Dịch sang tiếng Việt bởi Lục Hương @ Hạo Nhiên Chi Khí
MỘT NGƯỜI BỊ BUỘC PHẢI TRƯỞNG THÀNH

Nhân vật tôi đóng trong “Lang Gia Bảng 2” tên là Tiêu Bình Tinh, cậu ấy là mẫu người mà tôi hy vọng sẽ trở thành.
Tiêu Bình Tinh là một người bị buộc phải trưởng thành. Cho dù đó có phải là lỗi của cậu ấy hay không, nếu có vấn đề gì xảy ra xung quanh cậu ấy, cho dù cậu ấy buộc phải gánh vác những gánh nặng đó, cậu ấy sẽ tìm cách chấp nhận, mang gánh nặng trên vai mình.
Cậu ấy không phải là người sẽ đổ lỗi cho người khác, cũng không phải là người luôn kêu trời vì sự bất công.
Khi anh trai của Tiêu Bình Tinh qua đời, cậu ấy buộc mình phải tiếp nhận vai trò của anh trai: bảo vệ gia đình họ, bảo vệ quốc gia của họ. Cậu ấy cũng chấp nhận rằng các luật lệ triều đình đã dẫn đến cái chết của cha cậu, và làm mọi điều trong khả năng của mình để giải quyết các vấn đề tồn đọng sau khi cha cậu qua đời.

Trong bộ phim, có một nhân vật khác cũng phải đối mặt với hoàn cảnh tương tự, và người đó cũng có xuất thân tương tự (T/N: Tiêu Nguyên Kỳ, nhân vật phản diện trong phim). Khi đối mặt với câu hỏi, “Anh đã làm mọi thứ cho hoàng gia và triều đình, nhưng họ không tin anh,” Tiêu Bình Tinh đã lựa chọn chấp nhận sự trừng phạt của triều đình, trong khi người còn lại quyết định đi theo một con đường hoàn toàn khác.
Khi Tiêu Bình Tinh lần đầu tiên nhận mọi trách nhiệm, đó không phải chỉ vì cảm giác tội lỗi mà còn vì những người xung quanh cậu ấy. Chính những người thân thiết nhất đã tiếp thêm sức mạnh cho cậu ấy. Và chính gia đình và quốc gia cũng đã cho cậu ấy đủ sự động viên và nghị lực để gánh vác mọi thứ.
Từ một thiếu niên vô lo vô nghĩ còn vụng dại thiếu sót đến một vị tướng trẻ đã trải qua sinh tử, người bị cuộc sống buộc phải gánh những trách nhiệm không thuộc về mình – điều đáng ngưỡng mộ nhất về Tiêu Bình Tinh là khả năng chịu đựng của cậu ấy.
Dù bị bắt buộc phải trưởng thành nhưng tôi nghĩ cậu ấy chắc chắn đã có những lúc cảm thấy bị hiểu lầm, có những lúc cậu ấy ngập tràn uất hận và căm ghét. Nhưng cậu ấy vẫn sẵn sàng chấp nhận gánh vác vận mệnh nặng nề mà số phận đặt lên vai cậu, và đứng lên để bảo vệ tất cả những người mà cậu yêu thương.
VỊ TƯỚNG QUÂN TRẺ TUỔI
Trong quá trình quay “Lang Gia Bảng 2,” những đoạn để lại ấn tượng lớn nhất với tôi là những cảnh quay với Tôn Thuần lão sư. Trong phim, ông đóng vai phụ thân của Tiêu Bình Tinh, Tiêu Đình Sinh, và là một vị vương gia đầy quyền lực trong triều đình. Cảnh trong phim mà tôi nhớ nhất là một trong những bước ngoặt quan trọng của bộ phim truyền hình này.
Bối cảnh của cảnh này là vị hoàng đế tiền nhiệm vừa mới qua đời và trước khi qua đời ngài đã nhờ Tiêu Đình Sinh, người giống như huynh đệ với mình, giúp đỡ và hỗ trợ vị hoàng đế trẻ còn đang ở độ tuổi thiếu niên. Vì vậy vai trò của Tiêu Đình Sinh là một người rất quyền lực – và do đó, có nghĩa là Tiêu gia, bao gồm cả Tiêu Bình Tinh, dễ dàng bị coi là mối đe dọa trong cuộc chiến chính trị.
Khi Tiêu Bình Tinh đi bảo vệ Bắc cảnh (biên giới phía Bắc), Lang Gia Các huyền bí và bí ẩn đã gửi cho chàng một tin nhắn về ngày sẽ diễn ra hiện tượng nhật thực. Đó cũng là thời điểm một quốc gia thù địch đưa một đội quân 200,000 người đến tấn công Lương quốc trong khi đất nước đang ở trong giai đoạn để tang vị tiền hoàng đế.
Thời cổ đại, mọi người rất tin vào “các dấu hiệu từ trên trời” và nhật thực được coi là điềm báo của sự xui xẻo. Sau khi suy nghĩ một ngày trời, Tiêu Bình Tinh quyết định sử dụng hiện tượng nhật thực này để gây bất ngờ cho quân địch và buộc chúng phải rút lui.
Đó là một trận chiến rất quan trọng, bởi vì nếu nhà Lương có thể xóa sổ quân địch, biên giới phía Bắc sẽ an toàn trong mười năm, thậm chí có thể là hai mươi năm tiếp theo. Suy nghĩ của Tiêu Bình Tinh rất đơn giản – chàng chỉ muốn buộc kẻ thù phải rút lui.
Nhưng đối với những quyền thần trong triều đình, việc sử dụng vũ lực quân sự trong thời gian để tang là điều cấm kỵ. Tiêu Bình Tinh là người không bao giờ nghĩ đến những tranh đấu cung đình phức tạp, cũng như không tham gia vào các vấn đề chính trị diễn ra ở đó. Nhưng phụ thân của chàng, Tiêu Đình Sinh, bị kẹt giữa khoảng thời gian để tang trong triều và việc chiến tranh.
Tiêu Đình Sinh ý thức rõ về hậu quả – ông biết cái giá mà Tiêu gia sẽ phải trả sau trận chiến này. Nhưng nếu trận chiến không diễn ra, cả vương quốc sẽ phải trả một cái giá còn lớn hơn. Bị giằng xé giữa những mâu thuẫn của gia đình, đất nước và thiên hạ, Tiêu Bình Tinh cuối cùng đã ra chiến trường với sự động viên của phụ thân.
Điều này vẫn được coi là sự bất tuân mệnh lệnh, vì vậy sau trận chiến, triều đình đã ra lệnh đưa chàng trở lại kinh đô để nhận trừng phạt. Tình huống thực sự rất thú vị – bản thân chàng cũng đã lên kế hoạch quay lại, với suy nghĩ rằng “các người không cần phải ép buộc ta, ta nhất định sẽ quay trở lại.”

