Dịch sang tiếng Việt bởi Lục Hương @ Hạo Nhiên Chi Khí
Mình đã dịch một số bài review phim “Tứ Hải” đăng trên page ở Facebook, tổng hợp lại đăng trên WordPress.
REVIEW PHIM “TỨ HẢI”: CÂU CHUYỆN TUỔI TRẺ
Review của Ma Ninh (麻宁), nhà báo, blogger, Phó chủ tịch Công ty đầu tư lĩnh vực giải trí-văn hoá “Entertainment Workshop” (娱乐工场)

Doãn Chính nói rằng cậu ấy rất thích “Tứ Hải.” Tôi cũng đã xem “Tứ Hải” ngày hôm qua và thấy Weibo của Đào Dũng (Trưởng khoa Mắt Bệnh viện Triều Dương Bắc Kinh) cũng khen ngợi bộ phim này. Có lẽ những người như chúng tôi không còn trẻ nữa, nhưng có thể thưởng thức cái hay của bộ phim này tốt hơn.
“Tứ Hải” hay. Phim rất hay, tên tiếng Trung rất hay, và tên tiếng Anh cũng rất hay. Chỉ có kẻ ngốc mới vội vã, “only fools rush in.”
Về tên tiếng Anh của phim, nam nữ chính trong phim có một đoạn hội thoại khá thú vị: “Anh đã bao giờ sa vào cảnh đó chưa?” “Anh không, chỉ có kẻ ngốc mới bị sa vào đó!” Trên bề mặt thì đoạn hội thoại nói về chiếc mô tô, nhưng thực tế, tất cả chúng ta đều biết rằng đó là ẩn ý về việc sa vào lưới tình.
Hàn Hàn luôn quay phim tốt với hai chủ đề này, thanh niên ở thị trấn nhỏ và cuộc sống bay bổng gắn với động cơ phóng nhanh. “Tứ Hải” là gì trong lòng những thanh niên nơi thị trấn nhỏ? Đó là thế giới trong tưởng tượng của những người trẻ tuổi vừa ngây ngô vừa hào hứng, cũng là thế giới của những người trưởng thành sau nửa đời người chìm nổi cuối cùng cũng chấp nhận thực tại. Một số người đã được nhìn ngắm thế giới rộng lớn bên ngoài và nghĩ rằng ngoài kia là tốt hơn; một số người đã nhìn thấy sự phồn hoa nhưng vẫn nghĩ rằng thị trấn là tốt nhất.
Tôi đã xem bộ phim này ở một thị trấn nhỏ tên là Thanh Lan ở Văn Xương, Hải Nam, trong một rạp chiếu phim rất xa. Mấy ngày nay ở Hải Nam trời mưa, đối với một thị trấn nhỏ như Thanh Lan, vào dịp Tết Âm lịch các nơi đều đóng cửa, trời mưa thì không thể ra biển, năm nay thật buồn chán và vô vọng. Nhưng tình cờ lại là một rạp chiếu phim ở thị trấn nhỏ như vậy, nên những gì Hàn Hàn mong muốn thể hiện sẽ dễ chạm đến trái tim mọi người ở đây hơn.
Nội dung dưới đây có những phần tiết lộ nội dung phim, ai chưa xem phim vui lòng đọc lướt qua, hoặc bỏ qua và đọc tiếp 3 khổ cuối.
Chàng trai trẻ Ngô Nhân Diệu do Lưu Hạo Nhiên thủ vai là một chàng trai trẻ ở một thị trấn nhỏ trên đảo Nam Áo rất thích xe mô tô. Mẹ mất sớm, cha đi làm ăn xa nhà đã nhiều năm, hiếm hoi mới về một lần, chỉ còn bà nội già yếu và cậu sống với nhau. A Diệu là người sống nội tâm và không thích kết bạn, nhưng có một cô gái mà cậu thầm thích tên là Châu Hoan Tụng (do Lưu Hạo Tồn thủ vai), làm bồi bàn trong một nhà hàng.
Châu Hoan Ca, do Doãn Chính thủ vai, có thể đọc vị suy nghĩ của A Diệu về em gái Hoan Tụng của mình trong nháy mắt. Với mong muốn xây dựng một đội mô tô “huyền thoại bất khả chiến bại,” anh đã lôi kéo A Diệu vào đội. Lúc đầu chỉ muốn thêm người phụ việc cho đội, không ngờ lại khai quật ra nhân tài.
70 phút đầu tiên của bộ phim mang màu sắc hài hước, vui tươi và lôi cuốn. Với những thanh niên trong thị trấn vui buồn của họ đều rất đơn giản, mục tiêu của họ cũng rất rõ ràng, ngay cả cuộc thi đua xe cũng là: “Theo lệ cũ – không có luật lệ”! Ở thị trấn Nam Áo xa xôi và ẩm ướt, mọi thứ đều phát triển đơn giản và tự do.
Tuy nhiên, cuộc sống là vô thường, những người trẻ luôn phải hòa nhập với xã hội, vì nhiều lý do khác nhau, A Diệu và Hoan Tụng cùng nhau đến Quảng Châu với hy vọng tìm ra giải pháp tại Quảng Châu cho những vấn đề phát sinh ở Nam Áo. Nam Áo không phải Đào Hoa Đảo (T/N: hòn đảo của Hoàng Dược Sư trong truyện Kim Dung), và đến một thành phố lớn như Quảng Châu đồng nghĩa với việc phải tuân theo luật lệ của một thành phố lớn – ở Quảng Châu, xe mô tô bị cấm; phụ nữ bị phân biệt đối xử khi đi xin việc; những kẻ cho vay nặng lãi trực tuyến dựa vào những kẽ hở của pháp luật … A Diệu, Hoan Tụng và cả những người bạn của họ đang dần bị thành phố lớn ép buộc, phải cố gắng thích nghi và cố gắng hết sức để thay đổi.
Có một chi tiết là ở Nam Áo, dù cho cả đoàn xe mô tô lao vun vút qua đường hầm, trong tiếng động cơ xe gầm rú cực lớn, Hoan Tụng vẫn có thể nghe thấy tiếng tự nhủ lẩm bẩm của A Diệu; nhưng ở một thành phố lớn như Quảng Châu, khi A Diệu nói điều gì đó với cô ấy một cách nghiêm túc, cô lại không thể nghe rõ. Điều ẩn dụ này muốn nói với chúng ta là những chàng trai cô gái khi còn ở trong thị trấn nhỏ thì hiểu rõ bản thân và hiểu rõ người khác, khi đến đô thị tất cả đều hụt hẫng, không biết đối phương cũng như không hiểu chính mình. Tôi là ai, anh ấy là ai, tôi muốn gì và anh ấy muốn gì … Sống trong một thành phố khó lường, nhiều câu hỏi trở nên không thể trả lời được.
Tôi nghĩ trong bộ phim điều khiến tôi xúc động nhất chính là sự lao động vất vả của những người trẻ tuổi đến từ các thị trấn nhỏ. Trong phần lớn thời gian họ sống ở các thành phố lớn, họ chỉ là âm thanh nền mờ nhạt hoặc người qua đường không xứng đáng được nêu tên. Ví dụ, ở cuối phim xe của nhân vật do Kiều Sam thủ vai đột nhiên va chạm với “thứ gì đó mà tôi không biết.” Anh ta xuống xe kiểm tra và bỏ đi, lẩm bẩm rằng mình không nhìn thấy gì. Anh ta là người tốt, không có ác ý, không phải kiểu gây tai nạn rồi bỏ chạy, nhưng thực sự không biết thứ gì đã đâm vào xe của mình. Và “thứ gì đó mà tôi không biết” va chạm với anh ta có thể là cả thế giới của một người khác.
Một ví dụ khác là A Diệu do Lưu Hạo Nhiên thủ vai, người đã phải cố gắng để hoàn thành cú nhảy qua sông Châu Giang. Ấn tượng của sự kiện này trong sự chờ đợi và khi diễn tập là “hoàn thành tốt cũng như không làm mà thôi.” Đây là hình ảnh thu nhỏ của những thanh niên đến từ các thị trấn nhỏ đang cố gắng hòa nhập vào thành phố lớn. Ở đây, niềm vui và nỗi buồn của họ là yếu ớt và chẳng ai quan tâm. Nếu họ muốn giành được sự chú ý của thành phố, họ phải chiến đấu cho cuộc sống của mình, và họ có thể chẳng có cơ hội được biết đến. Không giống như ở một thị trấn nhỏ, nếu bạn đi xe máy giỏi, sẽ có những cô gái xinh đẹp chân thành khen ngợi bạn.
Vài giây trước khi cú nhảy được thực hiện, cảnh quay cận cảnh A Diệu đội chiếc mũ bảo hiểm là cảnh quay đẹp trai nhất của Lưu Hạo Nhiên trong các tác phẩm điện ảnh và truyền hình từ trước đến nay. Lưu Hạo Nhiên nên lấy làm cảm kích vì đã nhận bộ phim này, đây là một tác phẩm có nhiều chỗ để thể hiện kỹ năng diễn xuất của cậu ấy, và cậu ấy cũng đã hoàn thành một bước nhảy vọt trong kỹ năng diễn xuất của mình.
Doãn Chính luôn là người tôi yêu thích, và lần này anh ấy vẫn không làm tôi thất vọng. Những người như Châu Hoan Ca thực sự là một tia sáng trong thị trấn, mang lại cho bạn hạnh phúc và hy vọng. Cho dù những hạnh phúc và hy vọng đó dựa trên những nền tảng không đáng tin cậy, thậm chí là sai lầm, nhưng nếu không có người như vậy ở trong thị trấn, ngày tháng sẽ tẻ nhạt, thậm chí đến sự tưởng tượng cũng không xuất hiện được.
Một trong những chi tiết tôi cũng thích ở bộ phim này là A Diệu và Hoan Tụng đã thuê một phòng khách sạn trên đường đến Quảng Châu. Trong các bộ phim khác, kiểu chuyển cảnh này thường làm nổi bật sự hồi hộp, bối rối của những chàng trai cô gái mới yêu lần đầu tiên được “cởi mở,” hoặc cố tình làm cho căn phòng trở nên chật chội để thể hiện sự nghèo túng của họ. Tuy nhiên, căn phòng này thì không, với mức giá khoảng 200 tệ thì quá hoàn hảo – sạch sẽ và ngăn nắp, ấm áp và thoải mái, có cửa sổ có thể nhìn thấy đèn neon, rèm xanh, mọi thứ đúng như tưởng tượng của Hoan Tụng về “ngôi nhà lý tưởng”. Thiết kế của phần phim này là tuyệt vời, tràn đầy vẻ đẹp và những điều nuối tiếc. Xin không tiết lộ thêm các chi tiết, các bạn hãy tự mình xem.
Tất nhiên, trong phim, có nhiều câu hỏi đã không được giải đáp, và cuối cùng A Diệu đã trở lại đảo Nam Áo, nơi cậu quen thuộc nhất. Đây là khó khăn của những người sáng tạo, nhưng nó không phải là khó khăn của chúng tôi – trước thời đại quá phức tạp này, chúng tôi không có giải pháp cho nhiều vấn đề, chúng tôi không thể nhìn rõ, suy nghĩ rõ ràng và không thể giải quyết.
Tôi đã ở tuổi trung niên rồi, Hàn Hàn cũng vậy. Đến tuổi trung niên, chúng ta vẫn không thể nhìn rõ, không thể hiểu, không thể giải quyết, huống chi là A Diệu còn trẻ như vậy?
Nhưng tôi muốn cảm ơn Hàn Hàn và bộ phim “Tứ Hải” của anh ấy, bởi vì sau khi xem xong bộ phim dài hai tiếng đồng hồ này, tôi chợt cảm thấy người thiếu niên trong lòng mình chưa từng đi xa, hoặc là có một nhóm thiếu niên tuổi hoa vẫn ở trong lòng tôi. Thiếu niên cùng nhau chậm rãi trưởng thành, nhưng không bao giờ mất đi (tuổi trẻ).
REVIEW CỦA NỮ DIỄN VIÊN TRIỆU TỬ KỲ, NGƯỜI ĐÓNG VAI “DÌ MẶC ÁO DA BÁO” TRONG PHIM “TỨ HẢI”

“Gần đây khi mọi người gặp tôi, họ sẽ nói, “Nhìn thấy cô rồi nhé, dì mặc áo da báo!” Tôi tự nghĩ rằng mình đã đóng phim nhiều năm như vậy, nhưng không ngờ rằng meme “dì mặc áo da báo phổ thông” sẽ thoát vòng! [icon dở khóc dở cười]
Mấy ngày trước khi tham gia quảng bá phim, tôi đã xem trước phiên bản hoàn thiện của phim “Tứ Hải,” tôi thật sự không ngờ đây lại là một bộ phim như thế này!
1. Bộ phim có rất nhiều chỗ để khiến mọi người cười ~ Hãy nói theo cách này, mặc dù “dì mặc áo da báo phổ thông” là hình ảnh thoát vòng, nhưng đó không phải là chi tiết hài hước nhất trong phim. Nhà làm phim đã rất thông minh để che giấu những mảng miếng gây hài thực sự mà bạn sẽ biết khi xem phim: có không dưới mười chỗ vui nhộn.
2. Bộ phim khiến khán giả cười nghiêng ngả nhưng không phải phim hài, theo quan niệm của tôi, bộ phim lại càng không phải là “phim Tết” theo nghĩa truyền thống, mà là một bộ phim điện ảnh chân chính được chiếu trong đêm giao thừa! Bộ phim không có cảm giác gây cười quá lố, không có cảm giác điên cuồng, mà là một bộ phim được sản xuất cực kỳ nghiêm ngặt, thể hiện cảm xúc tinh tế, sự quan sát và suy nghĩ của đạo diễn về số phận của những con người nhỏ bé … Ở đây tôi muốn nói thêm một điều khác nữa, tôi nghĩ khả năng của đạo diễn trong việc kiểm soát các nhân vật là rất quan trọng, và điều đó ngày càng tăng theo từng năm, và thậm chí mọi vai diễn khách mời đều rất thích hợp ~ (Đúng vậy, hóa ra tôi rất phù hợp với vai diễn “dì mặc áo da báo” [ha ha])
3. Xin được dành lời khen cho Lưu Hạo Nhiên, cậu ấy diễn quá hay! Vì màn trình diễn của cậu ấy, bạn sẽ tin vào A Diệu, sẽ theo chân cậu ấy và yêu Hoan Tụng!
4. Một người bạn trong giới truyền thông của tôi, người đã xem phim chiếu trước nói với tôi rằng khi xem phim đã cười rất sảng khoái, nhưng sau khi xem xong lại thấy buồn bã… Phải, bộ phim này có sức nặng như vậy đấy.
5. Mong được gặp các bạn khi đi xem “Tứ Hải” ở rạp chiếu phim vào Tết Nguyên Đán.”
REVIEW PHIM “TỨ HẢI” SAU BUỔI CHIẾU SỚM CỦA BLOGGER 祝羽捷

Tôi đã xem xong bộ phim “Tứ Hải” của đạo diễn Hàn Hàn.
Câu chuyện đưa mọi người trở về thời tuổi trẻ nhiệt huyết, có những lần đấu tranh chống lại sự bất công của cuộc sống, có sự chống lại các quy tắc của thế giới, có sự tin tưởng ngây thơ và sự bày tỏ chân thành, và có sự hủy hoại của những điều ước tốt đẹp.
Có nhiều tình tiết cảm động thắt tim trong phim, chẳng hạn như cuốn tiểu thuyết “Món quà của nhà thông thái” (The Gift of the Magi) của nhà văn O’Henry ở trên đầu giường của A Diệu. Khi thật lòng yêu một ai đó, bạn không thể không cho đi tất cả chỉ để đổi lấy một nụ cười ngắn ngủi.
Xe máy là biểu tượng, là công cụ để bạn chiến đấu, nó có thể là bất cứ thứ gì bạn yêu thích, là vũ khí để mưu sinh và là cuộc sống của bạn.
Có tình yêu, gia đình, tình bạn trong phim – những cảm xúc quan trọng nhất của chúng ta đều được bao trùm.
Trước hết hãy nói về tình cha con, khi cha của A Diệu gặp lại anh tay cầm món quà là đồ chơi Ultraman lỗi thời, A Diệu tuyệt vọng trông có vẻ ghét bỏ, nhưng đó là tình cha của bao người đàn ông Trung Quốc, hay vắng nhà, vụng về và không hiểu lòng con, nghĩ rằng cách cuối cùng là làm việc chăm chỉ để kiếm tiền và giả vờ rằng bạn đang làm tốt.
Tôi nhớ có một lần ở trường, bố tôi đột nhiên đến giao một thứ gì đó và đưa cho tôi một cuốn sách, lúc đó tôi cũng cảm thấy xấu hổ, đó là một cuốn sách không quan trọng, nhưng ông nghĩ rằng tôi đã đọc nó vào buổi sáng và lo lắng rằng tôi sẽ cần dùng ở trường. Lúc đó tôi cảm thấy tức giận và muốn cười.
Chỉ đến khi lớn lên, chúng ta mới nhận ra rằng cha thực sự không giỏi bày tỏ tình yêu thương, khó sống chung hoà hợp và không thể tỏ ra gần gũi yêu thương với con cái.
Về tình bạn, bạn biết rằng một số người không thực sự là bạn, họ chỉ nói về tình bạn mà thôi, nhưng đối với một đứa trẻ cô đơn, đó có thể là điều nó trân trọng nhất.
Là con một như tôi, hồi nhỏ tôi thường bị nhốt ở nhà một mình, nếu có thể ra ngoài giao lưu kết bạn, tôi rất muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho người khác, và đôi khi tôi phản ứng – sao bạn có thể ngốc như vậy.
Nhưng điều đó có quan trọng gì đâu? Trong quá trình cho đi, chúng ta đã đáp ứng được những mong đợi của mình về tình bạn.
Nói về tình yêu, thứ tình yêu trong sáng như pha lê này dường như chỉ thuộc về tuổi trẻ, dù có căng thẳng mệt mỏi đến đâu thì cũng phải dành những điều tốt đẹp nhất cho nhau.
Thật tiếc khi chúng ta đều đã trưởng thành, việc đi đến tận cùng thế giới vì tình yêu là điều quá ngông cuồng và viển vông. Người ta càng đạt được nhiều thì yêu lại càng ít.
Tôi rất muốn nói với một người tuổi 20, hãy cứ yêu như chưa từng tổn thương.
Đây là một bộ phim rất ấm áp, không có kẻ xấu thuần túy, mọi người đều cố gắng giải thích đầy đủ nhất có thể về động cơ của mình. Đằng sau những điểm yếu của bản chất con người là sự khó khăn và xấu hổ của mỗi người.
Họ không đủ hiểu biết và thường rất cẩu thả vì thời thế thay đổi quá nhanh, có thể dễ dàng trở thành một chiếc xe máy lỗi thời.
Thời thế tươi sáng, và họ sử dụng sự hài hước và tự ti để bảo vệ bản thân khỏi bị thực tế lấn át.
Ngay cả bà của A Diệu cũng có thể hiện thực hóa mong muốn của mình là đi lên phía bắc để ngắm tuyết. Cuộc đời của mỗi người không ai là không đáng sống.
Tôi nghĩ đến một câu trong truyện “Món quà của nhà thông thái”: “Cuộc sống hình thành từ những tiếng nức nở, tiếng sụt sịt thổn thức và tiếng cười, trong đó nổi trội là tiếng sụt sịt.”
Bộ phim thật quá khó chịu, nó khiến chúng ta cười trong một thời gian dài và cuối cùng kết thúc khiến ta phải khóc nghẹn – chúng ta không thể tự dối lòng mình nữa, chúng ta đều là những kẻ ngốc trong thế giới này, và bây giờ chúng ta chỉ có thể giữ một số cảm xúc trong đó. “Tứ Hải” may mắn thay vẫn còn một số góc cạnh chưa bị mài mòn, và một số hơi ấm thực sự vẫn còn vẹn nguyên trong cuộc sống thực.
Bộ phim này sẽ mang đến sự an ủi cho những ai đang tuyệt vọng và gặp trở ngại trong cuộc đời, hãy nhớ rằng trong muôn vàn khó khăn của cuộc sống vẫn có sự đồng cảm.
REVIEW PHIM “TỨ HẢI” CỦA NHÀ SẢN XUẤT PHIM ĐỐN HÀ (顿河)

Diễn viên nào lại không muốn đóng một bộ phim như vậy khi đang độ tuổi trẻ rực rỡ nhất, dũng cảm vì người con gái mình yêu, hết mình vì người bạn mà mình quan tâm, bước ra khỏi thị trấn nhỏ và đối mặt với sự cô độc trong thế giới rộng lớn. Tìm thấy bản thân trong cái không phải bản thân, không chiến thắng một cách đẹp đẽ, mà bay lượn không giới hạn, đó là phiên bản Hạo Nhiên của “Tứ Hải,” và là phiên bản “cậu bé sư tử” của Nhân Diệu.
[“Cậu bé sư tử” là tên một bộ phim hoạt hình TQ ra mắt cuối năm 2021. Đoạn biểu diễn “Bay qua sông Châu Giang” là A Diệu đóng thế cho một người khác tên là Miêu Hử (苗浒), mình đọc một số review thì dù có thực hiện thành công hay không thì A Diệu vẫn không được gỡ mũ bảo hiểm và phải vào xe cấp cứu để đổi sang người khác. Màn đâm vào thùng carton là hình ảnh tri ân cho cảnh diễn viên Kha Thụ Lương (柯受良) lái ô tô bay qua sông Hoàng Hà năm 1997, ông cũng đã đâm vào đám thùng carton.]