MOSES TRÊN ĐỒNG BẰNG – PHẦN MƯỜI MỘT: TRANG THỤ

Truyện ngắn: Moses trên đồng bằng (平原上的摩西/Moses on the plain/Moses trên bình nguyên)

Tác giả: Song Tuyết Đào

Dịch sang tiếng Việt: Lục Hương @ Hạo Nhiên Chi Khí


TRANG THỤ

Cuối cùng Đội trưởng Triệu và tôi đã quyết định đến chỗ mẹ của Tưởng Bất Phàm, ngay cả khi đó chỉ là một cái giếng khô, chúng tôi cũng phải đi xuống và chạm vào nó. Chúng tôi đã điều tra hai mẹ con trong vụ việc bị bỏng và không có gì đáng ngờ. Người phụ nữ là một bà mẹ đơn thân và cô con gái có thành tích học tập tốt. Hai người đã nhận được một số tiền quyên góp lớn, và sự hồi phục của cô con gái tốt hơn mong đợi. Cả hai đều không có khả năng phạm tội hoặc động cơ phạm tội sâu xa hơn, cũng như không liên quan đến vụ án cũ. Về phía Tôn Thiên Bác, sau khi đến gặp anh ta chúng tôi đã thu được một số thông tin nhất định, khiến Đội trưởng Triệu rất phấn khích.

Những điều thu được cũng hẳn rõ ràng là chứng cứ. Phòng khám của Tôn Thiên Bác cực kỳ sạch sẽ không chút tì vết, hồ sơ bệnh án, cờ hiệu, bao cát, kim tiêm, thuốc bắc, giường ngủ đều được đặt ở vị trí thích hợp, và có hai chậu hoa nhài châu Phi cao ngang người. Có khoảng hơn chục cuốn sổ ghi chép bệnh án với nét chữ viết tay của hai người, người trước viết khá ẩu, người sau viết gọn gàng ngay ngắn, bệnh án được ghi chép chi tiết. Đi ra khỏi nhà trở lại xe, Đội trưởng Triệu hứng thú nói, người họ Tôn này dường như chẳng làm gì sai. Tôi nói, vâng, quá mức hoàn chỉnh. Anh ấy nói, cậu thử nói suy nghĩ của mình xem. Tôi nói, ta phải tìm gặp mẹ anh ta. Đội trưởng Triệu nói, được, việc tìm người không cần đến hai chúng ta trực tiếp ra tay, để cục thực hiện. Để anh gọi điện. Sau khi anh ấy gọi điện xong, hai chúng tôi ngồi trên xe hút thuốc. Tôi nói, Tưởng Bất Phàm để lại gì không? Anh ấy nói, đúng rồi, còn bộ quần áo anh ấy đang mặc lúc đó, mẹ anh ấy vẫn giữ, bộ quần áo còn dính máu và chưa giặt. Bà ấy nói đó là máu của con trai bà, không bẩn. Bà ấy đã chuyển nhà vài lần và vẫn mang theo tất cả. Tôi nói, Đội trưởng Triệu, em muốn xem. Anh ấy nói, đi thôi.

Mẹ của Tưởng Bất Phàm sống cùng con gái lớn ở khu Sa Sơn nằm ở phía tây thành phố, thuộc ngã ba của ba khu vực hành chính, nơi này phát triển tương đối chậm. Cả ba quận đều muốn quản lý nhưng cuối cùng lại không quản lý được và để mặc nơi này. Có một nơi dự định sẽ xây dựng, các ngôi nhà gỗ đã bị phá bỏ, có một cái hố lớn đã được đào, nhưng vẫn không có tòa nhà nào được xây. Mười năm sau ở đó vẫn còn là một cái hố lớn nên nơi đó còn có tên là Sa Sơn Đại Khanh (1). Con gái cả của bà mở một câu lạc bộ mạt chược ở bên cạnh Đại Khanh, nơi này không lớn, có sáu bàn mạt chược và một bếp nhỏ, khách đến chơi có thể gọi cơm rang hoặc mì xào. Khi chúng tôi tới, con gái cả của bà đang đi đón con, và mẹ Tưởng một mình trông coi cửa hàng. Bà đang ngồi ở một bàn và trò chuyện với một trong những ông già. Ông cụ nói rằng lương hưu năm nay tăng lên một trăm lẻ năm tệ, thật là tốt, đến lúc chết cũng có thể mặc thêm một cái quần. Đội trưởng Triệu nói, bác không chơi ạ? Bà quay đầu lại và nói, Tiểu Đông đến chơi đấy à. Tôi đưa bà túi trái cây chúng tôi đã mua, bà nói, tôi già rồi không ăn được mấy đâu, lần sau đừng mua nữa. Đội trưởng Triệu nói, đây là Tiểu Trang. Hãy ra đằng sau nói chuyện. Bà ấy nói, có chuyện gì vậy? Có phải ai đó bị bắt không? Bốn người đang ngồi ở bàn lập tức giương mắt nhìn về phía chúng tôi. Đội trưởng Triệu nói, không phải, chỉ là nói chuyện phiếm, đã lâu rồi chưa ghé thăm bác. Chú ơi, đến lúc hòa rồi, đừng chơi lớn quá, ra đôi ngũ vạn là chết đấy. Mấy ông già cười và tiếp tục chơi bài.