Đây cũng là lần đầu tiên chàng quay về nhà sau hơn một năm. Chàng đã không gặp phụ thân kể từ khi huynh trưởng qua đời và chàng muốn gặp ông.
Khi Tiêu Bình Tinh về nhà để gặp phụ thân, đó là bước ngoặt trong quá trình trưởng thành của nhân vật. Ban đầu, khi chàng mới rời nhà, chàng là một thanh niên quyết định gánh vác trách nhiệm của huynh trưởng để lại. Chàng đã ép buộc bản thân sử dụng các phương pháp của riêng mình để giải quyết vấn đề.
Nhưng khi quay về nhà, chàng là một vị tướng quân trẻ tuổi đã vào sinh ra tử. Chàng là một thống soái đã từng tham chiến. Chàng đã trưởng thành, vững vàng và bắt đầu có dáng dấp tương tự huynh trưởng. Nhưng thực sự là, chàng đã cố gắng hết sức để trở thành người giống như huynh trưởng, để trưởng thành và đáng tin cậy như huynh trưởng.
Khi Tiêu Bình Tinh về nhà, chàng quỳ trước mặt phụ thân, không nói tiếng nào vì chàng biết mình đã mắc sai lầm. Nhưng phụ thân đã nói với chàng, “Đứa con ngoan của ta, đứng dậy đi. Phụ thân tự hào về con.” Đó là tình huống và lời thoại lúc đó, và khi chúng tôi diễn đến cảnh này, tôi đột nhiên bắt đầu khóc. Áp lực trong lòng như bóp nghẹt tôi.
Chúng tôi đã quay cảnh đó vào buổi chiều. Trong bữa trưa, khi tôi đang xem lại kịch bản, Tôn Thuần lão sư đã ghé qua chỗ tôi và nói: “Hạo Nhiên, cậu nghĩ cậu (nhân vật) cảm thấy thế nào trong cảnh chúng ta sẽ quay chiều nay?” Tôi đã nói rất nhiều, bao gồm cả việc tôi nhớ cha mình như thế nào, tôi cảm thấy tội lỗi như thế nào vì đã làm mọi việc rối tung lên.
Nhưng Tôn Thuần lão sư đã nói: “Lời giải thích của cậu dài quá. Nếu cậu chỉ dùng hai từ để diễn tả cảm xúc của mình trong cảnh này, thì đó là gì?” Tôi thực sự đã nghĩ về điều đó trước đây, nhưng chưa bao giờ nói ra. Cuối cùng, tôi đã nói với một chút không chắc chắn, “Đáng thương.”
Sau đó, Tôn Thuần lão sư đã nói đó là những gì ông ấy cũng đang nghĩ đến. Sau đó, ông tiếp tục nói rằng ông cảm thấy rất ít người trẻ có thể hiểu được nhân vật này, và đã khen ngợi tôi rất nhiều, đến mức tôi cảm thấy khá xấu hổ.*
* T/N: Nói thêm về bối cảnh, đây là những gì Tôn Thuần lão sư nói về Hạo Nhiên trong các cuộc phỏng vấn khác khi “Lang Gia Bảng 2” đang phát sóng: “Lưu Hạo Nhiên rất thông minh. Trong những cảnh quay của tôi với cậu ấy, cậu ấy có thể nắm bắt được những điểm quan trọng. Cậu bé này rất am hiểu về nhân vật mà cậu ấy đang đóng. Có một cảnh trong đó tôi nhìn cậu ấy đang đi về phía tôi từ phía xa mà nước mắt tôi tự nhiên rơi. Trong khoảnh khắc đó, tôi đột nhiên cảm thấy cậu con trai này đã trưởng thành rồi.”
BẮT ĐẦU PHÁT TRIỂN MẠNH MẼ

