Dịch sang tiếng Việt bởi Lục Hương @ Hạo Nhiên Chi Khí

Chỉ sau khi gặp gỡ chính bản thân mình, sau khi nhìn ra thế giới, bạn mới có thể nhận ra mục đích của mình. Bạn nhìn thấy một tương lai tươi sáng và bạn đặt hy vọng vào nó. Giữa môi trường bên ngoài, tìm thấy sức mạnh của bạn từ bên trong, làm chủ chính bản thân bạn.
SỰ KHÁC BIỆT GIỮA NỖI ĐAU VÀ NỖI BUỒN

Đối với phim điện ảnh, trong hầu hết thời lượng của phim thì đều có một ý định nhất định nào đó. Ví dụ, vào cuối phim có thể có một cảnh cao trào với cảm xúc bùng nổ bất ngờ. Tuy nhiên, trong phim truyền hình, không nhất thiết phải có sự tích tụ đó. Có nhiều lần, (đối với nhân vật trong phim) bố qua đời, mẹ tái hôn, diễn viên ôm đầu khóc nức nở.
Thỉnh thoảng đọc kịch bản mà có cảnh yêu cầu diễn viên khóc thật đau đớn, tôi thấy thật đau đầu. Điều này thật sự không dễ đối với diễn viên, nhất là đối với diễn viên mới thì nước mắt rất quan trọng. Hiện tại (T/N: năm 2017), khi tôi cần thể hiện nỗi đau, tôi phải dựa vào nước mắt để thể hiện. Tôi vẫn đang ở giai đoạn mà trong một cảnh mà tôi cần thể hiện nỗi đau có nghĩa là tôi đang tìm kiếm những giọt nước mắt.
Nhưng sau này, tôi phát hiện ra rằng nỗi đau và nỗi buồn là hai thứ khác nhau. Nhiều diễn viên giỏi sử dụng những cách khác để thể hiện nỗi đau.

Vài ngày trước, tôi đang diễn trong một trong những dự án của công ty chúng tôi, một bộ phim truyền hình chiếu mạng có tên “Tiền đồ rộng lớn: Song Long Hội.” Có lần, tôi đã nhanh trí nói với đạo diễn về việc sử dụng một phương pháp khác để thể hiện nỗi đau thay vì nước mắt.
Đó là khoảng thời gian quay phim rất ngắn, chúng tôi chỉ dành hơn mười ngày cho việc quay phim nên việc nhập tâm vào nhân vật cũng khó hơn một chút. Các cảnh khóc sẽ phải đến một cách tự nhiên nên tôi hơi lo lắng.
Cảnh này nói về việc nam diễn viên Trần Hạo và tôi mất đi những người bạn tốt của mình. Tất cả chúng tôi đều thấy suy sụp và tuyệt vọng.

Kịch bản đã viết theo cách này: ôm đầu và khóc trong đau đớn. Để đảm bảo rằng xác chết của bạn mình sẽ còn nguyên vẹn, bạn sẽ cắn vào lưỡi, cúi đầu và bò.
Vì vậy, tôi nghĩ, có lẽ tôi có thể sử dụng phương pháp khác để diễn cảnh này, tôi đã nói chuyện với đạo diễn, nếu cả hai chúng tôi đều theo kịch bản và khóc theo cách đó, thì hai vai diễn quá giống nhau. Trong khi đó tính cách của các nhân vật hoàn toàn khác nhau.

Nhân vật của Trần Hạo là một kẻ lưu manh đường phố vui vẻ, thông minh, nhưng nhân vật của tôi trưởng thành và trầm ổn hơn. Hoàn cảnh gia đình (các nhân vật) của chúng tôi cũng khác nhau. Tôi là một sinh viên trường quân sự, còn anh ấy lớn lên ở đường phố.
Vì vậy, trong cảnh này, cách chúng tôi thể hiện bản thân cũng sẽ không giống nhau. Chính điểm này đã thuyết phục được đạo diễn đồng ý với lời đề nghị của tôi, vì vậy tôi thể hiện nỗi đau của mình theo một cách buồn bã kìm nén trầm ổn hơn.

KHÓC TẬN BA LẦN KHI XEM “LỜI HỒI ĐÁP 1988” (REPLY 1988)

Tôi từng luôn khoe rằng tôi không bao giờ khóc khi xem phim điện ảnh hay phim truyền hình, bởi vì đối với diễn viên, khi chúng tôi xem phim, chúng tôi rất ý thức về sự thật rằng đó là diễn xuất. Vì vậy, nhiều lần tôi sẽ rất chú ý đến biểu cảm của người diễn viên. Tôi sẽ tiếp cận theo hướng phân tích nhiều hơn, khi tôi cố gắng ghi nhớ một số biểu cảm nhất định, để xem liệu tôi có thể sử dụng nó cho một vai diễn sau này hay không.
Giống như khi một số nhà sản xuất xem phim, họ sẽ nghĩ về số tiền được chi cho một cảnh quay cụ thể.
Nhưng gần đây, rốt cuộc là tôi cũng bị cuốn theo tình tiết trong phim. Trong lúc giải lao, tôi đã khóc ba lần, và đó đều là khi xem “Lời hồi đáp 1988.” Mặc dù về mặt kỹ thuật đây là một bộ phim thanh xuân, nhưng câu chuyện bao hàm rất nhiều điều, là một bộ phim rất tình cảm và để lại ấn tượng sâu sắc.
Rất nhiều điều thậm chí không nhất thiết là do thiết lập của kịch bản, mà thực tế là do các diễn viên đã hoàn toàn trở thành nhân vật và đưa họ vào cuộc sống. Dù cho đó là sự gắn kết giữa các diễn viên, hay là sự tự do sáng tạo mà đoàn làm phim cho phép diễn viên, thật sự giống như đang xem cuộc sống thực vậy. Họ càng không muốn “diễn” thì hiệu quả càng tốt hơn.
Trong phim “Lời hồi đáp 1988” có cảnh Junghwan, Dukseon và Dongryong đang ngồi trên xe buýt. Họ ngồi bên cửa sổ, giữ chặt tay vịn. Khi chiếc xe buýt đột ngột phanh gấp, mọi người bị hất tung về phía sau. Dukseon túm lấy Junghwan và vô tình kéo hở áo sơ mi của Junghwan, cùng lúc đó, Dongryong túm tóc một cô gái gần đó.
Cô gái là diễn viên phụ nên vừa quay đầu lại vừa cười. Bình thường khi chúng ta bị túm tóc sẽ thấy kích động tức giận, phản ứng kiểu tương tự như vậy, nhưng cô gái rất biết mình đang diễn xuất, và chưa ai nói với cô ấy điều này sẽ diễn ra, vì vậy cô ấy không chắc mình phải làm gì.
Nhưng Dongryong đã làm điều đó rất tốt. Hành động nắm tóc hẳn là một sự ngẫu hứng của anh ấy. Anh ấy đã thiết kế nó dựa trên tình huống, và hiểu rõ tính cách nhân vật của anh ấy.
Rất nhiều cảnh trong bộ phim giống như vậy. Ví dụ, nơi họ đang nói chuyện phiếm. Đó là một loại niềm vui và hạnh phúc tự nhiên đến từ phía sau hậu trường, một loại cảm giác khó lòng mà diễn xuất cho ra được. Bầu không khí xung quanh họ đầy hoài niệm, ý thức về thời gian đang trôi qua rất chân thành và thực tế.
LÀ CON TRAI THÌ KHÔNG NÊN KHÓC MỘT CÁCH DỄ DÀNG

Diễn viên phải khóc, nhưng con trai làm vậy rất khó. Khi muốn khóc, họ cố gắng hết sức để kìm lại. Nhưng gần đây, tôi bắt đầu rất dễ khóc. Vì trong cuộc sống hàng ngày, tôi đang khám phá nhiều hơn cách thể hiện cảm xúc của mình.
Tôi có một người bạn rất thân. Chúng tôi là bạn học từ thời cấp 2 và cũng là bạn cùng phòng ký túc xá. Chúng tôi học cùng nhau, cùng thi vào Học viện Hí kịch Trung ương. Tính đến nay, chúng tôi đã biết nhau được 9 năm. (T / N: Anh ấy đang nói về nam diễn viên Diệp Tiểu Vĩ, người đóng vai nam thứ trong phim truyền hình “Thiên khanh ưng liệp” của Vương Tuấn Khải).

Khi chúng tôi đang tham gia khóa học ở Nhật Bản, hai chúng tôi đã đi uống rượu và trò chuyện với nhau rất lâu, và tôi đã khóc một lúc, rồi cậu ấy đã an ủi tôi.*
*T/N: Diệp Tiểu Vĩ đã nói về điều này trong một cuộc phỏng vấn (xem ở đây: https://haonhienchikhi.com/2021/09/28/khi-gio-noi-len-tu-thuo-nien-thieu-phong-van-luu-hao-nhien-tren-火星试验室-thang-2-2018-phan-hai/) – anh ấy nói rằng đó là vì trong chuyến đi học ở Nhật Bản, Hạo Nhiên đã đi uống rượu với một giáo viên. Giáo viên nói với Hạo Nhiên rằng Diệp Tiểu Vĩ rất thiếu tự tin vì nhiều lý do, và không nghĩ nhiều cho bản thân. Khi Hạo Nhiên trở về phòng của họ, Diệp Tiểu Vĩ đã hỏi anh ấy tại sao lại về muộn như vậy, và Hạo Nhiên đã khóc nức nở.
Đối với tôi, cuộc sống vẫn thuận buồm xuôi gió. Mặc dù trên đường đôi khi có những gập ghềnh, nhưng không có vấn đề gì lớn và nó không ảnh hưởng đến con đường phía trước của tôi. Cho đến bây giờ, tôi chưa bao giờ thực sự trải qua kiểu hoàn cảnh đã khiến tôi muốn bỏ ngành, từ bỏ, hay chuyển đổi nghề nghiệp.
Có lẽ là do tôi còn khá mới trong ngành, xung quanh tôi có nhiều bạn bè và tiền bối đi trước giúp đỡ và bảo vệ nên con đường của tôi cho đến nay rất suôn sẻ và vững chắc.
THẬT SỰ KHÔNG CÓ MỘT QUY TRÌNH CHO SỰ TỬ VONG

Khi quay phim “Lang Gia Bảng 2,” tôi đã không về thăm nhà hơn một năm rồi. Mẹ tôi bị thương ở chân và tình hình khá nghiêm trọng. Khi bà đang đi xe máy và đang cố gắng tránh một chiếc xe khác thì bà bị đâm, bị gãy chân và nhiều xương khác nữa. Nhưng gia đình tôi không nói cho tôi biết và khi tôi phát hiện ra thì mẹ tôi đã đi lại được.
Gia đình tôi luôn như vậy. Họ không nói với tôi bất cứ điều gì.
Khi tôi học cấp 2 và ông nội tôi mất, họ không nói cho tôi biết, đến khi tôi biết chuyện thì đám tang đã xong. Tôi không được nuôi bên cạnh ông bà, bà nội tôi đã qua đời từ lâu, nhưng họ vẫn là những người thân trong gia đình mà tôi cho là rất thân thiết.
Mặc dù tôi sẽ không đau đớn đến mức không thể chấp nhận cái chết của họ, nhưng khi biết tin ông nội qua đời, tôi vẫn hết sức đau buồn và giận dữ. Đó là một đòn đau gấp đôi. Nếu chỉ là việc ông bà tôi qua đời, có lẽ tôi chỉ buồn thôi, nhưng họ chỉ gọi điện báo cho tôi sau khi đám tang đã kết thúc.
Tôi đau đớn và tức giận đến mức phát điên. Gia đình tôi nói là do tôi chỉ có một thân một mình đi học nội trú xa nhà nên họ không muốn ảnh hưởng đến việc học của tôi. Nhưng tôi thực sự không thể hiểu được, và nổi cơn thịnh nộ. Tại sao mọi người không thể nói với con? Đó là ông nội con mà! Về nhà ba đến bốn ngày… chỉ như vậy thì làm sao có thể ảnh hưởng đến việc học của con kia chứ!
Khi tôi bắt đầu học cấp hai, ở nhà tôi có ba ông bà, ông nội và ông bà ngoại của tôi, đến khi tôi lên lớp 8 thì cả ba đều đã mất. Gia đình tôi đã chuẩn bị tâm lý, bởi vì cả ba ông bà đều là người già và sống khá thọ rồi. Nếu nói theo cách nói của quê tôi, thì đó là một điều đáng mừng (vì họ đã sống một cuộc đời đầy đủ và lâu dài).

Đó là lúc tôi nhận ra cái chết là như thế nào, mặc dù không trực tiếp. Mặc dù cái chết vẫn giống như một khái niệm xa lạ, nhưng tôi vẫn thấy sợ hãi nó.
Đối với (khái niệm về) cái chết, tôi muốn tránh xa nó, đồng thời cũng đầy tò mò. Tôi nghĩ, điều gì sẽ xảy ra sau khi chết? Bạn cứ thế chịu khuất phục trong bóng tối? Hay bạn vẫn còn nhận thức? Hay bạn sẽ thực sự được tái sinh?
Chuỗi sinh học của thế giới rất hoàn chỉnh, từ khi sinh ra đến khi chết đi, mỗi sinh vật đều có một quá trình đã được thiết lập. Vậy sau khi con người chết đi, liệu cũng có một quá trình như vậy hay không? Sau khi ai đó qua đời, liệu họ vẫn còn một mục đích hay lý do nào chăng? Liệu chúng ta có hoàn toàn tan biến sau khi chết?
Khi tôi còn nhỏ, tôi tưởng tượng mình là nhân vật chính của thế giới, rằng thế giới tồn tại là vì tôi. Từ quan điểm về sự tử vong của con người, thế giới là của riêng mình bạn. Sau khi bạn qua đời, thì nó không còn ý nghĩa gì nữa.
SỨ MỆNH

Mỗi người đều có một sứ mệnh trong cuộc đời này. Có thể nhiều người đã tìm thấy nó. Đối với một số người, đó là cống hiến cuộc đời mình cho người khác, giúp đỡ họ khi họ gặp khó khăn, bảo vệ động vật hoang dã. Đối với một số người, đó là vì gia đình của họ, chăm sóc người cao tuổi trong nhà, để tạo ra cuộc sống tốt hơn cho con cái của họ.
Một số người đã tìm thấy sứ mệnh của mình trong cuộc đời khi họ mới chỉ là những đứa trẻ. Một đứa trẻ bảy hoặc tám tuổi hàng ngày nhìn thấy một người vô gia cư trên đường sẽ cố gắng nghĩ xem có thể làm gì cho họ, thành lập quỹ và tổ chức từ thiện. Những người khác có thể tham gia vào việc cứu trợ những con vật đi lạc. Nhưng đối với tôi, tôi nghĩ rằng mình chưa tìm thấy sứ mệnh của mình.
Có nhiều người có thể muốn nhận được giải thưởng, trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp trong một ngành. Họ sẽ nghĩ về những bức tranh lớn hơn, và muốn trở thành một nhân vật quan trọng, để có một sự tồn tại khác biệt so với những người khác. Nhưng rất ít người rốt cuộc sẽ có thể đạt được điều này.
Với vài năm hoạt động trong nghề, tôi chưa bao giờ nghĩ mình khác biệt với những người khác, cũng chưa nghĩ về việc mình muốn đi tới đâu. Cho đến bây giờ, tôi chỉ muốn tập trung hết mình cho kịch bản trong tay, cố gắng hết sức trong việc thể hiện một vai diễn, cố gắng hết sức trong những nhiệm vụ mà tôi nhận được. Để vững vàng bước từng bước. Nơi tôi có thể đến trong tương lai, nơi tôi không thể đi tới – không thật sự cần thiết để nghĩ về điều đó ngay bây giờ.

Giống như lúc ban đầu, tôi đã bị một cơn gió bất chợt thổi bay đến một hiện tại mà tôi chưa bao giờ nghĩ tới. Với tôi bây giờ khi đã có thể kiểm soát hơn một chút, tôi vẫn không thể đoán được con đường tương lai của mình sẽ đi theo hướng nào.
Nếu một người nỗ lực hết mình và bước đi thuận lợi theo số phận thì đó là một điều tốt. Sau khi được thổi vào đường đua này, tôi hy vọng rằng tôi không phải lúc nào tôi cũng bị cuốn theo những cơn gió ấy.
Tương lai mình đi đến đâu, tôi mong rằng tôi có thể tự quyết định điều đó.