Quần áo của Tưởng Bất Phàm đúng là để ở đây, một chiếc áo khoác nâu, một chiếc áo len màu xanh thẫm, một chiếc áo sơ mi xám, một chiếc áo không tay chơi bóng rổ màu trắng, một chiếc quần âu đen, một chiếc quần vải len màu xanh nước biển, một chiếc quần lót màu xám, một chiếc quần sịp màu xám. Mẹ Tưởng gói nó trong một cái túi, trông giống như một gói đồ ăn vặt. Đội trưởng Triệu nói, hãy để bọn cháu xem lại. Mẹ Tưởng nói, tôi nghĩ, thân thể tôi càng ngày càng kém, năm nay vào ngày mất của Tiểu Phàm tôi sẽ đốt những thứ này cho nó, nếu tôi chết tôi sợ người ta vứt đi. Đội trưởng Triệu nói, tốt, chúng ta hãy kiểm tra đi. Tôi kiểm tra từng món quần áo. Chẳng có gì đặc biệt, vết máu đã chuyển sang màu đen, và những thứ trong túi quần chắc hẳn đã được lấy ra từ lâu. Tôi nói, để em rà lại lần nữa. Đội trưởng Triệu nói, đừng lo lắng, nếu có gì thì vẫn ở đây. Lần thứ hai tôi lật kiểm tra chiếc quần và thấy túi quần bên phải bị rách, tôi sờ dọc theo ống quần và tìm thấy thứ gì đó ở ống quần. Quần có hai lớp. Tôi mượn kéo và rạch chiếc quần ra, có một đầu mẩu thuốc lá bên trong. Tôi lấy đầu mẩu thuốc lá ra xem, trên đầu lọc viết hai chữ: “Bình Nguyên.” Tôi nói, bác ơi, bác có nhớ hồi đó anh Tưởng hút thuốc gì không? Bà ấy nói, là loại Đại Sinh Sản, tôi mua cho nó hai gói một ngày, bây giờ không mua được loại đó nữa. Tôi quay lại và nói với đội trưởng Triệu, phải không? Đội trưởng Triệu nói, phải, anh cũng hút thuốc Đại Sinh Sản, sau đó, loại này ngừng sản xuất, thay vào đó là Hồng Tháp Sơn, rồi tiếp theo là Lợi Quần. Tôi đưa cho anh ấy đầu mẩu thuốc lá và nói, ai sở hữu mẩu thuốc này?

Trên đường quay về, chúng tôi dừng xe một lần, vào tiệm thuốc lá mua một bao Bình Nguyên mới, mở ra lấy cho mỗi người một điếu. Tôi nhìn vào bao thuốc lá và thấy lạ là trên đó vẽ hình một cô bé đang chơi trò “ném xương,” tuy hình vẽ nhỏ và nhìn không rõ mặt nhưng không hiểu sao có cảm giác rất thân thiết. Xem nhãn bao thuốc lá này có thể thấy tay nghề rất tốt. Đội trưởng Triệu nói hút cũng dễ, hồi đó còn có nhiều nhãn thuốc lá khác nhưng hút không dễ, liền biến mất. Tôi nói, hút không dễ ư? Anh ấy nói, phải, thuốc lá khá đắt, và rất ít người hút thuốc. Chúng ta có thể kiểm tra xem loại thuốc lá này có thể chỉ mới xuất hiện trên thị trường vào năm 1995 và có ít người hút. Tôi nói, vậy em hiểu rồi. Anh ấy nói, chà, Lão Tưởng ơi Lão Tưởng, thật tiếc là chúng tôi không biết anh có gì trong túi trong suốt nhiều năm như vậy. Tôi nói, anh đừng tự trách mình, túi bị thủng mà. Anh Tưởng đã hỏi xin kẻ sát nhân một điếu thuốc khi ngồi trong xe, và anh ấy cũng thấy rằng ít người hút loại thuốc này nên sau khi hút xong, anh ấy đã bỏ đầu mẩu thuốc lá vào túi quần. Anh ấy nói rằng rất may mẹ anh ấy không đốt bộ quần áo này, nếu không thì Lão Tưởng đã chết một cách vô ích. Tôi nói, không, sẽ không có ai chết một cách vô ích.

