
Dịch sang tiếng Việt bởi Lục Hương @ Hạo Nhiên Chi Khí
Mình đã dịch một số bài review phim “Tứ Hải” đăng trên page ở Facebook, sẽ tổng hợp lại đăng trên WordPress.
REVIEW PHIM “TỨ HẢI” CỦA NHÀ VĂN QUAN ĐÔNG DÃ KHÁCH
Quan Đông Dã Khách (关东野客) là nhà văn trẻ nổi tiếng, nhà phê bình văn học, giám đốc kế hoạch xuất bản. Anh đã có một số tác phẩm được xuất bản ở Việt Nam như “Sáng hoan ca, chiều thưởng rượu” và “Tôi có câu chuyện, bạn có rượu không?”.

Hãy nói về chuyện tranh cãi xung quanh bộ phim “Tứ Hải” trong hai ngày qua, những độc giả quen biết tôi cơ bản đều biết tôi là độc giả từ sớm của Hàn Hàn, tôi không bao giờ che giấu sự cảm kích của mình đối với anh ấy, kể cả lý do dấn thân vào con đường của văn chương cũng bị ảnh hưởng bởi anh ấy.
Tôi đã xem từng cuốn sách, từng bộ phim của Hàn Hàn. Chỉ là tôi rất ít khi bày tỏ ý kiến của bản thân, tôi luôn cho rằng việc thích cái gì đó là chuyện rất riêng tư, không thích chia sẻ cảm xúc cá nhân.
Suy cho cùng, điều tôi yêu thích cũng có thể là điều bạn không thích, nên tôi không bao giờ viết review phim điện ảnh hay phim truyền hình, nhiều nhất tôi chỉ nói “Phim hay, khuyên mọi người nên xem.”
Không có cái gọi là sự đồng cảm. Vì vậy, không có cách nào cưỡng ép chất chồng cảm xúc lên bất cứ ai, nhưng sách, phim và âm nhạc thì có thể, và những thứ này đều dựa trên cảm xúc và sự hiểu biết của cá nhân, và cuối cùng thể hiện sự phán xét bên trong của trái tim.
Vì vậy, nhiều người nói rằng những thứ tệ có thể không thực sự tệ, và nhiều thứ tốt có thể không thực sự tốt. Cũng giống như câu này, nó cũng vô nghĩa.
Nhưng có một điều chắc chắn là tốt xấu ai cũng có nhận định riêng, không cần ép buộc thay đổi sở thích của đối phương, chỉ cần tôn trọng. Không cần thiết phải cãi vã với nhau.
Nói nhiều như vậy, nhưng quan điểm tôi muốn bày tỏ là bây giờ không phải là thời đại của sự hiểu biết. Hàn Hàn là nhà văn kiêm đạo diễn sinh năm 1980. Độc giả hiểu được cảm xúc của anh ấy, nhưng bây giờ lực lượng tiêu dùng chính là những người sinh sau năm 90 hoặc sau 00. Đa số đều chưa đọc một vài cuốn sách của anh ấy, thậm chí còn chưa đọc một cuốn nào, huống chi là những bài viết của Hàn Hàn trong thời đại viết blog.
Vì vậy, phong cách của anh ấy, sự hài hước và những gì anh ấy muốn thể hiện đều rất riêng, Hàn Hàn không phải là một đạo diễn chuyên nghiệp. Vì vậy, những người thích phong cách của anh ấy sẽ rất thích, còn những người không thích thì rất khó hiểu.
Tôi không muốn nói về bầu không khí trên Internet hiện nay, ai cũng hiểu căn bản không có cá nhân suy nghĩ độc lập. Đạo đức cá nhân vững chắc hơn bao giờ hết, không ai được phép có bất cứ khuyết điểm nào, phải phù hợp với tam quan của cư dân mạng theo mọi hướng. Soi vào các khuyết điểm bằng kính lúp và kính hiển vi, không ai có thể chịu được sự soi mói so sánh như vậy, chứ đừng nói đến một bộ phim.
Tôi không muốn bình luận về việc đúng hay sai của việc chọn diễn viên, đó là việc của đạo diễn, còn là việc của tư bản đầu tư vào phim, tôi chỉ nghĩ rằng tâm lý của sự thích ứng đám đông trong thời đại này quá mạnh. Nhiều người không có đủ thời gian và kiên nhẫn để tìm hiểu quá khứ của một đạo diễn và cách thể hiện cảm xúc của anh ta.
Vì ai cũng nói là phim này tệ nên mình sẽ xem thực hư thế nào, khi các bạn xem phim này với tâm lý là bộ phim này tệ, thì thật khó mà phim lại không trở thành tệ.
Nhưng tôi tin rằng tất cả những độc giả đã từng đọc sách của Hàn Hàn sẽ hiểu về bộ phim này. Nhưng như tôi đã nói ở trên, tôi không muốn bày tỏ việc thích hay không thích bộ phim.
Tất cả những gì tôi có thể nói là Hàn Hàn đã biến những câu chuyện bất thành văn của mình thành những hình ảnh, và qua những hình ảnh đó, những dòng chữ hiện lên trong đầu tôi.
Hàn Hàn không còn trẻ, và tôi cũng không còn phù phiếm nữa. Đó chỉ là sự thấu hiểu của một trung niên đối với một trung niên khác. Nó thuộc về sự hiểu biết lẫn nhau của những người thuộc thế hệ 8x. Phim có hay hay không không liên quan gì đến tôi, tôi chỉ mong mọi người sống chậm lại một chút và lắng nghe những tâm sự thầm kín của mình hơn là nghe theo sự phán xét của người khác.
Những người đã qua đời trong phim không phải là những người xui xẻo, rất có ý nghĩa để những người còn sống trân trọng cuộc sống hiện tại.
Cuối cùng, tôi muốn nói vài lời với Hàn Hàn. Anh đã không quan tâm đến nhận xét đánh giá của người khác từ khi anh còn trẻ. Bây giờ, anh có lẽ cũng sẽ không nói nhiều về những bình luận này. Anh đã hoàn thành tác phẩm này và mong đợi bộ phim tiếp theo của anh.
Thêm một câu nữa. “Phim rất hay, tôi khuyên mọi người nên xem.”
[REVIEW PHIM “TỨ HẢI”] CUỘC SỐNG ĐẦY ĐAM MÊ: GIA ĐÌNH, TÌNH BẠN, TÌNH YÊU VÀ ĐUA XE
Review của nữ sĩ Lý Ngân Hà (李银河), nhà xã hội học nổi tiếng, vợ của nhà văn quá cố Vương Tiểu Ba.

“Sau khi xem bộ phim “Tứ Hải” của đạo diễn Hàn Hàn, ấn tượng sâu sắc nhất chính là các nhân vật trong phim vừa nhiệt huyết, vừa có cảm xúc sâu sắc với cuộc sống.
Theo nguyên tắc số Dunbar, trung bình tất cả mọi người trên thế giới có 148 người quen, 50 người bạn, 15 người có mối liên hệ gần gũi và 5 người bạn thân. Ngoài 148 người này, không có một tâm hồn nào khác giao thoa với nhau, chỉ có 5 người thực sự khiến bạn bận tâm và lưu luyến. Vì là số trung bình nên một số người sẽ ít hơn (người xưa nói rằng: những người biết tôi chỉ có hai hoặc ba người (T/N: câu thơ “知我者,二三子” trong bài “贺新郎·甚矣吾衰矣” của Tân Khí Tật, nhà thơ nổi tiếng thời Tống)) và một số người có thể nhiều hơn, nhưng sẽ không đạt đến mức số có hai chữ số. Tuy nhiên, chính những người này lại bao trùm lên tất cả đời sống tình cảm của một con người, trong đó quan trọng nhất là ba cung bậc cảm xúc: gia đình, tình bạn và tình yêu.
Dấu ấn đậm nét trong phim là mối quan hệ gia đình: tình cha con, tình bà cháu. Tình cảm vừa ấm áp lại vừa lạnh lùng. Bà nội khiển trách cháu trai, nhưng lại dùng nhiều tiền để mua chiếc xe máy yêu quý cho cậu; cháu trai chăm sóc chu đáo chiếc xe trước mặt bà và không bao giờ bỏ cuộc; người cha bỏ đi nhiều năm không thể nhận ra đứa con đã lớn; đứa con trai làm việc chăm chỉ và từ chối hỗ trợ tài chính của cha mình. Có cả ấm ức đến nao lòng và buồn vui lẫn lộn, mối quan hệ gia đình cứ vương vấn, yêu ghét, khiến người ta khóc, người ta cười, người ta vui, người ta buồn, và làm cho người ta cảm thấy bất lực.
Bộ phim cũng có một cách diễn giải tốt về tình bạn: anh trai của Hoan Tụng ban đầu khinh thường và chỉ trích A Diệu, tỏ ra kén chọn hết mức có thể, cho đến lúc thành thực chấp nhận và sự và chân thành sau khi trở thành bạn, anh ấy đã thành công tạo nên một tình bạn đáng mến. Mặc dù cả hai đều không hoàn hảo và có khuyết điểm, nhưng tình bạn giữa họ có thể coi là hoàn hảo.
Tình yêu là tuyến chính của phim: tình yêu thầm lặng giữa A Diệu và Hoan Tụng. Dù bên ngoài không có những nụ hôn say đắm hoặc tiếp xúc thân mật, tình cảm giữa họ là dòng chảy ngầm mãnh liệt. Anh âm thầm trả món nợ khổng lồ cho cô, cô đã bí mật lấy lại cho anh chiếc xe máy có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với anh. Cuối cùng, ở đoạn kết cuốn tiểu thuyết “Món quà của nhà thông thái” (The Gift of the Magi) của O’Henry đã xuất hiện và được đặt bên cạnh chiếc gối của A Diệu. Cuốn sách này ngụ ý rằng hai người đang dành tình cảm cho nhau và xác nhận tình yêu của họ dành cho nhau, đã tạo ra một ấn tượng sâu sắc cho khán giả.
Phim còn có những cảnh đua xe theo phong cách đặc trưng của Hàn Hàn. Đua xe có vẻ hơi xa lạ trong tâm lý xã hội Trung Quốc, trong phim Hollywood có rất nhiều cảnh đua xe (ô tô, mô tô), mang hương vị hoang dã của núi và sóng dữ. Một mặt, nó thể hiện bản chất nguyên thuỷ, hoang dã và xù xì của con người, mặt khác, đó cũng là hiệu ứng quảng cáo thiết thực của ngành công nghiệp ô tô, vốn có vẻ hơi lạc điệu với sự nhẹ nhàng, lịch sự và tằn tiện ở vùng nông thôn Trung Quốc. Tuy nhiên, rốt cuộc thì bản chất con người cũng có mặt giống nhau. Khi Trung Quốc dần bước vào quá trình công nghiệp hóa, con người ngày càng bị thu hút bởi các môn thể thao mạo hiểm như đua xe, và cảm nhận được sự phấn khích, sảng khoái của adrenaline chảy trong huyết quản. Đối với thế hệ trẻ sống trong thời đại xã hội thay đổi nhanh chóng ngày nay ở Trung Quốc, những yếu tố như vậy không chỉ ngày càng thu hút họ mà thậm chí có thể ảnh hưởng tinh tế đến tâm lý xã hội và tính cách dân tộc của người Trung Quốc.
Romain Rolland từng nói: “Chỉ có một chủ nghĩa anh hùng thực sự trên đời, đó là vẫn yêu đời sau khi nhận ra chân lý của cuộc đời.” “Tứ Hải” là một bộ phim lấy cốt lõi là sự ấm áp và hàn gắn. Các nhân vật trong phim đều là những con người nhỏ bé đang vật lộn ở đáy xã hội: ông chủ nhỏ mắc nợ, người phiên dịch kém cỏi, nhân viên bảo trì nói dối về việc sở hữu một ngôi biệt thự cao tầng, người phục vụ nhà hàng nói dối về việc tìm được việc làm để an ủi người yêu, chàng trai si tình làm nghề biểu diễn mô tô mạo hiểm vì yêu đã liều mình biểu diễn tiết mục bay qua sông Châu Giang. Cuộc sống của họ tưởng chừng ảm đạm, nhưng sự lao động chân chính và tình yêu thương nồng nàn đã thắp sáng cuộc đời họ như một ngọn đèn sáng. Dù sự thật cuộc đời thật ảm đạm, vất vả và nhiều khổ đau nhưng các nhân vật trong phim vẫn rất yêu đời. Cuộc sống của họ, tình yêu của họ, là những bông hoa nở trên mảnh đất hỗn loạn đó, hương thơm của lòng dũng cảm thực sự.”
[REVIEW PHIM “TỨ HẢI”] NGÔ NHÂN DIỆU, CHÀNG TRAI LUÔN CÓ CẢM GIÁC CÔ ĐƠN
Review của movie blogger 董小姐聊电影, quản lý rạp chiếu phim, đại V trên Weibo
Xếp hạng của tôi: 4.5 ⭐️

Bộ phim “Tứ Hải” của Hàn Hàn có khí chất thơ văn tản mạn của bộ phim “Hậu hội vô kỳ,” không theo đuổi những thăng trầm của câu chuyện, mà để lại nhiều tiếng thở dài hơn trong cuộc sống. Tôi rất thích bộ phim này.
Khi còn trẻ, kết bạn với mọi người thật sự rất dễ dàng, khi tình cờ gặp nhau, chúng tôi đều tỏ ra chân thành với nhau, dù đó là bạn bè hay người mà ta thích. Hơn nữa, Ngô Nhân Diệu là một chàng trai trẻ luôn có cảm giác cô đơn ngay cả từ cái tên của mình.
Đây không phải là một câu chuyện truyền cảm hứng. Ngay từ khi bắt đầu làm phim, Hàn Hàn đã không muốn làm phim về tuổi trẻ theo đuổi thành công. Điều anh muốn nói đến là cuộc đời thường hay vô thường và bình phàm, dù tia lửa cuộc đời có rực rỡ đến mấy cũng có thể tan biến trong nháy mắt. “Công việc có hoàn thành tốt hay không thì cũng như nhau,” vậy thì mục đích của làm việc chăm chỉ là gì? Đối với Ngô Nhân Diệu, tất cả những gì anh ấy muốn là dẫn cô gái mình thích đi bắt cua trên những tảng đá ở bờ biển.
Tôi đặc biệt thích cảnh này trong phim: cô gái và chàng trai không thể vào phòng khách sạn, cô gái ngồi trên lối đi của khách sạn và kể về ngôi nhà sẽ như thế nào, và mọi chi tiết của ngôi nhà mà cô ấy tưởng tượng giống như phòng khách sạn đằng sau bức cửa đối diện, nhưng bọn họ rốt cuộc vẫn không vào trong phòng khách sạn, cô gái còn tưởng rằng trên đời này không có ngôi nhà như cô ấy tưởng tượng ra. Cuộc sống nhiều khi là như vậy, hạnh phúc chỉ còn cách một cánh cửa, nhưng chúng ta lại không thể mở cửa ra vào lúc đó. Ngô Nhân Diệu rốt cuộc cũng không thể đi bắt cua với người con gái mình yêu. Hạnh phúc giản dị giống như cát mịn trong tay anh, dù cố gắng thế nào cũng không thể nắm giữ được.
Lưu Hạo Nhiên có khí chất phóng khoáng và dễ gần. Khí chất này được thể hiện trong vai người lái mô tô trong tác phẩm này của Hàn Hàn làm tăng thêm cảm giác lãng du và nổi loạn. Đây là điều chưa từng thấy trong các tác phẩm trước đây của cậu ấy, và tôi rất vui khi thấy sự thay đổi này ở cậu ấy. Cậu ấy có thể (đóng phim) vừa thương mại vừa văn nghệ, trong tác phẩm của Hàn Hàn, cậu ấy đặc biệt có thể dung hòa hai yếu tố này.
[Hashtag “大V荐电影” (Phim điện ảnh đại V khuyên xem)]
REVIEW PHIM “TỨ HẢI” CỦA ĐẠO DIỄN TRÌNH THANH TÙNG
Đạo diễn Trình Thanh Tùng (导演程青松) là nhà sản xuất và lên kế hoạch cho tập san “Cẩm nang phim thanh xuân,” và là người sáng lập giải thưởng Cây chổi vàng.

Hàn Hàn là nhà văn kiêm đạo diễn. Qua các tác phẩm của anh, chúng ta có thể nhận thấy một tính cách của tác giả được thể hiện mạnh mẽ: một chút nổi loạn, một chút độc đoán, một chút sắc sảo, một chút dịu dàng và buồn bã.
Với những người sinh sau năm 80 đến sau năm 00, các tác phẩm của anh đã có sức ảnh hưởng đến sự phát triển của nhiều thế hệ thanh niên. Mỗi một lần có tác phẩm mới đều thấm đẫm khí chất thanh xuân mãnh liệt, khiến người ta phải tán thưởng tự đáy lòng: “Người hiểu ta rốt cuộc lại ở đây!”
Về bản chất, “Tứ Hải” vẫn là câu chuyện theo đuổi ước mơ. Sau khi đến Quảng Châu, nam nữ chính đang nỗ lực để thực hiện ước mơ và nhận ra giá trị bản thân. Bánh xe quay và bụi bay mang theo tình yêu và ước mơ của họ.
Tuy nhiên, Hàn Hàn lần này lại đưa vào tác phẩm sự thể hiện mang tính hiện thực tàn nhẫn hơn. Anh ấy gác lại câu chuyện cá nhân mà anh ấy thường nói về bản thân mình, và đề cập đến sự nghiền nát và vò xé đối với các cá nhân bởi môi trường, giai cấp và thậm chí là thời đại.
Tôi rất thích “Tứ Hải.” Đây là một bộ phim vừa cảm động vừa lãng mạn.
Diễn xuất của Lưu Hạo Nhiên đã tiến bộ rất nhiều.
Diễn xuất của Lưu Hạo Tồn vẫn cần phải rèn luyện chăm chỉ.
Ngô Ngạn Xu và Triệu Tử Kỳ có rất ít cảnh và diễn rất chính xác.
REVIEW PHIM “TỨ HẢI” CỦA LÍ BÁT THẦN ( 里八神), BIÊN KỊCH PHIM “DƯƠNG DANH LẬP VẠN”

Khi đọc kịch bản, tôi đã rất thích “Tứ Hải,” xem xong phim tôi lại càng thích. Năm 1988, Hàn Hàn lão sư muốn nói chuyện với thế giới (T/N: tên một tiểu thuyết của Hàn Hàn “1988 – Tôi muốn nói chuyện với thế giới”). Trong “Tứ Hải,” Hàn Hàn lão sư mời Lưu Hạo Nhiên cùng nâng ly với Lưu Hạo Tồn và Doãn Chính, tốc độ của hòn đảo phương nam này đã đưa ra bao bóng hình dĩ vãng, tình yêu thuần khiết của tuổi trẻ còn thơm mùi sữa và vị ngọt ngọt chua chua. Sau nhiều lần khắc cốt ghi tâm, sự sống và cái chết đưa chúng ta đến thẳng ngọn nguồn cảm xúc và khiến chúng ta quay cuồng. Cứ tưởng tiếng cười và nước mắt là đủ, nhưng không ngờ ta lại lên đường thực hiện một chuyến đi dài và bước vào một vùng đất xa lạ lộng lẫy, và thế giới bên ngoài sẽ mở ra. Cảnh ban đêm được quay với một cảnh pháo hoa hoành tráng. Anh và em đã từng mơ tưởng sự dài lâu, và chỉ sau khi bị lóa mắt ta mới nhận ra rằng ánh đèn chiếu sáng cảnh vật chứ không phải ban đêm, huống chi là anh và em. Chúng ta là người chơi và NPC (T/N: non-player character), nhân vật chính và nhân vật phụ. Thật sự, đáy biển là thế giới của rồng, bầu trời là quê hương của loài chim không chân.
Từ tiêu đề, tôi cảm thấy một hương vị lạnh lùng và xa cách, và kết thúc của phim đúng như tôi mong đợi. Cuộc hành trình dài đã kết thúc kể từ khi chúng ta đặt câu hỏi cho các vì sao, và sự vô biên sẽ trở thành chướng ngại vật không thể vượt qua của chúng ta.
Cảm xúc dâng trào sau khi đọc kịch bản lúc đầu, tất cả lại ập đến khi xem phim. Tôi thích kiểu tình yêu lãng mạn này và tôi rất thích “Tứ Hải.” Tôi xin nhiệt liệt đề xuất mọi người nên ra rạp để trải nghiệm.