Bởi vì cảnh này cũng được đạo diễn khen ngợi *, tôi đột nhiên cảm thấy tự tin hơn và không còn cảm thấy sợ hãi. Cảnh tiếp theo yêu cầu Tôn Thuần lão sư đỡ tôi đang quỳ dậy, và chúng tôi ôm nhau. Vào lúc đó, Tôn Thuần lão sư đáng lẽ phải trông có vẻ đau đớn, nhưng vai diễn mà ông đảm nhận là người cha không thể hiện nỗi đau của mình với đứa con trước mặt, bởi vì ông là trụ cột của gia đình.
* T/N: Một lần nữa nói về bối cảnh, đạo diễn Khổng Sênh đã nói về cảnh này: Trong cảnh Bình Tinh trở về sau chiến thắng trong trận chiến, chàng bước dọc theo trường lang về phía người cha già của mình, người đang ngồi trong phòng, dõi theo chàng. Khi Bình Tinh cuối cùng cũng đến được chỗ cha mình và quỳ xuống – hai diễn viên đóng cảnh đó cực kỳ tuyệt vời. Bình Tinh mang nhiều gánh nặng trên vai và đang cảm nhận tất cả những cảm xúc mâu thuẫn, và Hạo Nhiên đã thể hiện được điều đó một cách xuất sắc.
Tôi lặng lẽ đến thảo luận với anh Đại Hồng (một trong những trợ lý đạo diễn). Tôi cảm thấy rằng nhân vật của Tiêu Đình Sinh luôn kìm nén cảm xúc của mình, vì vậy, liệu có hợp lý không khi ông rốt cuộc đã thả lỏng cảm xúc trong cảnh này?
Anh Đại Hồng cho biết, mặc dù việc cuối cùng cũng giải tỏa cảm xúc là điều tốt cho ông ấy, nhưng con trai ông cũng đang ở trong cảnh này. Người cha không muốn con mình nhìn thấy một mặt mong manh dễ tổn thương và đầy đau đớn của mình.

Vì vậy, sau đó tôi đề nghị, khi Tôn Thuần lão sư đỡ tôi dậy, tôi sẽ ôm ông. Đầu tôi tựa vào vai ông, và đầu ông tựa trên vai tôi, tôi sẽ không thể nhìn thấy biểu cảm trên gương mặt ông, và do đó mọi người có thể quay lại những gì ông đang cảm thấy.
Tôi đã không xem lại cảnh đó sau khi chúng tôi quay, vì vậy tôi không biết biểu cảm trên gương mặt Tôn Thuần lão sư như thế nào, nhưng khi đạo diễn Khổng Sênh xem, mắt ông rưng rưng, và nói chúng tôi đã quay đạt và có thể tiếp tục quay cảnh khác.

Trước cảnh quay này, tôi không được thoải mái lắm trên phim trường Lang Gia Bảng 2. Đây là một tác phẩm chế tác lớn, một bộ phim truyền hình nghiêm túc, và các diễn viên đều là những người có kinh nghiệm. Họ đều có khí thế bức người, không có ai gần bằng tuổi tôi xung quanh nên tôi cảm thấy rất bất an. Tôi cũng ngại nói chuyện với mọi người nên phần lớn thời gian tôi đều thu mình vào một góc suy nghĩ.
Nhưng sau khi chúng tôi hoàn thành cú máy cuối cùng của cảnh đó, tôi đột nhiên cảm thấy rất tuyệt vời. Bởi vì trong những cảnh quay trước đó với các diễn viên gạo cội, họ đã luôn giúp đỡ tôi trong việc truyền tải cảm xúc, nhưng trong khoảnh khắc đó, tôi đột nhiên cảm thấy mình cũng có thể hỗ trợ phần nào cho các diễn viên đối diễn với tôi trong cảnh quay.
KHÓC TRONG NĂM NGÀY, HƠN 20 CẢNH QUAY

Sau khi hiểu rõ về bản thân mình, trạng thái làm việc của tôi trở nên tốt hơn trong vài ngày kế tiếp. Trong năm ngày, tôi đã quay hơn 20 cảnh và hầu như tất cả các cảnh quay này đều yêu cầu tôi phải khóc. Nhưng đó là một khởi đầu tốt.
Sau khi quay cảnh tôi trở về nhà để gặp phụ thân, phụ thân đã đưa tôi đến triều đình để cầu xin sự tha thứ. Tại triều đình, phụ thân bị ốm nặng và qua đời ngay sau khi chúng tôi trở về nhà. Tất cả chỉ trong một bối cảnh. Vì vậy năm ngày tiếp theo là quay cảnh khóc, ngày nào tôi cũng khóc liên tục. Cuối cùng, tôi cạn nước mắt. Ngày nào tôi mở mắt ra thì mắt cũng sưng vù lên.
Nhưng tiếng khóc khi phụ thân qua đời khác với tiếng khóc khi huynh trưởng qua đời. Khi huynh trưởng qua đời là tiếng khóc đầy bất lực vì cái chết của huynh trưởng đến quá đột ngột. Tiêu Binh Tinh rơi vào trạng thái sang chấn nặng nề và không thể chấp nhận được điều đó.
Nhưng khi phụ thân qua đời, Tiêu Bình Tinh đã chấp nhận thực tế và đã chuẩn bị sẵn tâm lý cho điều đó. Nhưng khi điều đó thực sự diễn ra, chàng vẫn không thể kiềm chế được nỗi đau trong lòng. Điều này chẳng khác nào ép một đứa trẻ phải sử dụng phương pháp của người lớn để đối phó với những điều mà lẽ ra nó chưa phải đối mặt.
Người lớn cố gắng hết sức để kìm nén cảm xúc của họ, ngay cả khi cuối cùng họ không thể làm như vậy, trong khi một đứa trẻ hoàn toàn từ chối thực tế khó chịu. Chúng không muốn chấp nhận nó, không muốn tin vào nó. Đó là một cảm giác bất lực toàn tập. Hai loại đau đớn này là sự khác biệt lớn nhất giữa hai cảnh khóc.
ÁP LỰC

Tôi bước vào phim trường “Lang Gia Bảng 2” ngay sau khi hoàn thành bộ phim “Yêu Miêu Truyện,” và chúng tôi bắt đầu quay phim ngay lập tức. Không có nhiều thời gian để làm công việc chuẩn bị, và đây thực sự là lần đầu tiên tôi quay một tác phẩm lịch sử lớn như vậy. Ban đầu, tôi cảm thấy rất lạc lõng, không biết phải diễn xuất như thế nào, và không chắc liệu mình có làm tốt công việc hay không.
Mọi người xung quanh tôi đều là những diễn viên kỳ cựu. Họ đều rất dễ mến, nhưng điều đó càng khiến tôi cảm thấy sợ hơn. Tôi sợ rằng mình sẽ không đủ giỏi, rằng mình sẽ là mắt xích yếu ớt. Đôi khi tôi đứng xem những người khác diễn, tôi sẽ cảm thấy vô cùng thất vọng. Tôi cảm thấy tất cả họ đã làm rất tốt khi khắc họa nhân vật của họ, nhưng tôi không thể nhập tâm vào nhân vật. Tôi đã kéo chân tất cả mọi người.
Tôi lo lắng đến mức muốn gỡ tóc giả ra nhưng không biết phải diễn tả cảm xúc của mình như thế nào. Dù tôi có kể với ai đó thì cũng chẳng ích gì. Mọi người đâu có diễn thay bạn được chứ. Thực sự là vậy. Tôi cảm thấy như mình đã trở lại trạng thái mà diễn xuất như công việc phải làm, giống như việc tôi đến lớp hàng ngày và nghĩ vẩn vơ không tập trung. Tôi sẽ bắt đầu quay phim khi được yêu cầu. Nếu quay chưa đạt thì quay lại. Không có nhiệt huyết, và tôi không có ham muốn sáng tạo.
Nhưng là một diễn viên, bạn không thể như thế này. Nếu ngay từ đầu tất cả những gì bạn hy vọng chỉ là âm thầm chịu đựng, thì bạn sẽ chẳng thể cống hiến được gì cho khán giả. Nó sẽ trở thành một câu chuyện chẳng liên quan gì nhân vật.

Sau đó, tôi phát hiện ra rằng những khó khăn ban đầu của tôi sẽ xảy ra trong bất kỳ quá trình quay phim truyền hình nào. Bởi vì trong quá trình quay phim từ bảy đến tám tháng, không ai có thể hứa rằng họ sẽ có được niềm đam mê và nhiệt huyết không ngừng. Ai cũng sẽ có những lúc cảm thấy ốm, không khỏe, nơi họ không thể tìm thấy cảm giác thích hợp.
Vào thời điểm đó, tôi là một diễn viên còn rất non nớt và đang ở trong đội ngũ sản xuất rất hùng hậu, vì vậy tôi tự nhiên cảm thấy rằng mình đang bị đè nén bởi sự hiện diện của những người khác.
Phim truyền hình cho phép các diễn viên cảm thấy như vậy đôi khi tôi không nhận ra điều này. Vì vậy, vào thời điểm đó, tất cả những gì tôi có thể tập trung vào là tôi cảm thấy thiếu sót như thế nào, rằng tôi không thể làm được điều đó. Mỗi ngày tôi đều tự hỏi bản thân mình đang làm gì vậy, và tự mắng bản thân. Tôi cảm thấy chán nản đến mức tôi không còn thấy được vị thế của mình nữa.
NHỊ GIA

Tôi thường trò chuyện với Nhị Gia (giám đốc điều hành của Chính Ngọ Dương Quang Ảnh Thị và diễn viên Vương Vĩnh Tuyền). Ông là một diễn viên kỳ cựu mà mọi người đều biết, và đối với tôi ông là một diễn viên tuyệt vời. Ông cũng là một đạo diễn, và nổi tiếng với khả năng đồng thời vừa đạo diễn vừa diễn xuất.
Trong “Lang Gia Bảng” ông đóng vai Hạ Giang. Trong “Hoan Lạc Tụng” ông vào vai cha của Vương Tử Văn và trong “Ngoại khoa phong vân” ông vào vai cha của Bạch Bách Hà. Sự thể hiện của ông trong mỗi vai diễn tự nhiên và vững chắc. Trong “Lang Gia Bảng 2” ông cũng có một vai (Lê Đường chủ, sư phụ của Lâm Hề). Có cảm giác như mọi người đều tham gia các bộ phim truyền hình của Chính Ngọ Dương Quang, giống như một đại gia đình vậy.
Khi tôi nói chuyện với ông tôi cũng sẽ lắng nghe những kinh nghiệm của ông với tư cách là một diễn viên. Bởi vì khi quay một bộ phim truyền hình, trừ khi đó là tình huống chúng tôi gặp khó khăn cần phải vượt qua, còn không thì sẽ không có thời gian để xem các đoạn phát lại. Chúng tôi đang chạy đua với thời gian và có rất nhiều việc phải hoàn thành mỗi ngày.

Nhưng đối với một diễn viên trưởng thành thực sự, họ biết họ có kiểu biểu cảm như thế nào với từng câu thoại – có một hình dung rõ ràng trong tâm trí họ. Tôi chưa có khả năng đó. Sau khi đóng xong một cảnh, tôi không thể nhớ nổi, hoặc không thể tưởng tượng được tâm trạng và biểu hiện của tôi như thế nào. Bất cứ khi nào điều này xảy ra, tôi đều cảm thấy rất bất an.
Nhị Gia sẽ đến phim trường mỗi ngày khi chúng tôi quay phim. Bởi vì tôi vẫn còn khá mới, đạo diễn rất tốt bụng và khích lệ tôi nhiều hơn bất cứ ai khác. Ông luôn nói, “Làm khá tốt rồi.” Nhưng “khá tốt” có nghĩa là gì? “Khá tốt” nghĩa là “đủ điểm đạt.” Vì vậy, tôi muốn diễn xuất thật tốt, bởi vì đạo diễn sẽ không nói với bất cứ ai rằng “Rất tốt, rất tốt.”
Sau đó, tôi đến hỏi Nhị Gia. Mặc dù ông lớn tuổi hơn tôi rất nhiều nhưng giữa chúng tôi không có khoảng cách, và ông sẽ không quá khách sáo với tôi. Ông sẽ nói thẳng với tôi những gì tôi cần phải cố gắng hơn hoặc chỗ nào tôi đã làm tốt, và chúng tôi sẽ cùng nhau xem các bản phát lại và tổng kết.
SỰ KHÁC BIỆT VỀ DIỄN XUẤT TRONG ĐIỆN ẢNH VÀ TRUYỀN HÌNH

Trước đây tôi hầu như chỉ đóng phim điện ảnh. Thời gian là điều cốt yếu trong điện ảnh. Mỗi giây bạn xuất hiện, dù chỉ là ở hậu cảnh, bạn phải ở trong tâm thế phù hợp. Bạn có mục đích. Trong phim điện ảnh, không có giây nào là “trống rỗng,” bởi vì thời gian rất quý giá.
Lúc đó tôi chưa quen với việc quay phim truyền hình lắm. Trong phim truyền hình, có nhiều cảnh quan trọng và nhiều cảnh thoáng qua hơn. Khi bạn quay phim, các diễn viên sẽ diễn rất tốt trong những cảnh quan trọng và có thể không tốt như vậy trong các cảnh thoáng qua. Đó là điều mà tôi đã học được sau này.
Nhưng tất nhiên, những diễn viên phim truyền hình thực sự xuất sắc sẽ hoàn thành tốt tất cả các cảnh quay, ngay cả khi đó là cảnh quay lướt qua khi họ đang trượt băng. Tôi biết Quách Kinh Phi là người như vậy – anh ấy diễn tuyệt vời ngay cả trong những cảnh thoáng qua.
Các đạo diễn phim truyền hình sẽ giúp đỡ rất nhiều cho các diễn viên. Các diễn viên sợ phải tuôn trào cảm xúc ngay trước máy quay. Ví dụ, lặng lẽ đọc một bức thư và rồi òa lên khóc. Những cảnh như vậy rất khó diễn. Không còn diễn viên nào khác, chỉ có bạn và suy nghĩ của bạn mà thôi.
Đối với các đạo diễn thiếu kinh nghiệm hơn, họ sẽ quay cận cảnh vào khuôn mặt của diễn viên, nhưng các đạo diễn phim truyền hình có kinh nghiệm sẽ sáng tạo. Họ có thể sử dụng các cảnh quay trống hoặc tập trung vào các diễn viên khác để giúp thiết lập tâm trạng.
“Ta đã sẵn sàng đi tìm muội dù ở bất kể nơi đâu.”
“Hồng trần tự có sóng gió, tương lai có thể không mãi mãi ổn định.
Muội có muốn đồng hành cùng ta, không xa rời nữa hay chăng?”
“Muội nguyện ý.”
Trong phim truyền hình, nếu có khoảnh khắc cảm xúc của bạn không đọng lại được, khi đạo diễn hô cắt thì cũng sẽ không cắt được. Các đạo diễn giỏi sẽ nghĩ cách để xử lý cho mượt. Đối với diễn viên, họ vẫn muốn làm tốt, vì vậy, hãy hỏi đạo diễn xem liệu có thể quay thêm một đúp khác không.
Tuy nhiên, tôi hơi xấu hổ khi làm điều này, vì vậy đôi khi anh Đại Hồng (trợ lý đạo diễn của Chính Ngọ Dương Quang, con trai của Nhị Gia mà tôi đã đề cập ở trên) sẽ lặng lẽ yêu cầu đạo diễn cho quay thêm một lần, và sẽ viện cớ cho tôi. Chúng tôi sẽ giúp đỡ lẫn nhau vì vậy họ sẽ không nhìn thấu lý do của chúng tôi.
ĐẠO DIỄN KHẢI CA THÍCH KỂ TRUYỆN
Dự án mà tôi đã thực hiện trước đây, “Yêu Miêu Truyện,” cũng là một đại chế tác. Đạo diễn Khải Ca của “Yêu Miêu Truyện” thực sự biết cách giải thích diễn xuất, và là một đạo diễn rất thích kể chuyện. Mỗi ngày sau khi chúng tôi hoàn thành một cảnh, đạo diễn Khải Ca sẽ tập hợp tất cả các diễn viên lại. Chúng tôi sẽ mang theo kịch bản của mình và bút, lắng nghe đạo diễn nói chuyện với chúng tôi.
Các diễn viên đều rất thông minh và đạo diễn Khải Ca cũng giải thích mọi thứ rất rõ ràng. Sau khi chúng tôi đã hiểu rõ những gì cần làm, chúng tôi sẽ biết phải làm gì.
Nhưng đối với phim truyền hình thì khác. Bạn phải dựa vào chính mình để hiểu. Trong quá trình quay “Lang Gia Bảng 2,” đặc biệt là trong một tháng rưỡi đầu tiên, tôi không thể tìm thấy vị thế của mình, đến mức tôi cảm thấy rằng mình không phù hợp làm một diễn viên.
Bây giờ khi tôi nhìn lại những gì đã xảy ra trong quá trình quay phim “Lang Gia Bảng 2,” có nhiều cảnh tôi cảm thấy mình khá ổn. Nhưng trong thâm tâm, tôi cũng biết đó là do bầu không khí tuyệt vời, kịch bản tuyệt vời, dàn diễn viên tuyệt vời, vv… Mọi yếu tố đều đóng một phần quan trọng trong kết quả. Nếu bạn yêu cầu tôi làm lại, có lẽ tôi không thể đạt đến cấp độ đó.
Bởi vì tôi biết rõ rằng đó không phải là mức bình thường của tôi, đôi khi tôi sẽ cảm thấy khá lo lắng. Nếu tôi gặp lại loại dự án này thì sao? Điều gì sẽ xảy ra nếu không có đạo diễn hoặc các diễn viên khác có thể giúp tôi? Khi nào tôi có thể trở thành một diễn viên không bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh? Khi nào tôi có thể trở thành một người có thể giúp đỡ các diễn viên khác?
GIỮ MÌNH Ở TRẠNG THÁI NỬA THẤU SUỐT

Đối với một diễn viên, sau khi nhận một dự án, họ có trách nhiệm nghiên cứu kịch bản, chuẩn bị trước.
Tôi đã luôn tưởng tượng rằng trước khi bắt đầu quay phim, một diễn viên sẽ ghi chú nhiều thứ. Kịch bản sẽ được bao phủ bởi những chữ viết. Anh ấy sẽ viết ra những hiểu biết của mình về các nhân vật và diễn giải lời thoại của anh ấy, cho dù đó là một thuật ngữ cụ thể hay đánh dấu mẫu giọng nói trên một dòng.
Nhưng khi tôi bắt đầu tham gia diễn xuất, tôi nhận ra rằng những gì tôi tưởng tượng chỉ phù hợp với những diễn viên trưởng thành dày dạn kinh nghiệm. Kinh nghiệm của họ cho phép họ biết kiểu phân tích nhân vật nào là chính xác, và điều gì là hợp lý để bổ sung vào việc khắc họa nhân vật của họ.
Nhưng đối với một diễn viên mới như tôi, học hỏi, sao chép, lắng nghe và thấu hiểu đạo diễn là điều cần ưu tiên hàng đầu. Nếu tôi cố gắng thêm thắt việc diễn giải nhân vật vẫn còn non nớt của mình ở cấp độ hiện tại khi ở trên trường quay, kết quả có thể không tốt.
Tôi cần đảm bảo rằng mình vẫn ở trạng thái “nửa thấu suốt.” Khi xem kịch bản, tôi không được nghĩ rằng mình có thể tự mình hiểu hết được hoàn toàn. Tôi không thể giữ suy nghĩ rằng tôi đã biết một cảnh sẽ như thế nào thậm chí trước khi tôi diễn cảnh đó, trước khi tôi bắt đầu làm việc với các diễn viên khác.
Nếu tôi nghĩ rằng tôi hoàn toàn hiểu một cảnh, thì có lẽ 99% điều đó là không chính xác.
Vì vậy, khi tôi nhận một vai diễn mới, điều đầu tiên tôi chuẩn bị không phải là nghiên cứu kịch bản. Việc toi làm là đọc kịch bản và sau đó xem các tác phẩm thuộc thể loại tương tự, để xem những người khác đã làm như thế nào. Ví dụ, với một dự án lịch sử, tôi sẽ ở nhà và xem phim lịch sử, để tìm các phim có các nhân vật tương tự như tôi. Để xem các diễn viên có kinh nghiệm đã thể hiện vai diễn như thế nào, đặc biệt là trong các tình huống khác nhau.

Tôi cũng sẽ cố gắng hết sức để nghiên cứu bối cảnh lịch sử. Khi nói chuyện với các đồng nghiệp trên phim trường, tôi thường lắng nghe đề xuất của họ, hỏi “Tại sao?” để thảo luận thêm về các khả năng.
Trước đây khi tôi đóng một dự án lịch sử, có một cảnh hành động. Để thể hiện độ bạo lực của cảnh đó, đội ngũ sản xuất đã bố trí thuốc nổ. Nhưng tôi nghĩ, ở thời đại đó thuốc nổ sẽ chưa được sử dụng như vũ khí. Hầu hết, chúng sẽ được sử dụng để mở đường vào một nơi nào đó. Sau khi các nhân viên lắng nghe, họ đồng ý và quyết định thay đổi cách quay phim.
KHÔNG CHẮC CHẮN VỀ MỘT VAI DIỄN
Trong phim truyền hình “Quán ăn đêm,” tôi đóng vai một nhà sản xuất âm nhạc trẻ. Đó là một vai diễn khách mời chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn, và vào thời điểm đó, tôi không nghĩ rằng bộ phim sẽ bị chỉ trích nhiều như vậy sau khi phát sóng (T/N: cả bộ phim nói chung nhận được đánh giá kém do bối cảnh quá Nhật không phù hợp với Trung Quốc).

Khi tôi xem tất cả các bình luận, tôi nghĩ, nếu tôi là một nhân vật trong tập đầu tiên và phải đối mặt với quá nhiều chỉ trích, có lẽ tôi sẽ cảm thấy rất khó chịu và thất vọng.
Khi nói đến việc đối mặt với những lời chỉ trích, tôi nghĩ có lẽ tôi có thể xử lý được. Trước đây, vì tôi không có nhiều thời gian xuất hiện trên màn ảnh và khán giả cũng dễ dãi với tôi nên tôi đã nhận được nhiều lời khen ngợi (hơn là những lời chỉ trích).
Nhưng trong năm tới, khán giả sẽ thấy tôi đảm nhận nhiều vai diễn thử thách hơn, và thành thật mà nói, tôi không thấy tự tin như tôi đã từng. Nếu tôi thật sự làm không tốt, và nhận được rất nhiều lời chỉ trích, tôi có lẽ sẽ cảm thấy thực sự thất vọng, phải không?
Sự thất vọng này nhắm vào bản thân tôi. Nếu tôi nhận được một vai diễn tuyệt vời và bị chỉ trích vì thể hiện không tốt, tôi sẽ phản tỉnh và tự trách bản thân. Nhưng nếu nhân vật được thiết lập là một kẻ phản diện và bị ghét, thì những lời tiêu cực từ khán giả có thể được coi là lời khen ngợi.

Khi hoàn thành một vai diễn, tôi có một số khái niệm về cách tôi đã diễn trong vai đó và kết quả cuối cùng sẽ như thế nào, đặc biệt là những nhân vật tôi thường đóng.
Sau khi chúng tôi kết thúc việc quay phim “Điều tuyệt vời nhất của chúng ta,” tôi đã nói với công ty của mình rằng vai diễn này rất hay, rằng bộ phim có thể sẽ thành công, bởi vì nó mang lại cảm giác phù hợp. Nhưng đối với một số dự án khác, khi tôi kết thúc quay phim, tôi sẽ nói với công ty của mình, tôi không chắc lắm về vai diễn này.
Một loại cảm giác khác giống như khi tôi quay “Lang Gia Bảng 2” và “Yêu Miêu Truyện.” Sự bất an mà tôi cảm thấy về vai diễn này đến từ thực tế rằng đây là một thể loại mới, hoặc một dự án mới, một cảm giác mới mẻ. Họ là những nhân vật mang tính thử thách với việc diễn xuất.
Tôi không chắc rằng khí chất tự nhiên của mình sẽ phù hợp với nhân vật. Và sau khi quay phim, tôi có thể đột nhiên cảm thấy rằng mình hơi quá táo bạo khi nhận dự án. Nhưng vì đạo diễn quá nổi tiếng, đội ngũ sản xuất quá dày dặn kinh nghiệm, và đoàn đội của tôi đã quyết định để tôi đảm nhận nó, điều đó có nghĩa là họ tin tưởng vào khả năng hoàn thành tốt của tôi. Vì vậy, về sau, tôi cảm thấy tốt hơn.

Tôi luôn cảm thấy rằng nếu một dự án tiếp cận tôi, đó là vì họ nghĩ tôi phù hợp chứ không phải vì tôi có một lượng người hâm mộ nhất định.
Hiện tại, tôi cảm thấy mình đang ở trên cả hai phương diện. Tôi không hoàn toàn là một diễn viên lưu lượng, nhưng tôi cũng không phải là người dựa hoàn toàn vào kỹ năng diễn xuất. Hiện tại các dự án tìm đến tôi bởi vì họ cảm thấy tôi phù hợp.
Trước đây, có những tác phẩm IP (T/N: Intellectual Property) lớn đã tiếp cận tôi và đưa ra những điều kiện rất hấp dẫn. Tất cả những gì tôi phải làm là trông thật ngầu, nhưng sau khi nghĩ lại, cuối cùng tôi đã từ chối họ. Cũng có rất nhiều những dự án mà công ty từ chối cho tôi. Đôi khi, họ thậm chí còn không cho tôi biết về những dự án đó. Cả công ty và tôi đều hy vọng tôi có thể bước đi vững vàng để lựa chọn vai diễn, chọn những vai diễn phù hợp với tôi, và điều đó sẽ góp phần vào sự phát triển của tôi.
Có lần tôi nói chuyện với anh Tư Thành, anh ấy nói đừng liều lĩnh nhận vai. Vì anh ấy đã từng là một diễn viên nên anh ấy hiểu rất rõ vai diễn tốt có ý nghĩa như thế nào đối với một diễn viên. Một vai diễn không hoàn toàn phù hợp sẽ hạn chế kỹ năng diễn xuất và cũng có thể hạn chế tiềm năng trong tương lai của một diễn viên. Thật khó để dự đoán được.