Đội trưởng Triệu chủ trì một cuộc họp vào ngày hôm sau, anh ấy không báo cáo việc tìm thấy đầu mẩu thuốc lá bởi vì nó liên quan đến những sai lầm trong quá khứ, chờ có kết quả cũng không muộn. Anh ấy chủ yếu đề cập đến hai việc: một là theo dõi chặt chẽ Phòng khám Trung y nhà họ Tôn, không được phép gián đoạn trong suốt 24 giờ một ngày; hai là phải tìm ra tung tích mẹ của Tôn Thiên Bác càng sớm càng tốt. Sau khi theo dõi sát sao suốt một tuần, tại phòng khám của nhà họ Tôn không có động tĩnh gì, không có bệnh nhân nào khả nghi, Tôn Thiên Bác cũng không bỏ trốn, mà lại tìm thấy mẹ của Tôn Thiên Bác. Bà ta tên là Lưu Trác Mĩ, hiện tại bà đang mở một quán bán đồ ăn nhanh Tứ Xuyên gần đường vành đai 4 phía đông quận Triều Dương, Bắc Kinh, nơi bà ta bán mì, súp cay và nộm cay. Người đàn ông là chủ quán quê ở Tứ Xuyên, hồi đó ông ta đi khắp các đường ngang ngõ tắt ở thành phố này, đẩy một chiếc xe đẩy rộng hai mét vuông có gắn tấm nhựa ở cả bốn mặt, bên trong có một cái nồi quanh năm sôi sùng sục bốc khói nghi ngút. Bà ta thường ăn ma lạt thang (2) mà ông ta bán. Sau khi Tôn Dục Tân bị cho thôi việc, bà ta đã theo ông ta bỏ trốn.

Đội trưởng Triệu và tôi ngay lập tức bay đến Bắc Kinh trong đêm. Vào thời điểm đó Bắc Kinh đang tổ chức Thế vận hội và thật lộn xộn, hai cảnh sát thực địa chúng tôi cũng bị kiểm tra nhiều lần. Khi chúng tôi đến quán ăn nhỏ đó thì cũng đã mười giờ tối, quán không có khách, vài người phục vụ quây quần bên một nồi mì vừa ăn vừa xem truyền hình trên chiếc TV nhỏ treo trong góc. Có một cái lồng chim bị che phủ một nửa, trông cũng xập xệ, như thể đã bị xé làm đôi. Chúng tôi xem lại ảnh và nhìn thấy Lưu Trác Mĩ đang ngồi bên một trong những chiếc bàn ở phía sau và xem sổ sách, tay trái cầm điếu thuốc. Mỗi lần mở một trang, bà ta lại lấy ngón tay đang cầm điếu thuốc để nhấm nước bọt. Tóc bà ta đã hoa râm, dù đã nhuộm tóc nhưng giữa những sợi tóc nhuộm đen vẫn đầy những sợi tóc trắng. Sau khi chúng tôi giải thích mục đích của mình, bà ta không hoảng sợ mà nói với những người phục vụ rằng hãy nghỉ sớm đi, và nói rằng bà ta muốn trò chuyện vui vẻ với chúng tôi. Bà ta nói, đồng hương à, dù giọng tôi đã pha tiếng, nhưng đồng hương vẫn là đồng hương. Chồng bà ta từ bếp ở đằng sau bước ra, ông ta là một người đàn ông trung niên thấp bé, đi một đôi giày thể thao Anta có phần mũi giày đã rách toạc. Ông ta pha cho chúng tôi một ấm trà, và bà ta nói, anh có thể về nhà trước được không? Đội trưởng Triệu nói, đúng vậy, tôi chỉ chủ yếu hỏi chuyện bà thôi. Bà ta nói, quay trở lại nói chuyện nào. Người đàn ông bước ra khỏi cửa nhưng không đi mà ngồi xổm ở ven đường, quay lưng về phía chúng tôi hút thuốc.

Đội trưởng Triệu nói, bà bỏ đi khi nào? Bà ta nói, vào ngày 8 tháng 10 năm 1994. Đội trưởng Triệu nói, hãy nói về những gì đã xảy ra. Bà ta cho biết, Lão Tôn đã bị cho nghỉ việc vào đợt sa thải nhân viên đầu tiên, ông ta từng làm thợ mộc trong một nhà máy chế tạo máy kéo. Sau khi bị cho nghỉ việc, ông ấy muốn mở phòng khám. Lúc đó ông ấy được trợ cấp một cục khi về hưu non, nhưng tôi phản đối việc mở phòng khám này, phải thuê nhà, mua đồ đạc, đầu tư quá nhiều, hơn nữa tay nghề thủ công của ông ấy khá ổn. Nếu phòng khám thực sự được mở cửa thì có lẽ một ngày nào đó nó cũng sẽ bị đóng cửa thôi. Nếu ông ấy không làm việc, tôi sẽ không đưa cho ông ấy tiền. Tôi cầm sổ tiết kiệm của chúng tôi, vì vậy ông ta đánh đập tôi. Tôi với ông ấy hay lục đục, ông ấy hay đánh tôi và tay ông ta rất khỏe. Lúc đó tôi thân thiết với Tiểu Tứ Xuyên, tôi hỏi anh ấy liệu anh có muốn đưa em đi thật xa không, em có một ít tiền đây. Anh ấy nói, kể cả nếu em không có tiền, hãy cùng ra đi. Vào sáng ngày 8 tháng 10, hôm đó là ngày nghỉ, Lão Tôn không có nhà, tôi nấu cơm cho Thiên Bác, nhìn thằng bé ăn cơm và hỏi nó rằng nếu một ngày nào đó mẹ không không muốn ở cùng với cha con nữa, thì con đi với cha hay đi với mẹ? Nó nói, theo cha. Sau đó tiếp tục ăn. Vào buổi chiều, tôi lấy sổ tiết kiệm của mình và bỏ trốn.

Đội trưởng Triệu nói, thế là rõ rồi, ngày 24 tháng 12 năm 1995 thì bà không còn ở quê nhà nữa. Bà ta nói, năm 95 à? Lúc đó chúng tôi đang làm việc ở Thâm Quyến. Đội trưởng Triệu nhìn tôi và nói rằng phòng khám của họ bây giờ đang hoạt động tốt, con trai của bà đã kế thừa, còn Lão Tôn đã qua đời. Gương mặt bà ta vô cảm, nói rằng từ ngày tôi bỏ đi, tôi không còn liên quan gì đến họ nữa. Thiên Bác là một đứa trẻ hiểu chuyện từ khi còn nhỏ. Sau một hồi ngập ngừng, bà ta nói, nó lấy vợ chưa? Đội trưởng Triệu nói, chưa. Bà ta nói, à ra vậy. Tôi nói, lúc đó bà lấy hết tiền của gia đình mang đi à? Bà ta nói, phải, tôi thậm chí còn lấy cả tiền ông ấy đem về, vì vậy tôi đã bỏ mười tệ vào túi của Thiên Bác. Tôi nói, phòng khám mà ông ấy mở thì sao? Cha mẹ ông ấy có cho tiền không? Bà ta nói rằng điều đó là không thể, cha mẹ ông ấy đã mất từ lâu, anh chị em lại còn khó khăn hơn ông ấy. Tôi nói, vậy ông ta lấy tiền ở đâu? Bà ta nói, làm sao tôi biết được? Tôi nói, nhờ bà cố nhớ lại xem. Bà ta nghĩ một lúc và nói rằng ông ấy có một người bạn luôn rất tốt với ông ta, nếu có thể vay tiền ai thì chính là người đó. Hai người họ quen nhau từ khi còn nhỏ, cùng về nông thôn, quay lại thành phố, vào nhà máy. Người đó tốt, một người vững vàng, tôi không biết giờ ông ta đang làm gì. Tôi nói, tên ông ta là gì, bà còn nhớ không? Bà ta nói, ông ta họ Lí, còn tên là gì nhỉ? Ông ta có một đứa con gái, vợ ông ta đã chết, và ông ta nuôi con. Tôi nói, bà hãy cố nhớ lại xem, tên là gì. Bà ta nói rằng người đó dường như mang họ Lí, và cái tên thì thực sự rất khó nhớ, con gái của ông ta rất trầm lặng và có thể đọc thuộc lòng rất nhiều bài Đường thi Tống từ (3). Cô bé nói rằng có một người hàng xóm đã dạy cô bé. Tôi găp cô bé từ khi cô bé còn nhỏ, tên cô bé là Tiểu Phỉ.


(1) 坑 (tiếng Trung trong nguyên bản): “khanh” có nghĩa là cái hố.

(2) Ma lạt thang (麻辣烫, malatang, spicy hot pot): món lẩu cay đường phố phổ biến ở Trung Quốc, có nguồn gốc từ Tứ Xuyên.

(3) Đường thi (thơ Đường) và Tống từ (bài từ đời Tống) là hai thể loại văn chương điển hình của văn học Trung Quốc cổ đại. Nói về văn học Trung Quốc cổ đại thì thường nhắc đến Hán phú, Đường thi, Tống từ, Nguyên khúc.

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

%d bloggers like this: