MOSES TRÊN ĐỒNG BẰNG – PHẦN MƯỜI: LÍ PHỈ

Truyện ngắn: Moses trên đồng bằng (平原上的摩西/Moses on the plain/Moses trên bình nguyên)

Tác giả: Song Tuyết Đào

Dịch sang tiếng Việt: Lục Hương @ Hạo Nhiên Chi Khí


LÍ PHỈ

Tôi ngồi bên cửa sổ và nhìn ánh nắng rọi trên tán lá của cây dương. Vào giờ này ngày hôm qua, ánh nắng rọi trực tiếp vào một chiếc lá khác. Hai chiếc lá rất gần nhau, che chắn cho nhau, khi có gió thổi qua, chúng chạm vào nhau, một chiếc có bản rộng, chiếc kia hẹp hơn một chút, nằm gần rễ ngầm của cây, ánh sáng và bóng tối giao hòa. Mùa thu đã đến. Lá cây đang rụng dần. Tôi muốn vẽ chúng, nhưng tôi lo lắng rằng tôi không thể vẽ chúng sao cho thật giống, vì vậy tôi cứ thế để chúng mọc trên cây mà thôi. Cái cây này đã gắn bó với tôi từ rất lâu rồi. Mỗi lần tôi đến đây để chữa bệnh cho đôi chân, tôi sẽ ngồi đây, ngắm cái cây này, xem nó lớn lên và tán lá dày lên từng chút từng chút một, ngắm nhìn tán lá của nó đạt đến mức độ sum suê nhất, dần dần thay màu, rồi lá rụng khỏi cây, cái cây trở nên trơ trọi. Cây, cây, cây không đi được, cây thật bất lực.

Tôi nhớ lại lần đầu tiên tôi chuyển nhà, rồi sau đó lại chuyển nhà tiếp, nhưng lần đầu tiên chuyển nhà trong đời là ấn tượng nhất. Sau khi chuyển nhà, hầu hết đồ đạc đều không còn. Căn nhà nhỏ hơn trước một nửa. Ngày đầu tôi dọn đến thì kháng lạnh ngắt, cha tôi đang dựng bếp thì một tiếng động lớn làm tôi ngã văng ra khỏi kháng và mặt đập xuống nền đất. Chiếc kháng bị sập thành một hố lớn, đó là do khí mêtan tích trữ trong đó quá lâu, bị lửa đốt nóng lên và bùng lên phát ra ngoài. Đôi khi đi học về, tôi ngồi trên mép cái kháng xa lạ, điều tôi nghĩ đến nhiều nhất là nhà của Tiểu Thụ, sân nhà mà tôi thường đến.

Tôi nghĩ về việc Tiểu Thụ dùng cành cây chặt một con sâu ra làm đôi, tôi ngoảnh mặt đi không nhìn, và Tiểu Thụ hỏi, có chuyện gì vậy? Tôi nói, chẳng sao cả. Tiểu Thụ nói, cậu thì biết cái gì? Nó ăn lá. Tôi nói, đó không phải lỗi của nó. Trước khi ra khỏi ngõ, tôi đã nói với Tiểu Thụ, Tiểu Thụ này, sắp đến Giáng sinh rồi. Tiểu Thụ nói, hôm đó mình rảnh, còn ba tháng nữa mới đến Giáng sinh. Tôi nói rằng, đến Giáng sinh thì chúng ta không còn là hàng xóm của nhau nữa. Tiểu Thụ nói, có chuyện gì thế, tôi phải làm sao. Tôi biết rằng nhà cậu ấy có lệ hàng năm tổ chức lễ Giáng sinh, vào mỗi đêm Giáng sinh dì Phó Đông Tâm đều tặng quà cho mọi người. Có một năm dì ấy tặng tôi một cuốn sổ có ghi một câu ở trang đầu, “Chẳng ai có thể ở cạnh nhau mãi mãi, nhưng có thể mãi mãi bên nhau.” Mặc dù tôi không hiểu ý nghĩa của câu này, nhưng tôi thích nét chữ của Phó lão sư, giống như một người đàn ông, mạnh mẽ và ngay thẳng.

Tôi nói, cậu muốn gì? Tiểu Thụ nói, cậu có đủ khả năng thực hiện không? Mình chẳng muốn đâu, mẹ mình lại còn mắng thêm ấy? Tôi nói, mình có thể làm gì đó cho cậu. Tiểu Thụ nói, cậu định làm gì? Tôi nói, pháo hoa được không? Tiểu Thụ nói, giống như lần cậu đốt hộp diêm đó? Tôi nói, cậu còn nhớ à? Tiểu Thụ nói rằng như vậy quá nhỏ và nhàm chán. Tôi nói, cậu muốn lớn cỡ nào? Tiểu Thụ nói, càng lớn càng tốt. Cậu ấy giang tay ra to hết cỡ, nói rằng Tết mẹ mình không mua cho mình pháo hoa, vì sợ rằng mình sẽ bắn vào người khác. Tôi nghĩ về điều đó và nói, mình biết có một cánh đồng cao lương ở Đông Đầu. Cha mình đã từng đưa mình đến chơi nhà một bác người quen ở đó, mình đã từng tới nơi đó. Vào mùa đông, có những đụn rạ cao lương không bị chặt bỏ. Tất cả đều đã héo quắt rồi. Trông giống một cây thông Noel. Tiểu Thụ nói, cậu dám đi không? Tôi nói, có lẽ tôi có thể đốt một đụn rạ lớn, như một phần của cây thông Noel. Tiểu Thụ vỗ tay nói, cậu có dám không? Tôi nói, cậu có đi xem không? Cậu có thể nhìn thấy nó sau khi đi qua Tiểu đoàn Điện Than số 4. Tiểu Thụ nói, nếu cậu dám đi, mình cũng dám đi. Tôi nói, dù cho cậu ở đâu đi chăng nữa? Cậu ấy nói, bất kể mình ở đâu. Tôi nói, nếu Phó lão sư không cho cậu đi thì sao? Tiểu Thụ nói, đừng lo lắng về điều đó, mình sẽ tìm cách. Tôi nói, mấy giờ? Tiểu Thụ nói, xem sớm quá thì không hay, mười một giờ nhé? Tôi nói, mười một giờ, đừng quên đấy. Tiểu Thụ nói, mình có trí nhớ tốt, phụ thuộc vào việc mình có thích nhớ hay không. Mình sẽ đến đó.

Thiên Bác đến và nói chuyện với tôi. Dường như anh ấy đang nói về đôi chân tôi. Tôi chẳng nghe thấy chuyện gì đã xảy ra với đôi chân, vì tôi còn đang mải nhớ đến một sự kiện khác đã rất lâu rồi. Nhiều năm trước, Phó lão sư đang vẽ vỏ hộp thuốc lá, tôi quỳ bên cạnh bà và quan sát. Vào mùa đông, kháng rất nóng, tôi mặc chiếc áo len do cha tôi đan và không đi tất. Phó lão sư nghiêng đầu nhìn tôi, cười và nói, cha con đan áo len khéo quá. Tôi cũng bật cười, nhớ lại cha tôi đã vụng về khi đan áo len như thế nào. Tôi ngồi đó xem cha tôi gỡ len, và sợi len quấn quanh cổ ông. Phó lão sư nói, đừng di chuyển, để cô vẽ con. Tôi nói, cô muốn vẽ hình con lên hộp thuốc lá ạ? Phó lão sư nói, cô đang thử vẽ cả con và áo len của con. Tôi nói, nó sẽ không đẹp đâu. Phó lão sư nói, có chứ. Tôi nói, để con đi tất vào đã. Phó lão sư nói, con ngồi yên đi và bà bắt đầu vẽ. Sau khi bà vẽ xong bản nháp, tôi bò đến nhìn xem. Trong bức tranh là tôi, chân trần và mặc áo len đang ngồi trên kháng, nhưng thay vì chỉ ngồi yên đó, tôi lại ném “cục xương” (1) lên không trung, ba “cục xương” bay trong không trung như những vì sao. Tôi biết, đây được gọi là trí tưởng tượng. Phó lão sư nói, hộp thuốc lá này nên có tên là gì? Tôi nhìn lại bản thân và không thể nghĩ ra. Phó lão sư nói rằng nếu có tên, nó sẽ được gọi là “Bình Nguyên” (2) Tôi cũng nghĩ tên đó rất hay. Mặc dù tôi không biết giữa việc mình đang chơi “cục xương” và từ “bình nguyên” có mối liên hệ gì, nhưng tôi chỉ cảm thấy rằng cái tên này rất phù hợp.

Tôi cũng nhớ rằng vào một đêm khác cách đây nhiều năm, tôi thức dậy trên một chiếc giường ở nơi này. Điều đầu tiên tôi nhìn thấy là Thiên Bác. Chúng tôi đã từng gặp nhau trước đây nhưng chẳng nói chuyện mấy, chúng tôi đều là những người tính cách rất tẻ nhạt. Thiên Bác ngồi bên giường xếp những quân bài trên ga trải giường, từ K đến A, tạo thành mấy con rồng dài, khi sắp rơi xuống giường thì chúng lại uốn lượn quay đi. Tôi cảm thấy hoang mang, lưng tôi đau dữ dội, phần thân dưới dường như trống rỗng. Tôi nói, Thiên Bác, bố mình đâu rồi? Thiên Bác nói, cậu tỉnh rồi à, không sao, chú ấy cũng không sao, đang ở bên ngoài hút thuốc với cha mình, bạn có chơi bài không? Chơi trò gì nào? Tôi nói, cặp sách của mình đâu? Thiên Bác giơ tay chỉ. Cái cạp đang nằm trên một chiếc giường khác cùng với bộ đồ dính máu của tôi. Tôi nói, vứt đi giúp mình, đừng để cha mình nhìn thấy.

Lần này tôi nghe thấy Thiên Bác đang nói về điều gì rồi, cậu ấy nói rằng hôm nay mình cảm thấy chân trái của cậu đầy đặn hơn. Tôi nói, bị sưng lên thôi. Cậu ấy nói, không phải, là béo lên đấy, khi châm cứu, mình cảm thấy kinh mạch của cậu hoạt động mạnh hơn một chút, cậu có cử động ngón chân. Tôi cố gắng nhúc nhích ngón chân, nhưng không thấy suy suyển gì. Tôi nói, cậu nhầm rồi. Cậu ấy nói, cậu có cảm thấy nóng ở gót chân không? Tôi nói, có một chút. Cậu ấy nói, đó là một hiện tượng tốt. Mình sẽ quan sát thêm. Tôi nói, cậu luôn có hi vọng, điều đó là không tốt. Cậu ấy nói, điều đó là có cơ sở, mặc dù đã nhiều năm chẳng có hi vọng gì, nhưng từ tháng trước mình cảm thấy được có chút thay đổi. Cậu bị thương ở cột sống, tất nhiên có lý do khi nói là không dễ để hồi phục, nhưng gần đây cột sống của cậu có vẻ đã hồi phục được một chút, một số phản ứng trước đây không có, thật kỳ lạ, nhưng mọi việc đều có lý do, hãy cùng xem lại.

Tôi nói, nắng bên ngoài đẹp quá, đẩy mình ra ngoài đi dạo đi. Cậu ấy nói, mình có chuyện muốn nói với cậu, hôm qua có hai cảnh sát đến. Tôi nói, cậu đã kể cho cha mình nghe chưa? Cậu ấy nói, mình đã nói rồi. Chú ấy bảo không sao đâu. Nhân tiện, hôm qua trên đường mình nhặt được một bao thuốc lá cho cậu, mình đoán là cậu chưa nhìn thấy loại này. Từ túi bên phải của chiếc áo bác sĩ màu trắng, Thiên Bác lấy ra một bao thuốc lá đã được mở và ép dẹp. Tôi cầm lấy nó và xem xét, tôi thực sự chưa từng nhìn thấy. Nhìn cô bé này, được vẽ rất đẹp, cậu ấy nói. Tôi kẹp bao thuốc lá vào cuốn sách trên tay và nói, hai người cảnh sát kia hôm qua đã hỏi cậu những gì thế? Cậu ấy nói rằng một cảnh sát khoảng 40 tuổi và người kia 27 hoặc 28 tuổi. Họ hỏi mình liệu mình có biết đã có một vụ tai nạn xe hơi ở khu phố này cách đây 12 năm hay không, và sau đó một cảnh sát đã giết một người. Mình nói mình không biết, lúc đó mình còn nhỏ và đã ngủ say từ lâu. Họ hỏi liệu cha mình có đề cập đến điều gì không, chẳng hạn như có ai đó đã tới phòng khám vào đêm đó không. Mình nói, tôi chưa nghe thấy ông kể về chuyện đó, ông ấy cũng là người hay đi ngủ và dậy sớm. Họ hỏi mình xem có lưu giữ hồ sơ bệnh án của bệnh nhân không. Mình nói có. Họ yêu cầu mình cho họ xem. Sau khi đọc xong, họ nói rằng hãy để mẹ anh nói chuyện với chúng tôi. Minh bảo họ sau khi cha tôi bị cho thôi việc, hai người họ đã ly hôn. Tôi không biết mẹ tôi bây giờ như thế nào đâu. Thế rồi họ đi. Tôi nói, cậu không sợ à? Cậu ấy nói, mình là bác sĩ mà… Gần đây chắc cậu sẽ không muốn đến hay gọi điện, mình sẽ chờ một thời gian, mình sẽ đưa cho bạn thuốc để dùng trong vòng ba tháng tới, sau đó bạn sẽ tự xoa bóp nhé, mình đã dạy cậu rồi. Tôi nói, ừm. Cậu ấy nói, gần đây cậu có viết tiểu thuyết không? Tôi nói, mình đã viết nhưng vẫn chưa xong. Mình sẽ cho cậu xem khi nào viết xong. Cậu ấy nói, cậu nghỉ ngơi đi, mình ra đằng trước khám cho bệnh nhân. Chườm nóng đã được nửa tiếng, cũng sắp xong rồi.


(1) 嘎拉哈 (tiếng Trung trong nguyên bản): trò chơi truyền thống sử dụng xương gia súc (cừu hoặc dê) phổ biến ở vùng Trung Á, tiếng Anh gọi là “shagai,” có nghĩa là xương cục ở mắt cá chân của gia súc (cừu hoặc dê).

(2) 平原 (tiếng Trung trong nguyên bản): có nghĩa là “đồng bằng.” Đây là từ liên quan đến tên của truyện.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

%d bloggers like this: