú Lí rồi nhỉ. Tôi nói, cha đã kể rồi. Ông nói, cha sẽ kể lại. Tôi nói, được thôi. Ông kể rằng ngay sau khi họ về nông thôn, ông tham gia vào đội bảo vệ và chơi cá cược. Chú Lí của con khá là giỏi. Chúng ta biết nhau khi còn nhỏ, nhóm của họ gọi là “Ba con hổ.” Cha khá thân với chú, mặc dù cha lớn tuổi hơn nhưng tôi sẵn sàng chạy theo chú, chú nói và cha lắng nghe. Sau khi chúng ta đến vùng nông thôn, chúng ta ở trong một pháo đài, chú Lí yêu cầu cha đánh cược để kiếm công điểm (11). Có lần cha vừa bước đến cửa sổ với chú Lí, có một đứa trẻ nhảy ra khỏi cửa sổ và muốn chạy. Cha đưa tay ra tóm lấy và nó đâm vào tay cha. Chú Lí lập tức cõng cha chạy tới nhà ông già giữ ngựa, ông ấy châm cứu cầm máu cho cha, cứu sống cha. Sau đó, anh ấy đi tìm đứa trẻ và làm đứt gân kheo của nó. Tôi nói, à đây là câu chuyện. Cha nói, chú ấy không thể bị trừ khử, nếu chú ấy bị tiêu diệt thì Tiểu Phỉ thành trẻ mồ côi. Tôi nói, con thuộc nằm lòng điều đó mà. Ông nói, đừng lo lắng về chuyện giữa con và Tiểu Phỉ, con bé có tính cách kỳ lạ và ít gặp người khác, cứ một mình lủi thủi. Tôi nói, con không vội, và con không nghĩ về điều đó. Ông nói, con đang để cha con mệt mỏi, và con đang gánh trách nhiệm của cha, cha biết, nhưng đôi khi mục đích trong cuộc đời chỉ là tồn tại. Đó là những gì đã xảy ra sau khi Lão Lí nói với cha ngày hôm đó. Chúng ta là một thế hệ. Tôi nói, không liên quan gì đến cha cả, cha và và chú Lí là bạn, con và Tiểu Phỉ cũng là bạn. Ông nói rằng Tiểu Phỉ đã trở lại và vào bằng cửa sau, nếu con cảm thấy không tốt, đừng vào trước hoặc đừng đến nhà con bé nữa. Tôi nói, đừng lo lắng về điều đó, đã đến lúc cha phải nghỉ ngơi, đã là cả một cuộc đời rồi. Ông vỗ nhẹ vào tay tôi và bỏ đi.

Lần thứ hai tôi nhìn thấy ông là sau khi hai người cảnh sát đến. Vào ban đêm, ông đẩy tôi thức dậy và nói: “Con trai, đừng để mình dính vào chuyện này.” Tôi nói, cha đã thay đổi rồi, và cha đã già. Cha nói: “Nếu không được thì cứ tránh ra. Chú Lí có thể bảo vệ con, để sau này con có thể chăm sóc cho Tiểu Phỉ.” Tôi nói, cha à, chuyện này không liên quan gì đến cha cả. Sau đó tôi nhắm mắt chìm vào giấc ngủ.


(1) “Ngũ Thư” là năm quyển sách đầu tiên trong Kinh Thánh Hebrew, bao gồm Sách Sáng thế, Sách Xuất hành, Sách Lêvi, Sách Dân số và Sách Đệ nhị luật. Trong Do Thái giáo, Ngũ Thư được gọi là Torah, và là phần đầu của Tanakh; trong khi đó với Kitô giáo, đây là phần đầu của Cựu Ước. Năm sách này trình bày về công cuộc sáng tạo vũ trụ và muôn loài của Thiên Chúa, sự kiện cả dân tộc Do Thái được giải thoát ra khỏi Ai Cập, giao ước của dân Do Thái với Thiên Chúa, hành trình tiến về miền đất hứa Canaan, các luật lệ tôn giáo và dân sự, những vấn đề lớn có liên quan đến lịch sử sơ khai của Israel v.v..

(2) “Ngày chim biến mất trên trời” là một tập thơ của nhà thơ Nhật Bản Shuntaro Tanikawa, bao gồm hơn 90 tác phẩm xuất sắc của Shuntaro Tanikawa trong nhiều thời kỳ.

(3) “West with the Night” là cuốn hồi ký năm 1942 của Beryl Markham, ghi lại những trải nghiệm của cô khi lớn lên ở Kenya vào đầu những năm 1900, dẫn đến việc cô gây dựng sự nghiệp nổi tiếng của mình là một huấn luyện viên đua ngựa và phi công bụi rậm (bush pilot) ở đó.

(4) “Speak, Memory” là một cuốn hồi ký tự truyện của nhà văn Vladimir Nabokov.

(5) “The Ballad of the Sad Café” là một tuyển tập truyện ngắn của Carson McCullers.

(6) “Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới” là tên tiểu thuyết phát hành năm 1985 của nhà văn người Nhật Haruki Murakami.

(7) “The Problems of Philosophy” là tác phẩm nhập môn triết học nổi tiếng xuất bản năm 1911 của Bertrand Russell.

(8) “As I Lay Dying” là một tiểu thuyết xuất bản năm 1930 của tác giả người Mỹ William Faulkner, liên tục được xếp hạng trong số những tiểu thuyết hay nhất của văn học thế kỷ 20.

(9) “The Big Sleep” là cuốn tiểu thuyết trinh thám của nhà văn người Anh gốc Mỹ Raymond Chandler.

(10) “The Corrections” là một tiểu thuyết xuất bản năm 2001 của tác giả người Mỹ Jonathan Franzen.

(11) 工分 (công phần): Điểm chấm theo công việc (chấm công) bắt nguồn từ các nhóm tương trợ sản xuất nông nghiệp được thành lập ở các vùng nông thôn sau khi thành lập Trung Quốc Mới và được sử dụng phổ biến trong các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp và các xã vùng nông thôn. Phương pháp này chủ yếu bao gồm ghi chép, đánh giá, ghi hạn ngạch và tính toán thù lao lao động dựa trên sản lượng. Do hoạt động mang tính hình thức, chủ nghĩa bình quân, không thể hiện được nguyên tắc phân bổ theo công việc, điểm làm việc nhiều và việc ít, việc tốt và việc xấu là như nhau. Sau khi thực hiện chế độ khoán hộ theo trách nhiệm, phương pháp chấm công ở nông thôn dần bị bãi bỏ.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

%d bloggers like this: